Có câu “Con không cha như nhà không nóc”, nhưng với Huy và Trung, nóc nhà vững chãi là người mẹ dấu yêu. Mẹ không đi thêm bước nữa mà dành hết yêu thương, lặng lẽ chắt chiu cho tương lai con mình.
Biết mặt cha qua di ảnh trên bàn thờ
Trưa trật, trong căn nhà cấp bốn cũ kỹ ở xã Bình Định Nam, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam, Trần Văn Huy vẫn đang tất bật với gà lợn. Công việc quá đỗi quen thuộc với cậu học trò “bốn mắt” (Huy bị cận). Sáu năm nay, mọi việc nhà một tay em làm tất, bởi mẹ làm công nhân may tăng ca đến tối mịt mới về nhà.
Bà Bùi Thị Xuân Thành (46 tuổi, mẹ Huy) nghe chúng tôi đến thì xin công ty, chạy gần 20km về nhà. “Nghe phóng viên Tuổi Trẻ đến mừng quá nên tui xin chỗ làm chạy về ngay” – bà quệt mồ hôi trên mặt giữa trưa nắng gắt.
18 năm nay, chưa khi nào người mẹ ấy nguôi nỗi đau mất chồng khi vừa vượt cạn sinh con. Khi vợ bụng mang dạ chửa, người chồng vào TP.HCM làm thuê kiếm tiền.
“Tôi sinh thằng Huy gần ba tháng thì chồng bị tai nạn giao thông chết trong đó. Người ta chở thi thể ảnh về nhà, tôi ngã khuỵu, xỉu lên xỉu xuống. Anh mất còn chưa thấy được mặt con trai” – bà Thành quệt nước mắt.
Chồng mất quá sớm khi con trai còn đỏ hỏn, người phụ nữ ấy đã gạt đi nước mắt, hy sinh thanh xuân đời mình, không đi bước nữa mà ở vậy nuôi con.
Bà làm đủ thứ nghề, miễn có tiền. Từ xay xát lúa gạo, tráng bánh, làm ruộng đến ai kêu làm thuê gì, bà cũng đi, nuôi lợn gà kiếm thêm thu nhập.
Sáu năm nay, ruộng đồng cằn cỗi không có nước tưới bỏ hoang, bà xin làm công nhân may ở cụm công nghiệp tại huyện với mức lương mỗi tháng khoảng 5 triệu đồng. Những khi tăng ca đến đêm thì lương 6 triệu, cứ thế hai mẹ con sống qua ngày.
Lớn lên vắng tình thương cha, thấy bạn bè có cha bên cạnh, Huy buồn, cũng ao ước lắm. Lúc lòng nặng trĩu, cậu đứng trước bàn thờ nhìn cha qua khuôn ảnh thờ.
“Hình dung về cha có lẽ chỉ qua tấm ảnh, còn mọi thứ chỉ mờ mịt” – Huy thổ lộ.
Từ nhỏ, Huy đã tập quen sống cảnh vắng cha. Từ năm lớp 6, mẹ làm công nhân xa nhà đêm mới về, thì chừng ấy thời gian cậu tự lo cho mình. Giặt giũ, nấu ăn, lo lợn gà, rồi tự học, vậy mà từ nhỏ đến lớn, Huy đều là học sinh giỏi.
Ba năm THPT, cậu luôn dẫn đầu lớp về học lực, rồi liên tiếp gặt hái nhiều giải học sinh giỏi cấp huyện, tỉnh như: giải ba kỳ thi học sinh giỏi THCS tỉnh Quảng Nam môn Vật lý (năm 2021), giải nhì kỳ thi học sinh giỏi THCS huyện Thăng Bình môn Vật lý (năm 2021), giải ba kỳ thì học sinh giỏi THPT tỉnh môn Toán (năm 2024).
Vừa qua cậu trúng tuyển vào ngành Kỹ thuật máy tính, trường Đại học Bách khoa – Đà học Đà Nẵng bằng phương thức xét tuyển học bạ với điểm khối A00 28,91.
Ngoài ra, kết quả thi tốt nghiệp THPT vừa qua với khối A00 là 27,4 điểm, cậu đang chờ kết quả xét tuyển nguyện vọng 1 bên khối ngành Công nghệ thông tin của trường này.
“Ước mơ làm kỹ sư đã ấp ủ từ khi em còn nhỏ. Đến giảng đường, dù khó đến đâu em vẫn sẽ nỗ lực hơn nữa để thực hiện ước mơ, sau này ra trường có việc làm ổn định, lo cho mẹ” – Huy tâm sự.
Người mẹ bảo đồng lương ít ỏi của mình chỉ đủ trang trải cuốc sống, chưa dám nghĩ đến những tháng ngày con vào giảng đường.
“Những năm con học biết sẽ tốn kém nhiều nhưng còn hơi thở, sức lực tôi sẽ gắng. Trước mắt vay mượn người thân, bà con hàng xóm để con có kinh phí trang trải, nộp học phí” – bà Thành bộc bạch.
Ông Huỳnh Kim Hoanh, hàng xóm, kể nhiều năm nay thấy cuộc sống hai mẹ con Huy đơn chiếc, cái nghèo bủa vây nên hàng xóm ai cũng thương, thường hay giúp đỡ.
“Huy nó nghèo nhưng nghị lực, học lại rất giỏi, mong sao xã hội sẽ tiếp sức đến trường để em đi đến cùng với ước mơ” – ông Hoanh nói.
Mẹ rửa chén thuê, con vào đại học
Quán bún gân ở ngã tư đường Trần Phú – Phan Bội Châu, TP Tam Kỳ chiều nay đông khách. Trên vỉa hè, người phụ nữ tóc ngả màu muối tiêu thoăn thoắt đôi tay rửa chén thuê. Nghe tin cậu con trai của bà trúng tuyển đại học Bách khoa, khách ăn bún ai cũng trầm trồ.
Bà Nguyễn Thị Xuân (55 tuổi) cố giấu niềm vui vào đôi tay với đống chén trong thau. Công việc mỗi ngày giúp bà kiếm được trăm nghìn, nuôi con ăn học. Bà khom lưng quên đi căn bệnh thoái hóa cột sống, khớp đang hành hạ. “Lúc làm chẳng biết đau, tối về nhà nằm ngủ đau khiếp” – bà kể.
Làm thuê hết chỗ này đến chỗ khác, rồi thêm mấy sào ruộng, tất tả cũng chỉ gói ghém yêu thương cho đứa con trai là Nguyễn Cao Xuân Trung, từ khi người chồng vắng số của bà mất đi bởi bệnh hiểm nghèo khi Trung chập chững vào lớp 1.
“Thương thằng bé mất cha khi còn nhỏ quá” – bà xúc động. Nhiều năm nay, bà kiểm sống bằng nghề làm phụ quán ăn, khi là quán bún, mỳ Quảng, rồi quán cơm, ở đâu cũng được, miễn có tiền nuôi con.
Trung bảo mất cha từ nhỏ, so với bạn bè cậu có chút ghen tị xen lẫn nỗi buồn. “Nhưng nghĩ lại mình đâu có được lựa chọn hoàn cảnh, nên ráng học để sau này có công ăn việc làm lo cho mẹ” – Trung chia sẻ.
Cậu bù đắp nỗi đau mất cha và sự lam lũ của mẹ bằng cách gắng học thật giỏi. 12 năm là học sinh khá giỏi, bạn bè ở trường THPT Trần Cao Vân luôn nể phục cậu học trò nghèo khó nhưng chí lớn, chăm giỏi, gặt hái nhiều giải thưởng.
Trung giành giải nhì môn Toán kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh THPT năm 2024, giải nhì kỳ thi Olympic tin học miền Trung – Tây Nguyên lần thứ V- 2024, giải ba cuộc thi Hue -ICT Challenge 2024, giải ba cuộc thi tìm kiếm tài năng tin học trẻ năm 2024 tại Đà Nẵng. Cậu còn ẵm luôn giải nhất cuộc thi Dường lên đỉnh Olympia của trường tổ chức.
Trung đã đậu ngành Công nghệ thông tin trường Đại học Bách khoa – Đại học Đà Nẵng từ phương thức tuyển sinh riêng của trường, khi cậu có giải nhì học sinh giỏi cấp tỉnh. Kỳ thi tốt nghiệp THPT vừa qua, Trung đạt số điểm khối A00 là 27,15. Cậu xét nguyện vọng 1 vào ngành Khoa học máy tính, trường Đại học Công nghệ thông tin – ĐH Quốc gia TP.HCM, hiện đang chờ kết quả.
“Ước mơ vào đại học đã đạt được khi trúng tuyển vào Đại học Bách khoa Đà Nẵng. Em sẽ nỗ lực hơn để học thật tốt, sau này ra trường có việc ổn định lo cho mẹ để mẹ bớt khổ” – Trung quả quyết.
Con đỗ đại học, cảm giác mừng lắm, nhưng bà Xuân lại lo. “Khổ quá, không có tiền cho nó ăn học. Tới đâu hay đó, đi làm được đồng mô thì để dành cho con ăn học” – bà nói.
Hôm chúng tôi đến nhà Trung cũng là lúc thiếu tá Vũ Vĩnh Tiên – chủ tịch Hội phụ nữ khối An ninh nhân dân, Công an tỉnh Quảng Nam – đến trao khoản tiền đỡ đầu của Hội cho cậu.
Thiếu tá Tiên còn dành một khoản từ tiền riêng của mình tặng Trung để có có trang trải bước đầu khi đến giảng đường.
Thiếu tá Tiên cho biết, thực hiện kế hoạch “Mẹ đỡ đầu” của Hội phụ nữ Công an tỉnh, hội đã khảo sát nhiều trường hợp học trò có hoàn cảnh khó khăn, vượt khó ở Tam Kỳ, qua đó chọn được Trung và đỡ đầu từ năm em học lớp 10.
“Hội có 22 hội viên. Mỗi quý, từng người góp 100.000 đồng để hỗ trợ thêm chi phí ăn học cho Trung” – thiếu tá Tiên kể.
“Hoàn cảnh khó khăn, nhưng chúng tôi cảm nhận được ý chí nỗ lực vượt khó trong học tập của Trung. Thấy em đạt nhiều kết quả cao, nhiều chị em hội viên chúng tôi cũng vui lây. Nhưng chương trình Mẹ đỡ đầu đến khi Trung 18 tuổi đã hết. Tôi mong sao cộng đồng, xã hội sẽ tiếp sức em đến trường trong thời gian tới” – thiếu tá Tiên chia sẻ.
Mời bạn đồng hành cùng Tiếp sức đến trường
Chương trình Tiếp sức đến trường 2024 của báo Tuổi Trẻ khởi động ngày 8-8, dự kiến trao 1.100 suất học bổng với tổng kinh phí hơn 20 tỉ đồng (15 triệu đồng cho tân sinh viên khó khăn, 20 suất học bổng đặc biệt trị giá 50 triệu đồng/suất trong suốt 4 năm học, và thiết bị học tập, quà tặng…).
Với phương châm “Không để bất kỳ bạn trẻ nào vì nghèo khó mà không thể đến với giảng đường”, “Tân sinh viên gặp khó, có Tuổi Trẻ” – như một lời cam kết sẵn sàng hỗ trợ tân sinh viên trong hành trình 20 năm qua của Tuổi Trẻ.
Tân sinh viên đăng ký trực tuyến ứng tuyển học bổng Tiếp sức đến trường 2024 tại địa chỉ: http://surl.li/fkfhms hoặc quét mã QR.
Chương trình được sự đóng góp, ủng hộ của Quỹ “Đồng hành nhà nông” – Công ty CP Phân bón Bình Điền, Quỹ khuyến học Vinacam – Công ty cổ phần Tập đoàn Vinacam và các câu lạc bộ “Nghĩa tình Quảng Trị”, “Nghĩa tình Phú Yên”; các câu lạc bộ “Tiếp sức đến trường” Thừa Thiên Huế, Quảng Nam – Đà Nẵng, Tiền Giang – Bến Tre, Quảng Ngãi và Hội Doanh nhân Tiền Giang – Bến Tre tại TP.HCM, Hội Tương trợ và Hợp tác Đức – Việt (VSW), Công ty Nam Long, Công ty TNHH Nestlé Việt Nam… cùng các doanh nghiệp, nhà hảo tâm và đông đảo bạn đọc báo Tuổi Trẻ.
Doanh nghiệp, bạn đọc có thể ủng hộ học bổng cho tân sinh viên vui lòng chuyển vào tài khoản báo Tuổi Trẻ:
113000006100 Ngân hàng Công thương (VietinBank), chi nhánh 3 TP.HCM.
Nội dung: Ủng hộ “Tiếp sức đến trường” cho tân sinh viên hoặc ghi cụ thể tỉnh/thành mà bạn đọc muốn hỗ trợ.
Bạn đọc, quý doanh nghiệp ở nước ngoài có thể chuyển khoản về báo Tuổi Trẻ:
Tài khoản USD 007.137.0195.845 Ngân hàng Ngoại thương TP.HCM;
Tài khoản EUR 007.114.0373.054 Ngân hàng Ngoại thương TP.HCM
với Swift code BFTVVNVX007.
Nội dung: Ủng hộ “Tiếp sức đến trường” cho tân sinh viên hoặc ghi cụ thể tỉnh/thành mà bạn đọc muốn hỗ trợ.
Ngoài tài trợ kinh phí học bổng, bạn đọc có thể ủng hộ thiết bị học tập, chỗ ở, việc làm… cho tân sinh viên.
Tiếp sức đến trường 2024: Tân sinh viên khó khăn, có Báo Tuổi Trẻ. Video hướng dẫn cách đăng ký cho tân sinh viên khó khăn cần giúp đỡ, cũng như cách đóng góp cho chương trình.