Sáng 13-9, lũ trên sông Hồng tiếp tục xuống nhanh. Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, lúc 7h mực nước qua Hà Nội là 10,02m, dưới mức báo động 2 là 0,48m.
Dự báo trong 12 giờ tới, lũ trên sông Hồng tại Hà Nội sẽ xuống mức báo động 1 và trong 24 giờ tiếp theo sẽ xuống dưới báo động 1.
Từ sáng sớm, người dân có nhà cửa phía ngoài đê bị ngập đã trở về sau những ngày “chạy lũ”.
Ghi nhận tại xã Bát Tràng (huyện Gia Lâm), nhiều hộ dân, tiểu thương quay trở lại cửa hàng. Họ tất bật dọn dẹp bùn đất sau khi nước xuống.
Lũ lên nhanh, nhiều cửa hàng không kịp di dời đồ gốm sứ. Đối với những món hàng nhỏ, họ chỉ có thể kê lên cao nhất có thể. Còn đối với những đồ gốm kích thước lớn, người dân chủ động đổ đầy nước vào trong để giữ bình, không để nước cuốn, gây va đập.
Anh Nguyễn Thế Cường (xóm 2 Giang Cao, Bát Tràng) cho biết lũ ập đến nhanh khiến cửa hàng gốm của gia đình không kịp di dời hàng hóa. Nhiều chiếc bình gốm có giá trị hàng chục triệu đồng vỡ vụn. “Lúc này vẫn mất điện nên chưa thể thống kê đầy đủ thiệt hại. Ước tính nhà tôi mất hàng trăm triệu đồng”, anh Cường nói.
Trong khi đó, một cửa hàng gốm gần đó vỡ hàng chục chiếc lục bình, chóe dát vàng, men nổi. “Ước tính cả xưởng tôi thiệt hại gần 1 tỉ đồng, vỡ nhiều quá”, người đàn ông quản lý cửa hàng nói rồi tiếp tục dùng búa đập đi những chiếc lục bình “khổng lồ” đã vỡ.
Xã Bát Tràng (Gia Lâm, Hà Nội) được bao bọc bởi sông Hồng và dòng Bắc Hưng Hải. Sáng nay, phần lớn nước đã rút, chỉ còn một số khu vực nhỏ còn ngập nhưng không quá sâu – Ảnh: HỒNG QUANG
Nước rút nhanh, nhiều người đã quay trở về nhà. Họ mang theo nhiều đồ dùng thiết yếu, nước sạch và dầu máy để chạy máy phát điện – Ảnh: HỒNG QUANG
Người dân tất bật dọn dẹp nhà cửa, lớp bùn bám dày khắp mặt sàn và đồ đạc – Ảnh: HỒNG QUANG
Những bao tải dựng mảnh gốm vỡ chất đầy khu phố Giang Cao. “Lúc này vẫn mất điện nên chưa thể thống kê đầy đủ thiệt hại. Ước tính nhà tôi mất hàng trăm triệu đồng”, anh Nguyễn Thế Cường (xóm 2 Giang Cao, Bát Tràng) nói. – Ảnh: HỒNG QUANG
Cửa hàng này bị vỡ nhiều chiếc lục bình cỡ lớn, ước tính mỗi chiếc có giá khoảng 100 triệu đồng. “Đau xót quá nhưng đành phải đập bỏ để cho vào bao tải vứt đi. Ước tính cả xưởng tôi thiệt hại gần 1 tỉ đồng”, người quản lý một cửa hàng nói – Ảnh: HỒNG QUANG