Trong một đêm đầy hoang mang, mình lướt qua một bài viết trên Facebook về “Lớp học tử tế: Rừng vàng biển bạc” của Quỹ hỗ trợ tài năng Lương Văn Can. “Cũng là một cách hay để chữa lành” – mình nghĩ vậy và đăng ký ngay.
Chuyến đi tưởng cho vui ấy lại mang đến cho mình câu trả lời cho nỗi hoang mang của cuộc đời mình.
Biết nhận thức và lựa chọn đúng đắn
Ngày đầu tiên của lớp học bắt đầu với sự giải nghĩa về chữ “tử tế”. Trong tiếng Hán, “tử” là “con” và “tế” là “nhỏ”. “Tử tế” là sự cẩn thận, kỹ lưỡng, thận trọng từ những việc nhỏ.
Chuyên đề thứ nhất mình được học là “Áp dụng phương pháp nghiên cứu khoa học vào thực hành phát triển bền vững” do thầy Phạm Nguyễn Hoàng Thịnh tại Viện đổi mới sáng tạo, Đại học Kinh tế TP.HCM chia sẻ. Thế giới hàng trăm vấn đề phức tạp, hàng nghìn nguyên nhân và giải pháp. Bạn nên tin vào điều gì để biết vấn đề thật sự và cái mình cần làm?
Các phương pháp khô khan tưởng chỉ dành cho các bài nghiên cứu, lại rất hữu ích để giúp bạn chọn lọc thông tin đúng trong cuộc sống thường ngày. Điều mình tâm đắc nhất đó là trải nghiệm thực tế của chính mình là bằng chứng tốt nhất. Hãy tin vào trải nghiệm của bạn và cách bạn nên hành động.
Chuyên đề thứ hai là “An ninh lương thực nhìn từ hệ thống chuỗi cung ứng thức ăn” của anh Nguyễn Ngọc Thành – nghiên cứu sinh tại Úc. Mỗi loại thực phẩm, giả dụ như trái cà chua, phải đi qua rất nhiều móc xích trước khi đến tay người dùng: nông dân → thương lái → trạm kiểm định → nhà phân phối…
Nhu cầu ăn uống tăng dẫn đến càng nhiều móc xích chồng chéo. Sản xuất ồ ạt dẫn đến hàng loạt vấn đề như ô nhiễm môi trường. Làm thế nào để giải quyết triệt để? Với sự dẫn dắt của anh Thành, mình nhận ra sức mạnh mình có với vai trò là người tiêu dùng.
Khi mình lựa chọn sử dụng sản phẩm có nguồn gốc rõ ràng và nhân đạo, các nhà kinh doanh sẽ phải điều chỉnh mạng lưới để đáp ứng nhu cầu. Hãy lựa chọn tiêu dùng khôn ngoan có lợi cho bản thân, cộng đồng và tự nhiên.
Có thể cô đọng nội dung lớp học tử tế trong hai chữ “biết mình”: biết điều đang xảy ra và vai trò của mình, biết trân trọng những thứ mình đang có, biết tin tưởng vào bản thân và hành động.
Biết trân trọng thiên nhiên và cộng đồng
Ngày học thứ hai diễn ra tại Vũng Tàu. Trái với ngày đầu, lớp học hôm nay không có giảng viên. Ban tổ chức nói: “Hãy để sự học của bạn diễn ra tự nhiên”. Trên con đường mòn đi vào rừng Phước Bửu, ấn tượng đầu tiên của mình với tự nhiên là… ngứa! Muỗi cắn ngứa kinh khủng. Người nào cũng chi chít vết muỗi. Một bạn học gọi đùa là “nụ hôn của núi rừng”.
Trong sự tĩnh lặng, mình thích thú quan sát sự khác biệt của các loại cây, cách chúng chen chúc và hỗ trợ nhau để sinh tồn. Lên đến Hải đăng Ba Kiềm, trước mắt mình mở ra một màu xanh ngút ngàn, lốm đốm màu tím sẫm của những cây bằng lăng tím.
Buổi chiều, lớp mình lại được thả rông tại bãi biển Bình Châu. Trời lộng gió, biển cuồn cuộn sóng, cỏ xanh xen lẫn cát vàng. Mỗi học viên lại lang thang một ngả.
Đến tối trở về chỗ nghỉ, lớp mình chia nhóm chia sẻ trải nghiệm với nhau. Có bạn tìm ra quy luật của các con sóng, có bạn say sưa ngắm những cây dừa, cây chuối, mình thì bị hấp dẫn bởi sự thay đổi của các cồn cát dưới tác động của con người.
Trải nghiệm giữa rừng và biển giúp mình nhận ra hình thái của sự kết nối. Mình phụ thuộc vào thiên nhiên, và sự tồn tại của mình thật quá là nhỏ bé so với thiên nhiên. Mình và cộng đồng nương tựa vào nhau để sống giữa thiên nhiên, và mỗi người đều phải đóng góp một giá trị nào đó bằng năng lực cá nhân.
Biết tin vào bản thân và hành động
Buổi học cuối cùng có chủ đề “Mối quan hệ giữa con người và thiên nhiên – Những lựa chọn và ngã rẽ”. Người bạn cùng hướng dẫn với chị Hằng – một người theo học địa chất và thực hành nông nghiệp tự nhiên – đã chia sẻ với chúng mình về mối quan hệ giữa các loài sinh vật.
Nền kinh tế hiện đại và lòng tham của con người đang bào mòn tự nhiên, thể hiện ở vô số vấn đề như thời tiết khắc nghiệt, ô nhiễm môi trường. Lẽ tất nhiên, sự sụp đổ của hệ sinh thái sẽ dẫn đến sự tàn vong của loài người.
Với kinh nghiệm nhiều năm sống cùng đồng bào dân tộc thiểu số, anh chị thấy được giải pháp trong lối sống thuận theo tự nhiên: lấy đủ những gì mình cần và hoàn trả trong khả năng.
Chị Hằng chia sẻ dù định hướng theo lối sống hiện đại hay về với tự nhiên, lựa chọn nào cũng cần sự nỗ lực. Chị nói: “Các bạn hãy quên chủ nghĩa anh hùng muốn cứu cả thế giới đi. Hãy tập trung vào điều mình thấy đúng, làm cái mình có thể làm”.
Chị Hằng và bạn đồng hành không phải hình mẫu của sự thành công như mình biết. Nhưng anh chị có thần thái hào sảng và bản lĩnh sống hiếm ai có được. Mình nể phục niềm tin vững vàng và sự nỗ lực của họ. Anh chị biết mình, anh chị sống có mục đích, và anh chị hạnh phúc.
Trở về sau khóa học, mình quyết tâm thực hành sự biết mình và lối sống tử tế. Mình thôi hoang mang bây giờ phải làm gì. Mình thôi ghen tị khi thấy các bạn khác tốt hơn. Mình nghĩ kỹ hơn trước khi đưa ra các lựa chọn tiêu dùng.
Và khi mình chia sẻ về những gì mình học được, có nhiều người bạn tìm thấy điểm chạm và mong muốn được biết thêm nhiều hơn. Chỉ với những hành động nhỏ, mình cũng đang mang lại nguồn cảm hứng để người khác thay đổi, giống như những gì mình đã nhận được từ lớp học tử tế và các thầy cô, bạn bè.
Không gian “ngoài lớp học”
Lớp học tử tế có chủ đề “Rừng vàng biển bạc” khai giảng ngày 26-7 vừa qua với sự tham gia của 24 học viên đến từ nhiều địa phương khác nhau. Đây là một sáng kiến của Quỹ hỗ trợ tài năng Lương Văn Can với mong muốn tạo nên một không gian “ngoài lớp học” để các bạn trẻ có cơ hội được tiếp cận với các kiến thức đa lĩnh vực, được chọn lọc và có chiều sâu. Người học được gợi mở những tư duy mới, những góc nhìn mới, những kiến thức mới để có thể đưa ra các lựa chọn phù hợp hơn với bản thân.