Ăn bánh trung thu không đúng có thể làm tăng đường huyết, tăng cân
ThS.BS Bùi Thị Duyên – khoa dinh dưỡng, Bệnh viện Quân y 175 – cho biết đa phần bánh trung thu truyền thống chứa nhiều đường, chất béo và calo.
Đối với người mắc bệnh tiểu đường, tim mạch hay béo phì, đây là những thành phần cần được kiểm soát chặt chẽ.
Cụ thể người bệnh tiểu đường cần tránh tiêu thụ thực phẩm chứa đường tinh chế, vì chúng có thể làm tăng đột ngột đường huyết.
Với người mắc bệnh tim mạch, chất béo bão hòa từ nhân bánh thập cẩm hay lòng đỏ trứng muối có thể làm tăng cholesterol, gây hại cho tim mạch.
Tương tự với người béo phì, lượng calo trong bánh có thể gây tăng cân nếu không được kiểm soát.
Bác sĩ Duyên khuyến cáo hiện nay trên thị trường có nhiều loại bánh trung thu được thiết kế đặc biệt, để phù hợp với người có bệnh lý dinh dưỡng.
Người dân có thể chọn bánh trung thu ít đường để sử dụng đường dành riêng cho người tiểu đường hoặc đường tự nhiên có chỉ số glycemic thấp, giúp kiểm soát đường huyết tốt hơn.
Hoặc có thể lựa chọn bánh trung thu chay được làm từ các loại hạt dinh dưỡng như hạnh nhân, óc chó, hạt chia, ít chất béo bão hòa, tốt cho tim mạch và kiểm soát cân nặng.
Hoặc bánh trung thu nhân trái cây có hàm lượng đường tự nhiên, kết hợp cùng bột nguyên cám giúp giảm bớt lượng calo.
Lưu ý người bệnh nên ăn bánh trung thu với lượng nhỏ, không nên ăn cả chiếc bánh một lúc. Kết hợp với các loại thực phẩm khác như trái cây ít đường để giúp cân bằng dinh dưỡng.
Đặc biệt, nên ăn bánh trung thu sau bữa ăn chính khoảng 1-2 giờ, không nên ăn vào buổi tối muộn để tránh tình trạng đường huyết tăng cao và khó tiêu hóa.
Bên cạnh đó nếu ăn bánh trung thu, cần hạn chế tiêu thụ các món ăn khác chứa nhiều đường, chất béo để tránh tình trạng nặng thêm các bệnh lý hiện có.
Bác sĩ Duyên khuyến cáo thêm trẻ nhỏ thường rất yêu thích bánh trung thu, nhưng các bậc phụ huynh cần chú ý kiểm soát lượng bánh mà trẻ tiêu thụ.
Trẻ cần một chế độ ăn giàu dinh dưỡng, đầy đủ protein, vitamin và khoáng chất từ các nguồn thực phẩm khác như sữa, thịt, cá và rau củ.
Cẩn trọng bánh trung thu không rõ nguồn gốc
Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cho biết vào Tết Trung thu, nhu cầu tiêu dùng các loại bánh kẹo, đặc biệt là bánh trung thu tăng đột biến.
Bên cạnh các cơ sở sản xuất kinh doanh có uy tín, sản phẩm bảo đảm an toàn, cũng còn một số tổ chức, cá nhân có hành vi lén lút đưa ra thị trường một số loại bánh kẹo nhập lậu, không có nguồn gốc, xuất xứ.
Do vậy người tiêu dùng khi lựa chọn và sử dụng bánh trung thu cần trang bị cho mình kiến thức trong lựa chọn và sử dụng bánh để đảm bảo sử dụng bánh an toàn nhất cho mình.
Khi lựa chọn và sử dụng bánh trung thu, để đảm bảo người tiêu dùng cần chú ý các tiêu chí sau:
Lựa chọn sản phẩm phải có nguồn gốc rõ ràng: có tên của nhà sản xuất, địa chỉ nơi sản xuất, có hướng dẫn sử dụng, bảo quản… chỉ mua, sử dụng thực phẩm, phụ gia thực phẩm có nhãn mác đầy đủ, nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng…
Sản phẩm phải ghi ngày sản xuất, thời hạn sử dụng và còn hạn sử dụng.
Chú ý chọn bánh trung thu được bày bán ở những địa điểm kinh doanh xác định, đáp ứng các yêu cầu về điều kiện kinh doanh thực phẩm như: có đủ trang thiết bị che đậy tránh bụi bẩn, mưa nắng, côn trùng xâm nhập, bảo quản đúng quy định trên nhãn sản phẩm của nhà sản xuất.
Chú ý chọn sản phẩm không bị giập nát biến dạng, bao bì không rách nát, không có màu sắc khác thường, không bị thiu, ẩm mốc, hư hỏng và không có mùi khác lạ.
Tuyệt đối không lựa chọn, mua sản phẩm trôi nổi, không có nguồn gốc, hàng hết hạn sử dụng, bao bì rách nát, sản phẩm biến dạng, hàng lậu.