Lãi suất liên ngân hàng tăng
Trong báo cáo vừa công bố, đội ngũ phân tích chứng khoán Tiên phong (TPS) nhận định sự tăng lên của lãi suất liên ngân hàng gần đây có thể là do sự phục hồi của tăng trưởng tín dụng ở tháng 6 và động thái mới của Ngân hàng Nhà nước trong việc phát hành tín phiếu để điều tiết tỉ giá.
Ngoài ra, trong bối cảnh tăng trưởng tín dụng phục hồi, lãi suất liên ngân hàng tăng cao và lĩnh vực sản xuất phục hồi làm tăng cầu về vốn, một số ngân hàng thương mại đã tăng lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng.
Cụ thể như Techcombank đã tăng từ 4,5%/năm lên 4,8%/năm, VPBank tăng từ 4,9%/năm lên 5,1%/năm, An Bình Bank tăng từ 3,9%/năm lên 5,4%/năm.
Chuyên gia TPS nhận định giá vàng chưa hạ nhiệt nên vẫn có tác động nhất định tới tỉ giá. Tuy nhiên, sự kiện xuất siêu trở lại trong tháng 6 và các thông tin tích cực về lạm phát Hoa Kỳ sẽ giảm bớt áp lực lên tỉ giá. Vì vậy, lãi suất liên ngân hàng được kỳ vọng sẽ không quá căng thẳng trong thời gian tới.
Một công ty chứng khoán bị đình chỉ giao dịch 4 tháng
Ủy ban Chứng khoán Nhà nước vừa ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty cổ phần chứng khoán APG. Theo đó, doanh nghiệp phải nộp phạt số tiền hơn 501 triệu đồng vì không báo cáo về việc dự kiến giao dịch.
Cụ thể, Chứng khoán APG – tổ chức có liên quan đến ông/bà Nguyễn Hồ Hưng, thành viên Hội đồng quản trị Công ty cổ phần DAP – Vinachem (mã chứng khoán: DDV) đã bán hơn 1,036 triệu cổ phiếu DDV vào ngày 4-11-2022 và 216.000 cổ phiếu DDV vào ngày 7-11-2022 (tương ứng với tổng giá trị giao dịch là 12,52 tỉ đồng theo mệnh giá).
Chứng khoán APG có báo cáo đề ngày 27-10-2022 về việc dự kiến giao dịch đối với hơn 8 triệu cổ phiếu DDV (từ ngày 3-11-2022 đến 3-12-2022 gửi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và HoSE nhưng không thực hiện báo cáo về việc dự kiến giao dịch với HNX – nơi DDV đăng ký giao dịch.
Ngoài nộp phạt tiền, APG còn bị đình chỉ hoạt động giao dịch chứng khoán có thời hạn 4 tháng.
Ngân hàng rao bán lô thiết bị hỏng hóc giá hàng chục triệu đồng
Hội đồng thanh lý tài sản của Trung tâm thẻ – Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank) mới đây rao bán loạt tài sản cố định.
Danh mục tài sản thanh lý bao gồm các thiết bị, nội thất văn phòng (máy in thẻ, máy PC, laptop, máy in, máy pos các loại, bàn, ghế, tủ…). Chi tiết được đính kèm theo bảng kê nhưng điểm đáng chú ý toàn bộ được ghi chú “đã hỏng”, “gãy, hỏng”…
Giá bán khởi điểm cho lô tài sản hỏng hóc này hơn 37,9 triệu đồng. Giá này đã bao gồm VAT và chưa bao gồm chi phí tháo dỡ, vận chuyển. Chi phí tháo dỡ, vận chuyển do bên mua tự chi trả.
Phía ngân hàng cũng yêu cầu người mua cần mua cả lô tài sản thanh lý, không bán riêng lẻ từng tài sản. Trong thời gian 5 ngày làm việc kể từ thời điểm nộp đủ tiền, cá nhân, đơn vị phải liên hệ và nhận bàn giao tài sản thanh lý, sau thời gian trên không nhận bàn giao thì được coi là từ chối mua và số tiền đã nộp sẽ không được trả lại.
Sắp có ngân hàng gene liệt sĩ và thân nhân liệt sĩ
Tối 21-7, tin từ Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cho biết sau khi báo cáo cấp có thẩm quyền, bộ sẽ tiếp tục tổ chức Hội nghị biểu dương người có công với cách mạng tiêu biểu toàn quốc năm 2024 và ra mắt Ngân hàng gene (ADN) liệt sĩ và thân nhân liệt sĩ chưa xác định thông tin.
Thời gian diễn ra lễ chính vào 9h ngày 23-7-2024 tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia, quận Nam Từ Liêm, thành phố Hà Nội.
Trước đó, bộ có công văn gửi các bộ ngành cơ quan Trung ương và UBND các tỉnh thành phố về việc hoãn tổ chức các hoạt động kỷ niệm 77 năm ngày Thương binh – Liệt sĩ (27-7-1947 – 27-7-2024).