Bà Harris nhận “mưa tiền”
Theo Hãng tin Reuters, trong vòng 24 giờ đầu tiên sau khi được Tổng thống Mỹ Joe Biden đề cử làm ứng viên tranh cử tổng thống cho Đảng Dân chủ, Phó tổng thống Kamala Harris đã gây quỹ được đến 81 triệu USD.
Chiến dịch tranh cử của ông Biden, nay được bà Harris thừa hưởng, cho biết con số trên “phản ánh tổng số tiền chiến dịch, Ủy ban toàn quốc Đảng Dân chủ và các ủy ban vận động tài trợ liên hiệp cùng thu được”.
Cùng lúc, bà Harris đón nhận tin vui khi được cựu chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi ủng hộ tranh cử tổng thống.
Trong thông cáo đăng ngày 22-7 (giờ địa phương), bà Pelosi tuyên bố: “Sự ủng hộ nhiệt thành của tôi dành cho việc bà Kamala Harris tranh cử tổng thống là chính thức, vừa mang tính cá nhân, vừa mang tính chính trị.
Xin đừng sai lầm về mặt chính trị: bà Kamala Harris là người phụ nữ có nhãn quan chính trị nhạy bén, và tôi hoàn toàn tin tưởng bà ấy sẽ dẫn dắt chúng ta đến thành công trong cuộc bầu cử tháng 11″.
Ukraine “khất nợ” thành công 20 tỉ USD
Ngày 22-7, Ukraine đạt thỏa thuận tái cấu trúc khoản nợ công 20 tỉ USD với các tổ chức tín dụng quốc tế. Khoản nợ trên là lợi tức trái phiếu được Kiev bán ra cho các tổ chức trên sau khi cuộc chiến ở nước này nổ ra hồi năm 2022 với hạn chi trả là ngày 1-8.
Theo thỏa thuận trên, các tổ chức tín dụng đồng ý giảm giá trị danh nghĩa số tiền Ukraine nợ lên đến hàng tỉ USD, cũng như thông qua lịch trả nợ mới với các điều khoản có lợi với Kiev.
Thủ tướng Ukraine Denys Shmygal tự tin khẳng định trên X: “Chúng ta đang đi đúng hướng để tiến tới phục hồi khả năng bền vững nợ. Điều đó cho phép chúng ta có thêm nguồn lực cho quốc phòng, phúc lợi xã hội và tái thiết”.
Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), một trong những đối tác quan trọng của Ukraine, hoan nghênh động thái trên “là bước tiến quan trọng trong chiến lược của chính quyền nhằm phục hồi tính bền vững của nợ”.
CEO CrowdStrike nhận trát điều trần trước quốc hội
Ngày 22-7, Ủy ban an ninh nội địa Hạ viện Mỹ đã gửi thư yêu cầu giám đốc điều hành (CEO) Công ty an ninh mạng CrowdStrike George Kurtz ra điều trần về sự cố lỗi phần mềm hồi tuần trước.
Xuất phát từ bản cập nhật bị lỗi cho phần mềm diệt virus Falcon do công ty này cung cấp tối 18, sáng 19-7, rất nhiều hệ thống máy tính doanh nghiệp trên phạm vi toàn cầu không thể hoạt động, khiến nhiều ngành nghề ở nhiều nơi rơi vào trạng thái tê liệt như hàng không, y tế, tài chính – ngân hàng…
Ủy ban trên của Hạ viện viết: “Tuy chúng tôi đánh giá cao sự phản hồi và phối hợp với các bên liên quan của CrowdStrike, chúng tôi cũng không thể phớt lờ vụ việc với mức độ nghiêm trọng như vậy – vốn được một số bên khẳng định là vụ sập nguồn công nghệ thông tin lớn nhất trong lịch sử”.
Bức thư trên yêu cầu ông Kurtz chốt lịch điều trần với tiểu ban an ninh mạng và bảo vệ hạ tầng của ủy ban này trước ngày 24-7.
EU phạt việc ông Orban thăm Nga, Trung Quốc
Ngày 22-7, Đại diện cấp cao Liên minh châu Âu (EU) phụ trách chính sách đối ngoại và an ninh Josep Borrell tước quyền đăng cai hội nghị ngoại trưởng các nước EU của Hungary vào cuối tháng 8. Thay vào đó, hội nghị này sẽ được tổ chức tại thủ đô Brussels (Bỉ).
Quyết định trên được đưa ra do Thủ tướng Hungary Viktor Orban đã tự ý công du đến Matxcơva và Bắc Kinh trong những tuần qua mà không có sự ủng hộ của EU và công khai gọi chính sách của khối này là “chuộng chiến tranh”.
Những chuyến công tác trên diễn ra sau khi Budapest bắt đầu đảm nhiệm vị trí chủ tịch luân phiên EU hồi đầu tháng 7. Trọng tâm của các chuyến thăm là vấn đề lập lại hòa bình ở Ukraine.
Ông Borrell cho biết: “Chúng ta phải đưa ra tín hiệu, cho dù nó chỉ là một tín hiệu mang tính biểu tượng”.
Ngoại trưởng các nước EU cũng được ghi nhận đã công khai thể hiện quan điểm đối lập với Hungary trước ngoại trưởng nước này, ông Peter Szijjarto, trong phiên hội nghị ngày 22-7.
Về phần mình, ông Szijjarto chỉ trích quyết định của ông Borrell là “trẻ con”.
“Tôi không muốn làm mếch lòng ai, nhưng đây dường như là cuộc tranh cãi ở cấp độ trẻ mầm non”, ngoại trưởng Hungary trả lời báo chí.
Nhà sáng lập KakaoTalk bị bắt
Rạng sáng 23-7, một tòa án ở Hàn Quốc chấp thuận lệnh bắt ông Kim Beom Soo (Brian Kim), đồng sáng lập Tập đoàn Kakao (công ty mẹ nền tảng nhắn tin KakaoTalk nổi tiếng).
Ông Kim bị bắt với cáo buộc thao túng giá trị cổ phiếu trong vụ sáp nhập tập đoàn giải trí hàng đầu Hàn Quốc SM Entertainment hồi năm 2023.
Cụ thể, ông Kim bị nghi ngờ đã thao túng giá trị cổ phần của SM bằng cách mua ồ ạt cổ phần trị giá 240 tỉ won (173 triệu USD) hồi tháng 2-2023 nhằm gây gián đoạn quá trình mua lại công ty này của tập đoàn giải trí Hybe. Nhờ đó, ông Kim và Kakao giành được quyền cổ đông kiểm soát của SM.
Thông báo của Công ty Kakao cho biết ông Kim chưa chính thức bị truy tố, phủ nhận các cáo buộc chống lại mình và khẳng định chưa bao giờ chỉ đạo hay cho phép bất kỳ hoạt động bất hợp pháp nào diễn ra.