Đàm phán ngừng bắn đổi con tin ở Dải Gaza sắp tới hồi kết
Các cuộc đàm phán về thỏa thuận ngừng bắn đổi lấy con tin trong cuộc xung đột ở Dải Gaza đang ở giai đoạn kết thúc. Tổng thống Mỹ Joe Biden và Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu sẽ thảo luận về những thách thức còn lại vào ngày 25-7.
Những thách thức còn lại có thể vượt qua được và sẽ có nhiều cuộc họp nhằm đạt được thỏa thuận giữa Israel và Hamas trong tuần tới.
Hamas và các chiến binh khác vẫn đang giam giữ 120 con tin; Israel tin rằng khoảng 1/3 trong số họ đã chết.
Các cuộc đàm phán kéo dài nhiều tháng đã không đạt được thỏa thuận giải phóng một số con tin còn lại.
Quan chức cấp cao của Mỹ cho biết cả Israel và Hamas vẫn còn một số vấn đề cần giải quyết nhưng một thỏa thuận đã gần đạt được, gồm lệnh ngừng bắn kéo dài 6 tuần để đổi lấy việc thả phụ nữ, người già và con tin bị thương trong thời gian 42 ngày.
Ông Biden sẽ hội đàm với ông Netanyahu và sau đó trong ngày 25-7, Phó tổng thống Kamala Harris sẽ có cuộc gặp riêng với nhà lãnh đạo Israel.
Quan chức cấp cao của Mỹ cho biết cả ông Biden và bà Harris đều “hoàn toàn nhất trí” về chính sách của Mỹ đối với Israel và Gaza.
Việt Nam nêu đề xuất quan trọng về Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân
Phiên họp lần thứ 2 của Ủy ban trù bị hội nghị kiểm điểm Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT) năm 2026 diễn ra từ ngày 22-7 đến 2-8 tại Geneva (Thụy Sĩ).
Đại diện đoàn Việt Nam tham dự và phát biểu tại cuộc họp, Phó trưởng Phái đoàn thường trực Việt Nam tại Geneva Cung Đức Hân khẳng định chính sách nhất quán của Việt Nam là ủng hộ chống phổ biến tiến tới giải trừ toàn diện và triệt để vũ khí hạt nhân. Việt Nam đề cao vai trò then chốt của NPT trong nỗ lực giải trừ và chống phổ biến vũ khí hạt nhân, bảo đảm quyền sử dụng năng lượng hạt nhân vì mục đích hòa bình.
Nêu một số đề xuất đóng góp tại cuộc họp, Việt Nam kêu gọi các nước thành viên cần tiếp tục nỗ lực tăng cường việc thực thi và tính phổ quát của NPT; thực hiện một cách cân bằng, toàn diện cả ba trụ cột của NPT và cần có tiến triển thực chất trong trụ cột giải trừ.
Việt Nam nhấn mạnh các nỗ lực nhằm bảo đảm an ninh cho các nước không có vũ khí hạt nhân, trong đó có việc thành lập các khu vực phi vũ khí hạt nhân; kêu gọi các cường quốc hạt nhân gia nhập Nghị định thư Hiệp ước khu vực Đông Nam Á không có vũ khí hạt nhân (SEANWFZ).
Bên cạnh đề xuất các biện pháp thúc đẩy thực thi hiệu quả NPT, Việt Nam khẳng định tầm quan trọng của điều ước quốc tế có liên quan về không phổ biến, giải trừ vũ khí hạt nhân; kêu gọi các nước tham gia và phê chuẩn Hiệp ước Cấm vũ khí hạt nhân và cùng thúc đẩy Hiệp ước cấm thử hạt nhân toàn diện sớm có hiệu lực.
Bên cạnh đó, Phó trưởng phái đoàn Cung Đức Hân cũng thông tin về những đóng góp tích cực, có trách nhiệm của Việt Nam về chống phổ biến, giải trừ vũ khí hạt nhân, bảo đảm an ninh và an toàn hạt nhân thời gian qua; khẳng định Việt Nam sẵn sàng phối hợp cùng các nước thành viên tiếp tục có đóng góp tích cực tại cuộc họp để chuẩn bị hướng tới Hội nghị kiểm điểm NPT vào năm 2026.
Biểu tình rầm rộ ở Mỹ phản đối chuyến thăm của Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu
Những người biểu tình yêu cầu Mỹ ngừng viện trợ quân sự cho Israel đã treo cờ Palestine và đốt cờ Mỹ bên ngoài nhà ga Union ở Washington, để phản đối chuyến thăm của ông Netanyahu.
Cách đó không xa, cảnh sát đã xịt hơi cay vào hàng nghìn người biểu tình ủng hộ Palestine tụ tập bên ngoài Điện Capitol trong khi ông Netanyahu phát biểu trước Quốc hội.
Ông Netanyahu tìm kiếm sự ủng hộ của các nhà lập pháp Mỹ đối với cuộc chiến của Israel ở Gaza. Ông đã phác thảo kế hoạch cho một Gaza “vô chủ” sau chiến tranh và chào mời một liên minh tiềm năng trong tương lai giữa Israel và các đồng minh Ả Rập của Mỹ.
Kiev sẵn sàng đàm phán với chủ quyền đầy đủ
Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba cho biết Kiev đã chuẩn bị cho các cuộc đàm phán về cuộc xung đột với Nga, với điều kiện chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine được tôn trọng đầy đủ.
Ông Kuleba nói thêm ông không thấy Nga sẵn sàng đàm phán một cách thiện chí.
Ông Kuleba là quan chức cấp cao nhất của Ukraine tới Trung Quốc kể từ tháng 2-2022. Một nguồn tin Ukraine trong phái đoàn cho biết ông đã hội đàm với Ngoại trưởng Vương Nghị trong hơn ba giờ ngày 24-7.
Ông Kuleba nói trong bài phát biểu của mình: “Tôi nhấn mạnh hai nguyên tắc phải kiên định giữ vững. Thứ nhất, không có thỏa thuận nào về Ukraine mà không có Ukraine”.
“Thứ hai, hoàn toàn tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine. Nếu hai nguyên tắc này được tuân thủ, chúng tôi có thể tham gia vào bất kỳ cuộc thảo luận nào và tìm kiếm mọi giải pháp”.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Mao Ninh phát biểu trong cuộc họp báo thường kỳ ở Bắc Kinh rằng cả hai bộ trưởng đã thảo luận về sự cần thiết phải có quan điểm lâu dài trong việc xây dựng quan hệ song phương và Trung Quốc sẽ “tiếp tục mở rộng nhập khẩu thực phẩm từ Ukraine”.
Bà Mao Ninh nói thêm rằng Trung Quốc quan ngại về tình hình nhân đạo ở Ukraine. Cả hai bên Nga và Ukraine đều “ra tín hiệu sẵn sàng đàm phán ở những mức độ khác nhau”.
Bà nói thêm: “Mặc dù các điều kiện chưa chín muồi nhưng chúng tôi ủng hộ mọi nỗ lực có lợi cho hòa bình và sẵn sàng tiếp tục đóng vai trò mang tính xây dựng trong việc đạt được lệnh ngừng bắn và nối lại các cuộc đàm phán hòa bình”.
Thuyền bia
Iran bắt giữ 2 thủ lĩnh IS
Bộ trưởng Tình báo Iran Esmaeil Khatib ngày 24-7 cho biết lực lượng chức năng nước này đã bắt giữ 20 “phần tử khủng bố” nước ngoài, trong đó có 2 thủ lĩnh của tổ chức “Nhà nước Hồi giáo” (IS) tự xưng.
Bộ trưởng Khatib tiết lộ rằng những đối tượng bị bắt phần lớn đã nhập cảnh “bất hợp pháp” vào Iran và bị bắt trong 12 chiến dịch. 12 người trong số đó đã xâm nhập Iran để thực hiện “các hoạt động khủng bố”.
Ông lưu ý rằng 2 thủ lĩnh IS có liên kết với các quốc gia không nằm trong số các nước láng giềng của Iran, đồng thời kêu gọi người dân Iran thận trọng hơn khi tuyển dụng công dân nước ngoài không có giấy tờ.
Trước đó, ngày 13-7, tình báo Iran cho biết lực lượng chống khủng bố của nước này đã bắt giữ hàng chục “kẻ khủng bố”, bao gồm cả những chiến binh IS, các thành viên dự bị và các nhà cung cấp vũ khí và đạn dược cho tổ chức cực đoan này. Tang vật thu giữ được từ những phần tử khủng bố bao gồm 560 khẩu súng, 41.895 viên đạn, 9 quả bom cũng như một lượng đáng kể vật liệu để chế tạo chất nổ.
Đắm tàu ngoài khơi Mauritania, trên 150 người mất tích
Ngày 24-7, Tổ chức Di cư quốc tế (IOM) của Liên Hiệp Quốc cho biết ít nhất 15 người thiệt mạng và trên 150 người vẫn mất tích trong vụ đắm tàu ngoài khơi Mauritania.
Theo IOM, con tàu này chở gần 300 người, xuất phát từ Gambia. Tàu đã bị chìm khi ở gần thủ đô Nouakchott của Mauritania.
Lực lượng bảo vệ bờ biển Mauritania đã cứu được 120 người. Hiện lực lượng chức năng vẫn đang tích cực tìm kiếm người mất tích.
Những người châu Phi thường chọn tuyến đường di cư Đại Tây Dương từ bờ biển Tây Phi tới Quần đảo Canary để đến được Tây Ban Nha. Đây là một trong những tuyến đường nguy hiểm nhất thế giới.