Tình bạn đặc biệt giữa sĩ quan cảnh sát và chú chó nghiệp vụ

Cán bộ chiến sĩ huấn luyện chó nghiệp vụ trên thao trường – Ảnh: DANH TRỌNG

Sáng mùa đông, gió mùa đông bắc kèm theo mưa phùn làm không khí tại Trung tâm Huấn luyện và sử dụng động vật nghiệp vụ (thuộc Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động, Bộ Công an) càng thêm rét buốt.

5h, Thượng úy Nguyễn Hoàng Quân (31 tuổi, quê Vĩnh Phúc) thức dậy vệ sinh cá nhân, khoác lên mình bộ quận phục, vội mang thức ăn ra chuồng cho Max – chú chó nghiệp vụ đang được anh chăm sóc, huấn huyện. Anh và “người bạn bốn chân” cùng nhau chuẩn bị cho một ngày dài huấn luyện.

Từ nỗi khiếp sợ đến tình yêu chó nghiệp vụ

Thượng úy Nguyễn Hoàng Quân là cán bộ Đội sử dụng động vật nghiệp vụ, chuyên khoa phát hiện thuốc nổ. Anh bắt đầu gắn bó với công tác huấn luyện, sử dụng chó nghiệp vụ từ đầu năm 2021.

Chàng sĩ quan cảnh sát 27 tuổi ngày ấy chưa từng tiếp xúc với chó nghiệp vụ. Anh nhớ hồi nhỏ bị chó cắn nên “ám ảnh, rất sợ”.

Chú chó nghiệp vụ đầu tiên anh được giao là một con chó béc giê Đức, lông màu đen vàng, nặng 40kg, tên Tôm. Theo quy định, trung tâm giao mỗi chiến sĩ chăm sóc một chú chó, huấn luyện và làm nhiệm vụ đến khi con chó “kết thúc cuộc đời”.

Ngày đầu mới nhận, Tôm tỏ ra hung dữ, thường gầm gừ, sủa lớn khi chủ nhân đến gần. Vẻ ngoài hung hãn, cùng mùi hôi của Tôm khiến chàng sĩ quan trẻ “nhăn mặt e dè”. Nhưng nhiệm vụ yêu cầu chiến sĩ khi nhận chó, trong hai ngày phải làm quen bất kể con chó dữ hay lành.

Bằng kinh nghiệm học được, ngày đầu, Quân cho Tôm nhịn đói. Anh sau đó mua thịt, gan lợn về luộc chín, mang ra chuồng, đứng gần, nhẹ giọng gọi “Tôm, Tôm…” làm thân. Anh đút cho chó ăn dần từng miếng thịt nhỏ.

Ngày thứ hai, Tôm cảm nhận được tình cảm chân thành từ chủ nhân. Con vật quen mùi hơi, giọng nói, vẫy đuôi, nằm phục xuống tỏ vẻ thân hòa. Những ngày sau, mỗi khi nhìn thấy Quân, Tôm vui mừng, “nhảy lên ôm vai bá cổ, thè lưỡi liếm cả vào má mãi mới thôi”.

Ngoài việc cho ăn, tắm rửa, những lúc rảnh rỗi, Quân thường dắt Tôm đi dạo chơi quanh trung tâm huấn luyện để “vun đắp tình bạn”

“Để thân hòa được với một con chó nghiệp vụ không dễ dàng, đó là cả quá trình công phu. Nếu người chủ càng nóng vội muốn làm thân thì chú chó càng trở nên hung dữ, đề phòng, dẫn đến có lúc bị chó đớp trở tay không kịp”, Thượng úy Quân chia sẻ.

Tình bạn đặc biệt giữa sĩ quan cảnh sát và chú chó nghiệp vụ - Ảnh 2.

Thượng úy Nguyễn Hoàng Quân cùng hai chú chó nghiệp vụ Tôm (trái) và Max – Ảnh: NVCC

Chăm sóc chó nghiệp vụ như thân nhân

Thời gian đầu huấn luyện, Tôm đôi khi “chậm hiểu”. Nhiều động tác dạy đi dạy lại cả tháng trời mà không làm được, khiến anh “oải”, áp lực. Quân sụt 3kg sau nhiều “đêm trắng” lo lắng. 

Thượng úy Quân nhớ cũng trong khoảng thời gian này, vợ mình sinh con đầu lòng ở quê nhà. Do dịch COVID-19, cùng nhiệm vụ huấn luyện chó nghiệp vụ nên anh không thể về quê thăm vợ con. 

Những ngày ở trung tâm, anh thường dậy sớm đưa Tôm ra thao trường, dùng nhiều phương pháp, cách thức để huấn luyện. Dường như Tôm hiểu được nỗi niềm của chủ nhân, nên tập trung hoàn thành các bài huấn luyện tốt hơn. 

6 tháng nỗ lực, Tôm trở thành một “chiến sĩ” đủ tố chất, kỹ năng chiến đấu. Tôm theo chân chủ nhân làm các nhiệm vụ như một lẽ tự nhiên.

“Chó nghiệp vụ mỗi con một tính nết, nên quá trình tiếp cận, huấn luyện, sử dụng phải có phương pháp, sự sáng tạo, kiên trì, nhẫn nại. Người chiến sĩ phải tạo được sự gần gũi, tin tưởng, xem chó như bạn thân thiết mới huấn luyện thành công”, Thượng úy Quân nói.

Mùa thu năm 2023, trời chuyển nồm ẩm ướt. Tôm có dấu hiệu bỏ ăn, giảm nhiệt huyết khi luyện tập, làm nhiệm vụ.

Tôm đổ bệnh.

Sĩ quan Quân lo lắng ngày đêm, chăm sóc Tôm như người thân. Anh thường xuyên túc trực bên chuồng theo dõi tình hình, mua thêm sữa, nấu cháo cho chó. Đơn vị cách nhà vài chục km, nhưng ngày nghỉ anh vẫn ở lại chăm chó.

Đến giờ, Thượng úy Quân vẫn nhớ như in khoảnh khắc Tôm mắt ướt, lần cuối ngước nhìn anh. Đưa tay vuốt nhẹ lên đầu chú chó, anh sụt sùi vĩnh biệt “người bạn bốn chân”. Tôm đã “hoàn thành cuộc đời” của một “chiến sĩ đặc biệt”.

Chó nghiệp vụ - Ảnh 6.

Những bài tập cơ bản thường ngày của một chú chó nghiệp vụ – Ảnh: DANH TRỌNG

“Không yêu động vật, khó gắn bó với chó lẫn nghề”

Sau cú sốc mất Tom, bây giờ, Thượng úy Quân đồng hành cùng Max – chú chó béc giê Malinois Bỉ, nặng hơn 30kg. Anh đánh giá Max “ham chơi, thích khám phá nhưng lúc làm việc rất cẩn thận, có trách nhiệm”.

Anh ngày càng “ưng” người bạn mới, bởi “nó thông minh, nhanh nhẹn, luôn đạt điểm giỏi khi thực hành bài tập khó”. Max luôn sẵn sàng lao vào đống đổ nát, khu vực nguy hiểm…làm nhiệm vụ.

Trên thao trường những ngày giữa tháng 12, Thượng úy Quân thực hành giấu mẫu thuốc nổ trong ô tô, cách mấy ngày mới đi tìm. Song khi ở cách xa tầm 30-40m, anh ra hiệu lệnh chỉ tay về hướng chiếc ô tô, trong tích tắc Max đã tìm được mẫu thuốc nổ.

Max đã cùng anh tham gia, hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ như đảm bảo an toàn sự kiện như: Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình sang Việt Nam; Tổng thống Nga Vladimir Putin thăm Việt Nam…

Theo Thượng úy Quân, muốn huấn luyện được một chó nghiệp vụ giỏi, người chiến sĩ ngoài năng lực chuyên môn còn phải yêu động vật, nhẫn nại, có trách nhiệm. Khi huấn luyện chó, quần áo, đầu tóc luôn ám mùi hôi đặc trung của chó. “Không yêu động vật, chiến sĩ cảnh sát khó gắn bó với chó nghiệp vụ lẫn nghề”.

4 năm huấn luyện, sử dụng chó nghiệp vụ, đến bây giờ Thượng úy Quân chẳng những không sợ mà còn yêu quý chó như “người bạn thân thiết”.

Ngày 15-12-1959, lớp đào tạo cán bộ huấn luyện, sử dụng chó nghiệp vụ đầu tiên ở Việt Nam khai giảng gồm 44 học viên.

Trải qua 65 năm xây dựng, chiến đấu, trưởng thành (15-12-1959/15-12-2024), Trung tâm Huấn luyện và sử dụng động vật nghiệp vụ luôn là một đơn vị nghiệp vụ đặc thù góp phần quan trọng trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, đảm bảo an ninh quốc gia.

Trung tâm đã được Đảng, Nhà nước và lãnh đạo Bộ Công an trao tặng nhiều phần thưởng, Huân chương cao quý.

Tình bạn đặc biệt giữa sĩ quan cảnh sát và chú chó nghiệp vụ - Ảnh 7.

Nguồn giống chó phục vụ công tác huấn luyện chủ yếu là chó béc giê Đức, chó béc giê Bỉ, chó cocker của Tây Ban Nha, chó Rottweiler, Labrador của Anh – Ảnh: DANH TRỌNG

Cảnh sát huấn luyện chó nghiệp vụ – Ảnh: DANH TRỌNG

Tình bạn đặc biệt giữa sĩ quan cảnh sát và chú chó nghiệp vụ - Ảnh 11.

Một chú chó nghiệp vụ bị gãy chân trong quá trình huấn luyện – Ảnh: DANH TRỌNG

Source link

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *