“Đây là lần đầu tiên một Tổng bí thư, Chủ tịch nước ta tham dự trực tiếp các phiên họp cấp cao tại Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc” – Phó thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đã nhấn mạnh như vậy khi trả lời báo chí trước chuyến đi.
Đề cao chủ nghĩa đa phương
Ngày 24-9, khi Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm phát đi những thông điệp lớn và quan trọng của Việt Nam tại Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc ở Mỹ, đó cũng là lúc từ Việt Nam, hơn 240 cán bộ chiến sĩ Đội công binh số 3 và Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 6 sẽ lên đường thực hiện sứ mệnh gìn giữ hòa bình của Liên Hiệp Quốc tại châu Phi xa xôi.
Đó là một trong những minh chứng sinh động nhất cho thấy tinh thần trách nhiệm của Việt Nam đối với các công việc của Liên Hiệp Quốc – tổ chức mà Việt Nam là thành viên từ năm 1977. “Việt Nam đã gửi các nhân viên gìn giữ hòa bình tới nhiều điểm nóng trên thế giới, trong đó có Nam Sudan, nơi tôi từng có dịp trực tiếp được gặp gỡ họ” – Chủ tịch Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc khóa 78 Dennis Francis chia sẻ. Ông nhấn mạnh Việt Nam là “một thành viên tích cực, có trách nhiệm, đã và đang không ngừng có những đóng góp ý nghĩa và rất quan trọng cho Liên Hiệp Quốc”.
Theo ông Francis, việc Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm tham dự Tuần lễ cấp cao Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc sắp tới là động thái “hết sức có ý nghĩa, thể hiện cam kết cao nhất về mặt chính trị vào một thời điểm quan trọng khi cộng đồng quốc tế đang quyết tâm thúc đẩy chủ nghĩa đa phương nhằm đối phó với hàng loạt thách thức toàn cầu hiện nay”.
Tâm điểm của Tuần lễ cấp cao này sẽ là Hội nghị thượng đỉnh tương lai (từ ngày 22 đến 23-9) và phiên thảo luận chung của Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc (từ ngày 24 đến 28-9). Các bên dự kiến tập trung vào việc kêu gọi tăng cường hợp tác quốc tế và củng cố chủ nghĩa đa phương, trong đó Liên Hiệp Quốc có vị trí trung tâm nhằm thúc đẩy thực hiện các mục tiêu chung, đặc biệt là các mục tiêu phát triển bền vững.
Đại sứ Đặng Hoàng Giang, trưởng phái đoàn Việt Nam tại Liên Hiệp Quốc, cho biết phái đoàn Việt Nam sẽ nhấn mạnh thông điệp lớn về “Củng cố chủ nghĩa đa phương, cùng hành động để kiến tạo tương lai hòa bình, ổn định, thịnh vượng và bền vững cho mọi người dân”.
“Đây là lần đầu tiên Tổng Bí thư Đảng ta tham dự trực tiếp Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc và cũng là hoạt động ngoại giao đa phương đầu tiên của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm tại tổ chức quốc tế toàn cầu Liên Hiệp Quốc. Qua đó tái khẳng định mạnh mẽ ở cấp cao nhất đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng và hiệu quả, chia sẻ tầm nhìn và giải pháp của Việt Nam về vai trò của Liên Hiệp Quốc và các vấn đề lớn của thế giới”, Đại sứ Đặng Hoàng Giang nói.
Cũng theo ông Đặng Hoàng Giang, sự kiện này đã thể hiện sự quan tâm sâu sắc của Đảng và Nhà nước Việt Nam đối với hợp tác đa phương, các chương trình nghị sự lớn của Liên Hiệp Quốc và quan hệ toàn diện với tổ chức lớn nhất hành tinh.
Vì lợi ích cho tất cả
Từ một nước nhận hỗ trợ của Liên Hiệp Quốc trong giai đoạn đầu tái thiết đất nước sau chiến tranh, Việt Nam tham gia ngày càng sâu rộng và đóng góp quan trọng cho Liên Hiệp Quốc. Đại sứ Đặng Hoàng Giang dẫn chứng hiện Việt Nam là nước đóng góp lớn thứ 49 cho ngân sách Liên Hiệp Quốc. Việt Nam đồng thời tham gia ngày càng sâu rộng, đóng góp có ý nghĩa tại cả ba trụ cột chính: hòa bình – an ninh, hợp tác phát triển và quyền con người.
Việt Nam là một trong những quốc gia đi đầu ủng hộ chủ nghĩa đa phương và cách tiếp cận đa phương để giải quyết các thách thức toàn cầu, khẳng định vai trò then chốt của Liên Hiệp Quốc. Kể từ năm 2014 đến nay, Việt Nam tích cực tham gia các hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên Hiệp Quốc, cử hơn 800 lượt sĩ quan quân đội và công an thực hiện nhiệm vụ tại những khu vực xa xôi như Nam Sudan và Cộng hòa Trung Phi, Abyei và tại trụ sở Liên Hiệp Quốc. Họ đã hỗ trợ thiết thực và gắn bó với người dân địa phương, thực sự trở thành những “sứ giả của hòa bình” ở mỗi địa bàn đóng quân, qua đó nâng cao hình ảnh và vị thế của lực lượng vũ trang Việt Nam trong mắt bạn bè quốc tế.
Mặc dù nguồn lực và trình độ phát triển khoa học công nghệ còn khiêm tốn, Việt Nam đã nỗ lực hết mình ứng phó với biến đổi khí hậu, cam kết phấn đấu đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Việt Nam thuộc nhóm nòng cốt thúc đẩy nghị quyết của Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc lấy ý kiến tư vấn của Tòa án Công lý quốc tế (ICJ) về trách nhiệm của các nước đối với biến đổi khí hậu.
Việt Nam cũng có nhiều đóng góp trên cương vị thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc nhiệm kỳ 2023-2026, thành viên Ủy ban Luật Quốc tế nhiệm kỳ 2023-2027, cũng như hai lần làm ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc và nhiều cơ quan quan trọng khác. “Những thành công này thể hiện cam kết mạnh mẽ của Việt Nam đối với các nguyên tắc và giá trị cơ bản trong Hiến chương Liên Hiệp Quốc, luật pháp quốc tế và với chủ nghĩa đa phương nói chung”, Chủ tịch Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc khóa 78 Dennis Francis khẳng định.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm và phu nhân lên đường công du Mỹ, Cuba
Sáng nay (21-9), Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm và phu nhân cùng đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam lên đường đến Mỹ và Cuba, trong đó thành phố New York (Mỹ) – nơi đặt trụ sở Liên Hiệp Quốc – là điểm dừng chân đầu tiên. Trong thời gian ở New York, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm sẽ tham dự Hội nghị thượng đỉnh tương lai, phiên họp cấp cao Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc khóa 79 và làm việc tại Mỹ.
Người đứng đầu Đảng và Nhà nước sau đó thăm cấp nhà nước tới Cuba, theo lời mời của Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Cuba – Chủ tịch nước Cộng hòa Cuba Miguel Díaz-Canel Bermúdez và phu nhân.