Khi phóng viên tới nhà để phỏng vấn cũng vừa đúng lúc ông Phạm Quang Nghị từ Bệnh viện 108 trở về.
Ông xúc động chia sẻ: “Đầu giờ chiều 19-7, tôi đã cùng với nhiều lãnh đạo Đảng, Nhà nước có mặt vào giờ phút Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng vĩnh biệt mọi người. Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng là tấm gương sáng ngời về đạo đức cách mạng.
Đạo đức mà chúng ta đang nói tới là sự phấn đấu, hy sinh, cống hiến hết lòng vì nước, vì dân”.
* Ông có thể chia sẻ những kỷ niệm nhớ nhất của mình với Tổng bí thư?
– Trong công việc cũng như đời thường, tôi đã biết và thường xuyên gặp gỡ, làm việc với đồng chí Nguyễn Phú Trọng qua mấy chục năm. Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đối với tôi vừa là nhà lãnh đạo đáng kính, là tình đồng chí, vừa là anh em.
Anh Trọng là thế hệ đi trước, cả về tuổi tác cũng như cấp bậc lãnh đạo. Chúng tôi có quãng thời gian 3 – 4 năm cùng là nghiên cứu sinh ở Nga. Mỗi khóa chỉ có 10 – 15 người nên sinh hoạt, quan hệ rất gần gũi, thân thiết và rất hiểu nhau.
Về nước, giữa hai gia đình có lúc là hàng xóm, có rất nhiều kỷ niệm gắn bó, nhưng nhất là quãng thời gian ở khu tập thể Kim Liên – Trung Tự. Hai gia đình thường gặp nhau vào những giờ lấy nước về căn hộ để sinh hoạt.
Không phải đến sau này khi anh làm tổng bí thư tôi mới có cảm nhận về những phẩm chất, phong cách, những tư chất rất đặc biệt ở anh. Anh là người luôn tận tâm, trách nhiệm với công việc được giao, cẩn thận, tỉ mỉ, chu đáo, có sự hiểu biết sâu rộng.
Là người rất quan tâm đến lĩnh vực văn hóa, rèn luyện tư cách, phẩm chất con người, nhất là quan tâm về công tác cán bộ. Những phẩm chất cá nhân này ở anh rất có lợi cho các công việc mà anh được Đảng phân công sau này, từ làm bí thư Thành ủy Hà Nội, chủ tịch Quốc hội và gần 3 nhiệm kỳ làm tổng bí thư.
* Quãng thời gian 3 – 4 năm cùng học nghiên cứu sinh ở Liên Xô cũ (nay là Nga) có những ấn tượng nào về Tổng bí thư mà ông nhớ nhất?
– Đó là giai đoạn tình hình đời sống, kinh tế trong nước cực kỳ khó khăn, thiếu thốn. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống, sinh hoạt, ý thức giữ gìn phẩm chất của những nghiên cứu sinh ở nước ngoài.
Với bối cảnh như vậy, nhưng mọi người vẫn nhìn thấy tấm gương một nghiên cứu sinh rất gương mẫu, chỉn chu trong học tập và rất chú ý giữ gìn phẩm chất đạo đức.
Là nghiên cứu sinh, kết quả học tập, nghiên cứu có thể đánh giá bằng điểm số, chất lượng luận văn, nhưng về phẩm chất, tư cách con người thì mọi người có thể nhìn vào tấm gương sống, sinh hoạt thường ngày.
Kể cả lúc là nghiên cứu sinh hay sau này khi anh là nhà lãnh đạo cấp cao mọi người đều nể phục, kính trọng anh về phẩm chất đạo đức.
* Ông đã từng kể trong cuốn sách Đi tìm một vì sao về những điều đáng nhớ trong buổi nhận bàn giao bí thư Thành ủy Hà Nội từ Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng. Ông có thể chia sẻ thêm?
– Đúng vậy, tôi nhận bàn giao chức bí thư Thành ủy Hà Nội vào tháng 7-2006. Tôi được nhận bàn giao để anh Nguyễn Phú Trọng giữ cương vị mới là chủ tịch Quốc hội. Tôi nhớ, việc bàn giao đó rất đơn giản.
Tại buổi bàn giao sáng 5-7-2006 diễn ra không có chút gì nặng về nghi thức lễ tân, không có lẵng hoa, bó hoa tặng nhau mà chỉ đọc quyết định của Bộ Chính trị.
Cũng cần nói thêm, căn phòng làm việc của bí thư Hà Nội khi tôi tiếp nhận từ anh Nguyễn Phú Trọng cũng rất đơn sơ, giản dị. Trong phòng bàn ghế, giường tủ, giá sách… tất cả vật dụng đều bằng loại gỗ bình thường, không cầu kỳ, kiểu cách.
Căn phòng thể hiện phong cách sống, sinh hoạt rất giản dị của anh Trọng và các đồng chí bí thư tiền nhiệm ở thủ đô.
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng luôn gương mẫu, giản dị từ ăn mặc, đi lại…
Nếu dùng những từ ngắn gọn nhất thì Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng là một nhà lãnh đạo có phẩm chất hết sức tiêu biểu, mẫu mực về sự cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư; một nhà lãnh đạo hết lòng vì sự nghiệp chung của Đảng và nhân dân.
Khi là người ở cương vị lãnh đạo cao nhất, đồng chí cũng là người gương mẫu nhất về sự giản dị, từ việc ăn mặc, đi lại, sử dụng các phương tiện chung, đến sinh hoạt riêng.
Nếu chú ý chúng ta sẽ thấy từ chiếc áo sơ mi, chiếc cà vạt, chiếc kính mà Tổng bí thư đã dùng, có lẽ hàng chục năm không thay đổi. Khi tôi còn làm việc, rất nhớ cái cặp đựng tài liệu đã theo Tổng bí thư suốt mấy chục năm.
Đó là chiếc cặp da rất bình dị, đã sờn bạc. Nếu không có sự gương mẫu, giữ gìn như vậy chắc anh đã không thể quyết liệt như anh đã làm trong cuộc đấu tranh phòng chống tiêu cực, tham nhũng, lãng phí như vừa qua.
Tôi nhớ một chi tiết nhỏ, khi Tổng bí thư về chúc Tết ở huyện Phú Xuyên. Tôi đến trước ông ít phút. Khi ông đến trời mưa nặng hạt. Bình thường, là người khác chắc sẽ yêu cầu lái xe chạy đưa ông lên sảnh để vào hội trường. Khi đó, tôi có nói với mọi người rằng ông sẽ không cho xe đi lên sảnh.
Và sự việc đã diễn ra đúng như vậy. Tổng bí thư đã dừng xe dưới sân và đội mưa vào hội trường. Thật ra không ai đòi hỏi người lãnh đạo phải làm như vậy nhưng với phong cách bình dị, gương mẫu, không muốn thể hiện mình là cấp trên, quan cách, nên ông đã tự giác làm như vậy.
Một việc nhỏ nhưng có tính giáo dục, lan tỏa rất lớn…
Ông PHẠM QUANG NGHỊ