Là trưởng ban liên lạc của lớp văn khóa 8 từ năm 2003, PGS.TS, nhà văn Nguyễn Ngọc Thiện, cựu sinh viên lớp văn khóa 8, khoa ngữ văn, Trường đại học Tổng hợp Hà Nội (nay là Trường đại học Khoa học xã hội và Nhân văn), nguyên tổng biên tập tạp chí Diễn đàn văn nghệ Việt Nam, cho biết ông đặc biệt ấn tượng với đức tính khiêm tốn của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng ngay từ thời còn là sinh viên.
Người bí thư chi đoàn của lớp
Theo ông Thiện, lớp văn khóa 8, khoa ngữ văn, Trường đại học Tổng hợp Hà Nội (khóa 1963 – 1967) có hơn 120 sinh viên và thầy Hà Minh Đức làm giáo viên chủ nhiệm 4 năm.
Nhớ lại những năm tháng sinh viên đầy hoài bão, ông Thiện kể lúc đó do trường sở còn phân tán nên năm đầu lớp văn khóa 8 được học ở khu ký túc xá Láng (gần Chùa Láng), đầu kỳ 2 năm sau chuyển sang học ở ký túc xá Mễ Trì. Từ năm 1965 – 1967, khoa ngữ văn Trường đại học Tổng hợp Hà Nội sơ tán lên xã Vạn Thọ, huyện Đại Từ, tỉnh Bắc Thái (nay là Thái Nguyên).
Ông Thiện và bà Vũ Kim Hải cùng sinh năm 1947, là hai sinh viên nhỏ tuổi nhất lớp. Vì vừa là đồng môn, vừa là đàn anh trong lớp nên ông Thiện thường gọi “anh Trọng”.
“Kỷ niệm sâu sắc nhất của tôi với anh Trọng là anh làm bí thư chi đoàn, quan tâm đến hoạt động công tác Đoàn, trong đó có việc giới thiệu kết nạp đoàn viên mới. Tôi và một số bạn trong lớp khi lên đại học vẫn là thanh niên, đến cuối năm thứ 3 phấn đấu được kết nạp Đoàn, rất phấn khởi”, ông Thiện nhớ lại.
Theo ông Thiện, ngày ấy trong lớp, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng là một sinh viên rất gương mẫu, thông minh, cần cù, nhân hậu và có thành tích cao trong học tập.
“Khi được giao làm luận văn tốt nghiệp cuối khóa, anh Trọng đã viết về chủ đề văn học dân gian trong thơ Tố Hữu, bởi niềm yêu thích văn học dân gian, thích làm báo. Kết quả bảo vệ luận văn tốt nghiệp đạt loại xuất sắc. Cuối năm thứ 4 (năm 1967) anh Trọng được kết nạp Đảng.
Khi ra trường anh Trọng về tạp chí Học tập, thời gian đầu làm bộ phận tư liệu thư viện. Sau đó anh Trọng được các thầy và bạn bè khuyên xem lại luận văn tốt nghiệp, lọc ra những phần tinh túy nhất để làm một bài báo đăng cho nhiều người biết.
Sau đó anh Trọng đã thực hiện thành bài báo “Phong vị ca dao dân ca trong thơ Tố Hữu“, đăng trên tạp chí Văn học số tháng 11-1968″, ông Thiện cho biết.
Là con người rất khiêm tốn
Theo ông Thiện, kể từ khi tốt nghiệp đại học, lớp văn khóa 8 đã có ba lần trở về thăm Tràng Dương (xã Vạn Thọ, huyện Đại Từ), nơi đã che chở những sinh viên khoa ngữ văn, Trường đại học Tổng hợp Hà Nội trong thời gian sơ tán năm ấy.
“Sau này, nhân dân ở đây thiết tha đề nghị chúng tôi nói với anh Trọng rằng lớp giúp đỡ địa phương lập một phòng truyền thống ghi nhận thời kỳ chống Mỹ cứu nước đã có một lớp sinh viên ưu tú như vậy về đây và được nhân dân đùm bọc, che chở, trong số đó có những người sau này là nhà lãnh đạo cấp cao của Đảng.
Anh Trọng nghe chúng tôi nói lại, rất khiêm tốn không tán thành, có thể vì không muốn điều tiếng dị nghị, không muốn làm phiền tới công sức và tiền của nhân dân vào việc này.
Sau Tết năm 2011, trong lần họp lớp chúng tôi chúc mừng anh Trọng giữ trọng trách Tổng bí thư, nhưng anh cũng rất khiêm tốn không phát biểu ngay mà đề nghị các thầy phát biểu trước, sau đến các bạn trong lớp, trong đó có người từng là lớp trưởng, bí thư chi bộ lớp văn khóa 8 hoặc là người cao tuổi, phụ nữ, cuối mới là anh Trọng.
Có người cho biết có lần anh Trọng đi xe máy về khoa ngữ văn dự lễ kỷ niệm 60 năm thành lập khoa (lúc này anh Trọng đang là bí thư Thành ủy Hà Nội), khi đến mọi người vô cùng ngạc nhiên.
Sau này làm Tổng bí thư, anh Trọng không được đi xe máy như thế vì nguyên tắc bảo vệ an toàn, nhưng anh vẫn rất giữ ý, khi xe công vụ đưa gần đến đầu phố, chưa đến nơi họp anh đã xuống xe đi bộ vào.
Trong những lần họp lớp anh Trọng cũng đề nghị được xưng hô với các thầy là “em”, với các bạn cùng lớp là “anh em, bạn bè”, anh Trọng rất khiêm tốn”, ông Thiện cho biết.
“Lớp tôi – Có gì đặc biệt?”
Ông Thiện cho biết từ khi ra trường đến nay, lớp văn khóa 8 đã làm ba cuốn sách kỷ yếu, xuất bản lần lượt các năm 2003, 2013 và 2022. Trong cuốn sách đầu tay mọi người đã cùng lưu lại chữ ký, mỗi một người sẽ hiện diện trong một vài trang, tối đa 10 trang.
Trong đó, ở cuốn sách đầu tiên Từ mái trường này, xuất bản năm 2003, cựu bí thư chi đoàn lớp văn khóa 8 Nguyễn Phú Trọng đã góp mặt với bài viết Lớp tôi – Có gì đặc biệt?.
Tuổi Trẻ Online trân trọng đăng tải toàn văn bài viết Lớp tôi – Có gì đặc biệt? của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng viết năm 1996 do PGS.TS, nhà văn Nguyễn Ngọc Thiện cung cấp: