Hãng tin Reuters dẫn thông báo hôm 22-7 của Bộ Ngoại giao Philippines cho biết Philippines vẫn khẳng định các quyền của nước này ở Biển Đông, dù trước đó thông báo đã đạt được “thỏa thuận tạm thời” với Trung Quốc về các nhiệm vụ tiếp tế ở bãi Cỏ Mây.
Hiện tại, cả Trung Quốc và Philippines vẫn chưa cung cấp thông tin chi tiết về “thỏa thuận tạm thời” này nhưng phía Manila khẳng định: “Thỏa thuận sẽ không làm phương hại đến các lập trường quốc gia tương ứng” của nước này.
“Với mong muốn làm giảm căng thẳng tình hình ở Biển Đông để quản lý các khác biệt theo cách thức hòa bình, chúng tôi nhấn mạnh rằng thỏa thuận này đã được thực hiện một cách thiện chí và Philippines sẵn sàng thực thi nó. Chúng tôi cũng kêu gọi phía Trung Quốc hãy làm điều tương tự” – Bộ Ngoại giao Philippines tuyên bố.
Trước đó, ngày 21-7, Bộ Ngoại giao Philippines phát thông báo Philippines và Trung Quốc đã nhất trí về thỏa thuận tạm thời, cho phép tiếp tế nhu yếu phẩm hằng ngày và thực hiện các nhiệm vụ luân phiên tới tàu BRP Sierra Madre ở bãi Ayungin.
Tuy nhiên, Manila tuyên bố sẽ vẫn không thông báo trước với Bắc Kinh về các hoạt động tiếp tế ở bãi Cỏ Mây, bất chấp bản “thỏa thuận tạm thời” mới vừa ký.
Bãi Ayungin là cách Philippines gọi bãi Cỏ Mây. Nằm trong khu vực quần đảo Trường Sa của Việt Nam, bãi Cỏ Mây cách đảo Palawan của Philippines khoảng 200km và cách đảo Hải Nam của Trung Quốc hơn 1.000km.
Manila đang bố trí một số binh sĩ trên tàu BRP Sierra Madre mắc cạn tại bãi Cỏ Mây để khẳng định chủ quyền đối với khu vực này.
Cùng ngày 21-7, Bộ Ngoại giao Trung Quốc xác nhận hai bên nhất trí cùng nhau xem xét các bất đồng trên biển và nỗ lực hạ nhiệt tình hình thông qua bản “thỏa thuận tạm thời” nói trên.
Gần đây, các tàu của hải cảnh Trung Quốc và tàu của lực lượng tuần duyên Philippines (PCG) thường xảy ra va chạm khi các tàu Philippines làm nhiệm vụ tiếp tế ở bãi Cỏ Mây.
Bắc Kinh cáo buộc các tàu của Philippines có hành vi trái phép, trong khi Manila lại khẳng định đây là hành động bình thường, phù hợp với luật pháp và họ không thông báo trước với Bắc Kinh về các hoạt động tiếp tế.