Sự kiện kỷ niệm Quốc khánh Pháp (14-7) diễn ra tại Dinh thự Pháp ở TP.HCM vào tối ngày 12-7. Buổi lễ có sự tham dự của Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan, các thành viên Lãnh sự đoàn, cùng nhiều lãnh đạo doanh nghiệp Pháp và Việt Nam.
Sẽ đẩy mạnh giao lưu với Việt Nam
Phát biểu tại buổi lễ, Tổng lãnh sự Pháp Emmanuelle Pavillon-Grosser cho biết, nước Pháp đang và sẽ tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động giao lưu với Việt Nam trong mọi lĩnh vực, đặc biệt là kinh tế và thương mại.
Kim ngạch thương mại song phương hiện nay giữa hai nước đã lên tới hơn 7,6 tỉ euro (8,2 tỉ USD). Pháp cũng đang là nhà đầu tư lớn thứ 2 trong Liên minh Châu Âu tại Việt Nam.
2024 là một năm đầy đặc biệt với cá nhân bà Tổng lãnh sự Pháp Emmanuelle Pavillon-Grosser. Bà chia sẻ rằng đã cùng chồng nhận nuôi một cô con gái người Việt, đặt tên là Charlotte.
Cô bé đã về sống cùng gia đình mới vào tháng 5 vừa rồi và trở thành sợi dây gắn kết giữa bà Tổng lãnh sự cùng chồng với đất nước Việt Nam xinh đẹp.
Ở chiều ngược lại, nước Pháp kỳ vọng sẽ đón thêm nhiều nhà đầu tư Việt Nam vào Pháp.
Bên cạnh kinh tế và thương mại, bà Emmanuelle Pavillon-Grosser cho rằng kinh tế và giáo dục, nghiên cứu khoa học và văn hóa cũng đã trở thành những nền tảng ưu tiên cho sự hợp tác giữa hai nước.
Hiện nay có gần 6.000 sinh viên Việt Nam đang du học tại Pháp và trong số đó có khoảng 100 sinh viên nhận học bổng của Chính phủ Pháp, một con số chưa từng có. Năm nay, Việt Nam tiếp tục giữ vị trí thứ 3 về số lượng sinh viên nhận học bổng đại học của Pháp.
Quốc khánh Pháp đã trở thành ngày hữu nghị Việt – Pháp
Phát biểu tại buổi lễ, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan nhận định rằng dịp Quốc khánh Pháp hàng năm đã trở thành ngày hữu nghị Việt – Pháp, là dịp để người dân hai nước tôn vinh sự giao thoa đặc sắc giữa hai nền văn hóa.
Sau hơn nửa thế kỷ từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao và hơn 10 năm kể từ khi nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược, Việt Nam và Pháp đã vun trồng hiệu quả mối quan hệ hợp tác tốt đẹp trong nhiều lĩnh vực.
Theo ông Võ Văn Hoan, trên nền tảng song phương tốt đẹp đó, TP.HCM luôn là một trong những địa phương tích cực thúc đẩy quan hệ hợp tác với Pháp. Tổng kim ngạch thương mại giữa Pháp và TP.HCM trong năm 2023 đạt gần 750 triệu USD.
Thành phố mang tên Bác hiện có 40 văn phòng đại diện của thương nhân Pháp. Thành phố đặc biệt đánh giá cao sự quan tâm của các nhà đầu tư Pháp dành cho những dự án quan trọng như các tuyến metro và dự án cải tạo, chỉnh trang cảng và bờ sông Sài Gòn.
Nhận thấy tiềm năng hợp tác với Pháp còn rất lớn, TP.HCM mong muốn sẽ trở thành điểm đến của nhiều nhà đầu tư Pháp hơn nữa và phát huy hợp tác trong lĩnh vực giáo dục, quy hoạch đô thị bền vững, xây dựng thành phố thông minh, bảo tồn di sản, phát triển hạ tầng năng lượng, cảng biển và thúc đẩy kinh tế xanh, kinh tế số.
Bên cạnh đó, TP.HCM với nền kinh tế năng động bậc nhất khu vực, dân số trẻ và tầng lớp trung lưu đang lớn mạnh sẽ là thị trường đầy tiềm năng đối với các hoạt động giao lưu văn hoá, du lịch, ẩm thực và những sản phẩm cao cấp của Pháp.
Pháp là nước sớm thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam sau khi Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình tại Việt Nam được ký năm 1973.
Quan hệ Việt – Pháp vượt qua khuôn khổ song phương để dựa vào quan hệ giữa Liên minh châu Âu (EU) với Việt Nam sau khi Việt Nam thiết lập quan hệ chính thức với EU năm 1990 và ký Hiệp định khung hợp tác năm 1995.
Việt Nam và Pháp thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược vào năm 2013. Kể từ đó, hai nước duy trì nhiều cơ chế trao đổi thường xuyên về cả chính trị, kinh tế, quốc phòng ở các cấp. Hàng loạt các thỏa thuận, hiệp định làm cơ sở pháp lý cho hợp tác trên các lĩnh vực đã được ký kết.