Chiều 27-2, Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM tổ chức hội nghị công bố phần mềm lắng nghe mạng xã hội.
Lãnh đạo TP.HCM yêu cầu phải lắng nghe người dân trên mạng xã hội
Phát biểu tại hội nghị, ông Lâm Đình Thắng – giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM – cho biết TP hiện có khoảng 22 triệu tài khoản mạng xã hội và hơn 200 cơ quan báo chí. TP.HCM cũng là địa bàn có người sáng tạo nội dung trên mạng (KOL) lớn nhất cả nước.
Nguồn thông tin trên các nền tảng này cần được đưa thành dữ liệu để hiểu cuộc sống của người dân, từ đó đưa ra những chính sách. Bên cạnh nguồn thông tin từ báo chí thì thông tin từ mạng xã hội cũng không thể không quan tâm.
Theo ông Thắng, thực tế cuộc sống của người dân TP đã dịch chuyển lên mạng xã hội. Lãnh đạo TP luôn đặt yêu cầu phải lắng nghe, hiểu được ý kiến, tâm tư và nguyện vọng của người dân trong quá trình thực thi chính sách hằng ngày, đặc biệt là khi TP ban hành, hoạch định các chính sách, chủ trương.
“Mỗi tuần, Sở Thông tin và Truyền thông TP nhận không dưới một chục đơn thư phản ánh, khiếu nại, tố cáo, kiến nghị liên quan đến hoạt động trên Internet. Điều này đặt ra yêu cầu phải thu thập, đánh giá và phân tích cho được thông tin trên mạng để phục vụ công tác điều hành của chính quyền TP”, ông Thắng nói.
Phần mềm phân tích trào lưu, cảm xúc trên mạng xã hội
Phần mềm có khả năng thu thập dữ liệu từ các nền tảng mạng xã hội phổ biến như Facebook, Twitter, Instagram, YouTube và nhiều nền tảng khác. Việc này giúp các cơ quan quản lý nhà nước chủ động trong việc tiếp nhận và hiểu rõ hơn về ý kiến và nhu cầu của người dân, doanh nghiệp.
Đồng thời, đây cũng là kênh để nắm bắt các phản ánh của người dân về những vấn đề trên địa bàn, từ đó xây dựng chính sách quản lý, phát triển xã hội hiệu quả hơn.
Phần mềm còn giúp các tổ chức quản lý và định hình dư luận thông qua việc theo dõi và phân tích các trào lưu, ý kiến và cảm xúc trên mạng xã hội, nhất là diễn biến của các đối tượng thù địch, chống phá, lợi dụng mạng xã hội và nền tảng Internet để kích động, kêu gọi biểu tình chống lại chính quyền và các chủ trương, chính sách.
Cũng theo ông Thắng, nền tảng này sẽ được dùng chung cho các sở ngành, quận huyện của TP. Tuy nhiên để công cụ này phát huy hiệu quả, các đơn vị cần phải tập huấn, làm quen và sáng tạo hằng ngày.
“Lấy ví dụ công cụ này như bộ dụng cụ nhà bếp và nguyên liệu là thông tin trên mạng thì sáng tạo ra được món ăn nào phụ thuộc vào từng sở ngành và địa phương. Ví dụ như quận 10 có thể ra báo cáo 10 vấn đề người dân quan tâm nhất trong tuần, hoặc tại thời điểm ban hành chủ trương, chính sách người dân có quan tâm hay không”, ông Thắng dẫn chứng.
Rất nhiều người chưa hiểu đầy đủ về những quy định pháp luật trên mạng xã hội
Cũng tại hội nghị, Sở Thông tin và Truyền thông, Hiệp Hội Doanh nghiệp TP và Đoàn luật sư TP đã ký kết biên bản ghi nhớ về phối hợp tuyên truyền, giáo dục pháp luật, trợ giúp, tư vấn pháp lý cho người dân và doanh nghiệp liên quan lĩnh vực thông tin và truyền thông.
Theo Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Lâm Đình Thắng, việc ký kết sẽ thúc đẩy các hoạt động giúp người dân và doanh nghiệp hiểu hơn về quy định pháp luật trên mạng Internet liên quan đến thông tin và truyền thông.
Ông Thắng cho rằng khi kiểm tra, xử lý các vi phạm, rất nhiều người chưa hiểu đầy đủ về những quy định pháp luật này.
“Việc này khiến một số người nghĩ việc này có thể làm nhưng đã bước ra lằn ranh vi phạm pháp luật. Việc này cũng giúp cơ quan quản lý xử lý chính xác và hiệu quả hơn”, ông Thắng nói.