TP.HCM ‘đặt hàng’ công nghệ giải quyết 3 bài toán lớn trong giáo dục

Ông Hồ Tấn Minh – chánh văn phòng Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM – phát biểu tại hội nghị – Ảnh: TRỌNG NHÂN

Sáng 23-5, Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ (Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM) tổ chức hội nghị chia sẻ bài toán về nâng cao năng suất chất lượng hiệu quả hoạt động quản lý dạy và học trên địa bàn TP.HCM.

Đây là một trong nhiều hoạt động kết nối nằm trong cuộc thi “Tìm kiếm giải pháp đổi mới sáng tạo trong khu vực công năm 2024 – Saigon Govtech Challenge 2024” (Gov.Star 2024) của Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM. 

Các cơ quan, đơn vị khu vực công có thể nêu bài toán của mình trước cộng đồng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, để cộng đồng đề xuất những giải pháp đúng với bài toán này, thông qua cuộc thi Gov.Star 2024.

Tại hội nghị sáng 23-5, ông Hồ Tấn Minh, chánh văn phòng Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM, nêu 3 bài toán lớn mà ngành giáo dục TP.HCM mong muốn nhận được các giải pháp công nghệ từ cộng đồng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.

Thứ nhất là bài toán về các giải pháp cho hệ thống quản trị. Ông Minh cho biết hiện TP.HCM có hơn 200 trường THPT, hơn 280 trường THCS, 500 trường tiểu học, khoảng 1.800 trường mầm non và các nhóm lớp. 

Do số lượng “khổng lồ” như thế, vấn đề xây dựng các báo cáo, thống kê các nội dung liên quan khi thực hiện những đề án, kế hoạch, nhiệm vụ gặp thách thức không nhỏ, tốn nhiều công sức và thời gian.

Ngành giáo dục TP.HCM muốn tìm kiếm một giải pháp công nghệ có thể dễ dàng tổng hợp, truy xuất các dữ liệu, cũng như tạo được một hệ thống chia sẻ dữ liệu dùng trong giáo dục cho thành phố.

Thứ hai là đầu bài về các giải pháp khóa học trực tuyến đại chúng mở theo nhiệm vụ xây dựng xã hội học tập mà UBND TP.HCM giao cho. 

Cụ thể, ngành giáo dục TP.HCM muốn tìm kiếm giải pháp công nghệ nền tảng học trực tuyến, trên đó có nhiều nội dung cho người học ở nhiều lứa tuổi, đặc biệt cho những người lao động mong muốn chuyển đổi ngành nghề. Nội dung các khóa học của nền tảng công nghệ có thể được kết hợp cùng các trường đại học, cao đẳng.

Thứ ba là “đặt hàng” về giải pháp công nghệ trợ lý ảo, hỗ trợ người dân phục vụ công tác cải cách hành chính. Ông Minh cho rằng hiện nay nhu cầu tìm hiểu thông tin về giáo dục của người dân TP.HCM rất lớn. Ngành giáo dục TP.HCM muốn có một nền tảng có thể giải đáp trực tuyến khi người dân có các câu hỏi, thắc mắc. 

Chẳng hạn, phụ huynh muốn tìm một trường phổ thông có dạy chương trình tiếng Anh tích hợp, muốn tìm một trung tâm tin học có đào tạo theo chuẩn quốc tế… đều có thể tìm thấy câu trả lời rõ ràng, chi tiết trên nền tảng công nghệ này.

Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM Nguyễn Việt Dũng thông tin về cuộc thi Gov.Star 2024 - Ảnh: TRỌNG NHÂN

Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM Nguyễn Việt Dũng thông tin về cuộc thi Gov.Star 2024 – Ảnh: TRỌNG NHÂN

Cần nhiều giải pháp công nghệ ứng dụng cho khu vực công

Cuộc thi “Tìm kiếm giải pháp đổi mới sáng tạo trong khu vực công năm 2024” (Gov.Star 2024) đang tiếp nhận các giải pháp từ các cá nhân, nhóm cá nhân, doanh nghiệp, tổ chức có giải pháp, mô hình đổi mới sáng tạo có khả năng chuyển giao, ứng dụng cho các cơ quan quản lý nhà nước, trường học, bệnh viện trên địa bàn TP.HCM.

Các cá nhân, tổ chức có giải pháp đoạt giải sẽ nhận gói ươm tạo theo nghị quyết số 20/2023/NQ-HĐND ngày 11-11-2023 với 80 triệu đồng/dự án, bao gồm 30 triệu đồng tiền công lao động, 50 triệu đồng chi phí khác.

Ông Nguyễn Việt Dũng, giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM, cho rằng các thách thức mà khu vực công đang gặp phải sẽ cung cấp nhiều đầu bài hay cho cộng đồng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.

Khi tham gia Gov.Star, ngoài nhận được các gói ươm tạo, các cá nhân, tổ chức sẽ được kết nối với cơ quan y tế, giáo dục, đào tạo, UBND quận huyện, TP Thủ Đức, phường, xã để khảo sát, áp dụng, thử nghiệm… sản phẩm, giải pháp trong dự án.

Hồ sơ đăng ký tham gia cuộc thi Gov.Star 2024 nộp trước ngày 15-6-2024 theo hình thức trực tuyến qua email [email protected].

Source link

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *