Thông tin được ông Võ Khánh Hưng, phó giám đốc Sở Giao thông vận tải TP.HCM, nêu tại tọa đàm “Chuyển đổi số trong quản lý đô thị: Xu hướng và giải pháp cho TP.HCM” do báo Người Lao Động tổ chức sáng 19-9.
Tại tọa đàm, ông Hưng cho biết thời gian qua sở đã tích cực ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số trong ngành giao thông vận tải.
Trước hết, sở đã thực hiện số hóa hồ sơ giấy tờ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công trực tuyến…
Trong quản lý điều hành giao thông, sở đã lắp bổ sung 198 camera giám sát giao thông tại các nút giao (nâng tổng số camera lên hơn 1.000).
Các camera này có chức năng kết nối tích hợp và chia sẻ dữ liệu qua hệ thống màn hình, có nhân viên theo dõi 24/24 giờ. Qua đó các thông tin được chia sẻ, cung cấp cho cảnh sát giao thông, công an địa phương…
Đặc biệt, ngoài việc theo dõi đèn tín hiệu giao thông, sở đang phối hợp với một số đơn vị để đưa vào lắp đặt thí điểm đèn tín hiệu giao thông thông minh.
Cụ thể, ở các giao lộ sẽ có hệ thống camera quét lưu lượng giao thông, từ đó tự điều chỉnh thời lượng đèn tín hiệu.
“Chúng tôi đánh giá việc này rất tốt, nhưng mới thí điểm ở khu vực ngã tư Hàng Xanh. Thời gian tới sẽ mở rộng ở khu vực khác”, ông Hưng nói và cho biết thêm nếu áp dụng đại trà thì rất tiện dụng.
Lực lượng chức năng có thể giảm việc ra hiện trường điều tiết, giảm kẹt xe tức thời.
Cũng tại tọa đàm, phó giám đốc Sở Giao thông vận tải thành phố chia sẻ việc ứng dụng công nghệ trong ngành giao thông vẫn còn một số tồn tại và thách thức. Cụ thể như mảng vận tải chưa tích hợp lên cơ sở dữ liệu của thành phố.
Cơ chế, chính sách thu hút nguồn nhân lực về công nghệ trong ngành cũng có hạn chế. Đồng thời ngành giao thông vẫn chưa có riêng một dự án để nâng cấp, bổ sung công nghệ thông tin của ngành, mà chỉ tích hợp từ những chương trình thí điểm riêng lẻ.
Trao giải cuộc thi viết “Lắng nghe người dân hiến kế” lần 5
Cuộc thi tập trung vào 3 chủ đề chính: “Làm gì để Cần Giờ trở thành một động lực mới phát triển TP.HCM”, “Giải pháp thu hút nhà đầu tư chiến lược vào TP.HCM” và “TP.HCM cần làm gì để thực hiện hiệu quả chuyển đổi số và nghị quyết 98?”.
Nhóm tác giả Lê Dương Lâm và cộng sự (tác phẩm Quy hoạch đô thị trí tuệ nhân tạo) và nhóm tác giả Nguyễn Hoàng Bình – Bùi Duy Tùng (tác phẩm Nâng cấp môi trường kinh doanh theo mô hình mới) cùng đoạt giải nhì.
Tác giả Nguyễn Cao Siêng (tác phẩm Giải pháp cải thiện môi trường đầu tư) và tác giả Trương Nam Thuận (tác phẩm Thu hút đầu tư bằng công ty dịch vụ công) cùng đoạt giải ba.
Tác giả Nguyễn Văn Quang (tác phẩm Tối ưu hóa các giải pháp chống ngập) và tác giả Vân Thanh (tác phẩm Đột phá trong khâu khám chữa bệnh) cùng đoạt giải khuyến khích.
Cuộc thi “Lắng nghe người dân hiến kế” lần thứ 5 không có giải nhất, do báo Người Lao Động tổ chức.