Mới đây, bạn đọc N.T. (TP.HCM) phản ánh đến báo Tuổi Trẻ về việc tài khoản ví điện tử MoMo của mình bất ngờ bị trừ tiền nhưng không phải do chính chủ thực hiện.
Tuy nhiên, qua kiểm tra và xác minh, số tiền bị trừ trong ví là do bạn đọc N.T. đã liên kết thanh toán dịch vụ truyền hình Netflix với MoMo. Do đó, tiền phí sử dụng dịch vụ Netflix đã tự động được thanh toán bằng ví MoMo.
Kiểm soát các liên kết thanh toán
Đây là một trường hợp điển hình của việc nhiều người dùng (có thể vô tình) liên kết các dịch vụ, ứng dụng có tính năng giao dịch với ví điện tử, ứng dụng thanh toán, ứng dụng ngân hàng nhưng lại thiếu sự kiểm soát, thậm chí quên mất đã từng tiến hành liên kết.
Theo tìm hiểu của Tuổi Trẻ, ngay khi người dùng liên kết tài khoản ngân hàng với ví điện tử MoMo, tài khoản sẽ được thiết lập mặc định là một trong những nguồn tiền dùng để thanh toán các giao dịch trên ví.
Thông thường, ví sẽ có thứ tự chọn nguồn thanh toán như sau: ví MoMo, túi thần tài (cũng thuộc ví MoMo), tài khoản ngân hàng liên kết 1, tài khoản ngân hàng liên kết 2… Khi người dùng thực hiện giao dịch, nếu nguồn ưu tiên trước không đủ tiền, hệ thống sẽ tự động chuyển sang nguồn tiếp theo để đảm bảo hoạt động giao dịch được diễn ra. Đặc biệt, người dùng hoàn toàn có thể tự thay đổi thứ tự các nguồn, thậm chí ngắt việc tự động chuyển nguồn.
Theo đó, trong ví MoMo, phần tài khoản, người dùng chọn mục Cài đặt thanh toán\Thứ tự thanh toán. Tại đây, người dùng có thể thay đổi thứ tự ưu tiên của nguồn tiền dùng để giao dịch. Nếu không muốn để tài khoản ngân hàng liên kết thành nguồn tiền thanh toán, người dùng hãy tắt lựa chọn “Dùng tất cả tài khoản/thẻ để thanh toán các dịch vụ đã liên kết và hóa đơn định kỳ”.
Đại diện MoMo cho biết tất cả liên kết của ví đều được hiển thị chi tiết và đầy đủ tại mục “Hóa đơn định kỳ và dịch vụ liên kết”. Người dùng có thể xem chi tiết thông tin các dịch vụ liên kết với tài khoản MoMo như Apple, Google, Grab, XanhSM, Gojek…
Đồng thời, người dùng có thể đặt giới hạn mức chi tiêu hằng ngày (100.000 đồng hoặc 1 triệu đồng tùy dịch vụ) với từng dịch vụ liên kết, thậm chí tạm dừng hoặc hủy liên kết với các dịch vụ trên một cách dễ dàng trong màn hình chi tiết từng dịch vụ.
Kiểm soát từ ứng dụng ngân hàng
Không chỉ các ví điện tử hay trung gian thanh toán – vốn có liên kết thanh toán đến nhiều dịch vụ khác nhau – ngay cả các ứng dụng ngân hàng cũng có khả năng liên kết giao dịch tự động hoặc các nhà cung cấp dịch vụ thanh toán không tiền mặt.
Do đó, người dùng cũng cần chú ý và thường xuyên kiểm tra các kết nối này, để luôn đảm bảo và kiểm soát được các chi tiêu, giao dịch của mình, đồng thời hủy bỏ những liên kết không cần thiết hoặc lâu không sử dụng, đảm bảo an toàn tối đa cho nguồn tiền của mình.
Chẳng hạn, trong ứng dụng VCB Digibank của Vietcombank, người dùng có thể truy cập vào tính năng quản lý liên kết tài khoản trong mục “Tiện ích” trên giao diện ứng dụng. Trong đó, người dùng sẽ thấy danh sách những nhà cung cấp dịch vụ mà người dùng đã liên kết (MoMo, VinID Pay, Shopee Pay…) để thanh toán.
Trong từng liên kết đều có kèm theo thông tin cụ thể về tài khoản VCB đã liên kết với dịch vụ (nếu người dùng sử dụng nhiều hơn một tài khoản VCB), số điện thoại. Thậm chí người dùng có thể xem được thời điểm tài khoản và nhà cung cấp dịch vụ bắt đầu được liên kết với nhau, trong phần thông tin chi tiết.
Cũng trong phần này, người dùng có thể thực hiện các thao tác quan trọng như: hủy liên kết với dịch vụ thanh toán, thay đổi tài khoản ngân hàng liên kết và đặc biệt là thay đổi hạn mức giao dịch. Trong phần thiết lập hạn mức giao dịch, người dùng có thể chọn số tiền tối đa cho mỗi giao dịch và số tiền giao dịch tối đa trong một ngày.
Với ứng dụng Techcombank, tính năng quản lý liên kết thanh toán dễ dàng được thấy ngay trên giao diện chính của ứng dụng. Người dùng có thể tìm thấy tính năng này ngay trong trình điều khiển (dấu = ở góc trên bên trái ứng dụng). Khi truy cập vào, người dùng có thể nhìn thấy danh sách đối tác liên kết thanh toán nếu đã có thực hiện liên kết từ trước. Hoặc người dùng có thể thực hiện liên kết mới nếu muốn.
Theo ghi nhận của chúng tôi, hiện số lượng đối tác được Techcombank chấp nhận liên kết thanh toán còn khá hạn chế, chưa phong phú như nhiều ứng dụng khác.
Một tính năng khá bảo mật nữa của Techcombank là cho dù đã liên kết thanh toán với dịch vụ (chẳng hạn Petrolimex), thì khi có phát sinh giao dịch tại cửa hàng, yêu cầu thanh toán sẽ được gửi về ứng dụng, người dùng phải thực hiện xác nhận một chạm nữa thì giao dịch mới được thực hiện.
Tuy nhiên, ứng dụng này lại chưa cho người dùng thiết lập hạn mức giao dịch đối với từng dịch vụ thanh toán cụ thể. Người dùng chỉ có thể lựa chọn ngắt liên kết thanh toán với dịch vụ đó nếu không muốn…
Tương tự, với ứng dụng Viettel Money, người dùng cũng có thể quản lý các kết nối thanh toán tự động dễ dàng chỉ với vài thao tác. Cụ thể, trên màn hình chính giao diện ứng dụng Viettel Money, người dùng nhấn vào hình đại diện hay biểu tượng avatar của tài khoản mình (góc trên, bên trái màn hình).
Tiếp đó người dùng chọn mục quản lý thanh toán từ trình đơn xuất hiện và chọn tiếp quản lý liên kết để xem các kết nối thanh toán với các nhà cung cấp dịch vụ khác mà mình đã thực hiện. Hoặc chọn mục thanh toán tự động để kiểm soát các hóa đơn, dịch vụ (tiền điện, nước, di động, Internet, điện thoại cố định, truyền hình…) mà mình đã đăng ký thanh toán tự động định kỳ trước đó.
Một ví điện tử khác cũng được đông đảo người dân sử dụng là ZaloPay. Theo chia sẻ của đại diện ví này, để theo dõi và kiểm soát các liên kết thanh toán trên ZaloPay, người dùng chỉ cần mở ứng dụng, chọn “Tài khoản” ở góc phải bên dưới màn hình.
Tại phần “Quản lý tài chính”, người dùng có thể theo dõi thông tin các nguồn tiền đang sử dụng, tài khoản ngân hàng đã liên kết và cài đặt thanh toán cho các tính năng trên ZaloPay và liên kết đối tác khác.
Người dùng có thể dễ dàng chủ động trong việc thiết lập liên kết, hủy liên kết các tính năng, dịch vụ tùy vào nhu cầu cá nhân. Nhằm nâng cao bảo mật và an toàn cho mọi giao dịch trên nền tảng số, đại diện ZaloPay khuyến khích người dùng thường xuyên truy cập vào ứng dụng để kiểm tra tài khoản, theo dõi các dịch vụ liên kết và đối soát thông tin thanh toán tại phần “Lịch sử” trên ứng dụng để đảm bảo luôn kiểm soát tốt các giao dịch thanh toán.