Như Tuổi Trẻ Online thông tin, gần đây cư dân phản đối quyết liệt hơn đối với việc cho thuê căn hộ ngắn hạn, kinh doanh Airbnb trong chung cư. Tại nhiều chung cư đã chính thức cấm cho thuê căn hộ ngắn hạn khiến những người đã đầu tư căn hộ gặp khó, thậm chí phải ngưng kinh doanh.
Tranh luận xảy ra: cấm hay quản Airbnb?
Ủng hộ cấm Airbnb
Nhiều bạn đọc lên tiếng ủng hộ cấm việc cho thuê căn hộ ngắn hạn trong chung cư.
Độc giả Sao Băng bày tỏ: “Tôi ủng hộ việc cấm hoàn toàn kiểu kinh doanh này. Chung cư là nơi để sinh sống, là nơi nghỉ ngơi để tái tạo sức khỏe chứ không phải là nơi kinh doanh dịch vụ gây ồn ào, mất trật tự như vậy”.
Đồng tình, bạn đọc Khánh Hòa viết: “Chung cư là nơi ở của rất nhiều gia đình, có người già, trẻ nhỏ, rất cần sự yên tĩnh, vệ sinh và không gian thoáng đãng không khói thuốc, không ăn nhậu ồn ào…
Nhưng cho thuê Airbnb kiểu khách sạn mà không thể quản lý như khách sạn, để cho khách thuê ăn nhậu la hét, ca hát suốt đêm.
Khói thuốc thì lúc nào cũng nồng nặc ngoài hành lang, trong thang máy. Khách thuê còn vất những lon bia, hộp sữa, chai nước, giấy vệ sinh… xuống dưới đất. Cấm là phải!”.
Theo bạn đọc Ngoc Bich: “Giờ sinh hoạt của người thuê ngắn ngày bất thường không như cư dân. Có khi đêm họ tới check in hoặc đi chơi cả ngày mới về, kéo bàn kéo ghế, cửa dập ầm ầm, ăn uống nói chuyện đi lại ồn ào khiến cư dân tầng dưới, kế bên không thể ngủ nghỉ. Báo ban quản lý để nhắc nhở thì có khi ngày hôm sau họ đã trả phòng rồi”.
“Cư dân mua chung cư là mua không gian sống. Cho thuê ngắn ngày, thậm chí thuê giờ như hiện nay, chung cư tự biến thành nơi diễn ra các hành vi trái pháp luật và đạo đức.
Muốn kinh doanh thì làm khách sạn. Cả ban quản lý lẫn ban quản trị chung cư không thể gánh thêm việc như một công ty du lịch chuyên lưu trú” – bạn đọc Vi Văn Hưởng bức xúc.
Ngoài ra, tài khoản 0933******75 cho rằng: “Nhìn xa hơn, việc nhiều người cùng mua nhiều căn hộ để kinh doanh Airbnb còn đẩy giá bất động sản lên cao, nhiều người có nhu cầu ở thật càng khó tiếp cận nhà ở”.
Đánh thuế thật cao với bất động sản thứ hai trở lên và theo hằng năm. Ai muốn đầu cơ hay kinh doanh Airbnb thì cứ việc, phần thuế thu được sẽ phục vụ tạo nhà ở xã hội cho dân thu nhập thấp. Ai cũng chỉ cần một mái nhà để ở.
Bạn đọc Duc Nguyen
Cung cầu thị trường, không thể cấm được!
Ở góc độ khách thuê, bạn đọc Lam Quốc Trung chia sẻ: “Tôi thường ở nhà Airbnb vì có nhiều con nhỏ, có nhu cầu giặt đồ và có không gian sinh hoạt chung.
Tôi cũng ở chung cư nên rất ý thức về tiếng ồn và tôi tin là đa số người thuê Airbnb đều vậy vì nếu mình làm gì không đúng sẽ bị đánh giá xấu từ đó không ai cho mình thuê nhà nữa. Người cho thuê cũng lựa khách có đánh giá tốt vì mục đích bảo vệ tài sản của mình.
Theo tôi, mô hình kinh doanh Airbnb kích cầu du lịch nên được động viên và cần được quản lý. Nếu nội quy là phạt tiền khi gây tiếng ồn sau 10h đêm thì chủ nhà cũng sẽ áp dụng với người thuê, còn hàng xóm cư dân vẫn có người này người kia mà.
Về phần thuế thì tất nhiên là phải đóng. Chỉ cần bắt Airbnb yêu cầu chủ nhà có giấy đăng ký kinh doanh và thu hộ thuế thôi”.
“Coi chừng ngành du lịch mất khách vì Airbnb là xu thế của thời đại. Cấm Airbnb thì các khách sạn truyền thống có kịp thay đổi để thích nghi không?” – độc giả Lê Dung ý kiến.
Theo chị Tạ Thị Hằng: “Cung cầu thị trường làm sao mà cấm được? Phải có biện pháp quản lý phù hợp với khách thuê để không làm ảnh hưởng đến quy định chung của cư dân”.
Bạn đọc Hung chia sẻ: “Chẳng có cơ sở pháp lý để cấm cho thuê ngắn ngày. Chung cư là để ở, vậy người thuê ngắn ngày cũng để ở chứ có làm việc đâu. Tại sao cho thuê ngắn ngày là kinh doanh (bị cấm) mà cho thuê theo tháng lại không phải kinh doanh (không bị cấm)?
Chỉ yêu cầu đăng ký kinh doanh, nộp thuế, phí, tuân thủ các quy định về tiếng ồn, vật nuôi theo quy định của pháp luật là được”.