Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa Nguyễn Tấn Tuân vừa trả lời, theo các kết luận kiểm tra, thanh tra của các cơ quan trung ương, luật pháp về đất đai không có quy định “đất ở không hình thành đơn vị ở”. Vì vậy việc cấp phép cho các dự án có loại đất ở kiểu đó từ hàng chục năm trước đây là sai phạm và tỉnh phải xử lý, khắc phục.
Vấn đề là rất nhiều trẻ trong độ tuổi đến trường, sinh sống trong những căn hộ du lịch (condotel) của các dự án “đất ở không hình thành đơn vị ở” không có cơ sở hạ tầng xã hội thiết yếu, không có trường học và không được giải quyết thủ tục thường trú thì việc học hành như thế nào?
Khó chuyển dự án “đất ở không hình thành đơn vị ở” thành đất ở
Theo tổng hợp, báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Khánh Hòa, tỉnh Khánh Hòa đã cấp phép đầu tư, phê duyệt quy hoạch cho 36 dự án “đất ở không hình thành đơn vị ở”. Trong đó có 18 dự án tại khu du lịch bắc bán đảo Cam Ranh, còn lại tập trung ở TP Nha Trang.
Cho đến nay theo ông Nguyễn Tấn Tuân, về cơ bản tỉnh Khánh Hòa đã xử lý xong 15 dự án “đất ở không hình thành đơn vị ở”.
Đó là các dự án chỉ mới cấp phép, đang trong quá trình triển khai… nên đã được điều chỉnh chuyển trở lại thành đất thương mại, dịch vụ, không còn “đất ở không hình thành đơn vị ở”.
Đối với các dự án còn lại, theo Sở Xây dựng Khánh Hòa, một số chủ dự án có văn bản kiến nghị điều chỉnh “đất ở không hình thành đơn vị ở” thành đất ở đô thị hoặc đất ở nông thôn.
Lý do, theo các nhà đầu tư, là vì họ đã chuyển nhượng cho nhà đầu tư thứ cấp (tức các khách hàng đã mua căn hộ du lịch – condotel tại các dự án); việc chuyển đổi không còn đất ở sẽ dẫn đến khiếu nại, khiếu kiện, gây thiệt hại về tài chính cho các nhà đầu tư.
Do đó các nhà đầu tư dự án kiến nghị tỉnh cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở cho khách hàng đã mua căn hộ du lịch của các dự án trên.
Thực tế có nhiều dự án “đất ở không hình thành đơn vị ở” tại TP Nha Trang đã bán cho khách hàng mua căn hộ du lịch rồi vào ở từ nhiều năm qua như chung cư hay khu dân cư.
Trong đó có các dự án cao tầng, quy mô hơn 1.000 – 2.500 căn hộ như dự án Panorama, Mường Thanh Viễn Triều hay khu du lịch Hải Đảo… tại TP Nha Trang.
Các dự án có dân sinh sống như chung cư tại các căn hộ du lịch ở TP Nha Trang kể trên vì đã quy hoạch, cho xây dựng có quy mô ở tương đương cỡ cả làng, cả xã.
Nhưng do đã được cấp phép (trái pháp luật) là “không hình thành đơn vị ở”, nên hoàn toàn không có quy hoạch xây dựng hạ tầng xã hội thiết yếu như về nhà trẻ, trường học, y tế, nhà sinh hoạt cộng đồng, cây xanh, công viên…
Vì vậy theo ông Nguyễn Tấn Tuân, việc chuyển đổi các dự án sai phạm đó thành dự án đất ở bình thường, trong đó có dự án 40 tầng với khoảng 2.000 căn hộ, là rất khó khăn vì hạ tầng được xây dựng chỉ theo mức độ phục vụ các căn hộ du lịch.
Do vậy theo ông Tuân, phải chờ có nghị quyết thí điểm của Quốc hội theo chủ trương cho phép của Bộ Chính trị, thì khi đó tỉnh mới xem xét được việc cho chuyển đổi thành đất ở đối với các dự án có đất ở không hình thành đơn vị ở.
Không thể để trẻ em ở các dự án “không hình thành đơn vị ở” không được đi học
Thực tế rất nhiều hộ dân đang sống tại các căn hộ du lịch trong các khu nhà dự án “đất ở không hình thành đơn vị ở” tại TP Nha Trang đến nay vẫn chưa được giải quyết thủ tục thường trú, vì không đủ điều kiện về chỗ ở theo quy định pháp luật.
Do đó cư dân sinh sống trong các căn hộ du lịch của các dự án không nằm trong “tiêu chuẩn dân số” để quy hoạch xây dựng các cơ sở hạ tầng xã hội đô thị như nhà trẻ, trường học, trạm y tế, công viên, cây xanh…
Nhưng có nhiều trẻ em – là con em các gia đình đang sinh sống trong các dự án vừa nêu – cần phải được đến trường.
Ông Nguyễn Tấn Tuân cho hay dù không có chủ trương chính thức nhưng TP Nha Trang vẫn giải quyết cho trẻ em đang ở tại các dự án “không hình thành đơn vị ở” được theo học tại các trường trên địa bàn, “vì không thể để cho trẻ em bị thất học”.
Việc giải quyết cho trẻ em được đi học, theo ông Tuân, “cũng giống như các trường hợp người lao động tạm trú làm việc trên địa bàn cũng đều được giải quyết cho con em họ đi học vậy”.