Trẻ con công nhân khu công nghiệp thiếu thốn mọi mặt, cha mẹ phải gửi về quê

Đại diện Liên đoàn Lao động TP.HCM chia sẻ về đời sống của công nhân lao động tại các khu chế xuất, khu công nghiệp trên địa bàn TP.HCM – Ảnh: VŨ THỦY

Đây là một số kết quả theo khảo sát về đời sống con em công nhân khu công nghiệp. Kết quả này vừa nêu tại hội thảo lấy ý kiến dự thảo đề án “Hỗ trợ công nhân lao động tại các khu công nghiệp, khu chế xuất trong việc chăm sóc, nuôi dạy con” của Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam.

Thu nhập không đủ trang trải, con cái không được sống cùng cha mẹ

Khảo sát được Ban nữ công (Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam) thực hiện tại 5 tỉnh, thành có nhiều khu chế xuất, khu công nghiệp: Hải Phòng, Hà Nội, Thái Nguyên, TP.HCM và Long An làm cơ sở xây dựng đề án trên.

Theo đó, tỉ lệ người lao động được hỏi có thu nhập dưới 6 triệu đồng/tháng chiếm 15,1%, thu nhập từ 6-8 triệu đồng/tháng 38,5%, thu nhập từ 8-10 triệu đồng/tháng 26,9%, trên 10 triệu đồng/tháng chỉ là 9,5%.

31,1% công nhân khu công nghiệp được hỏi cho biết con cái họ phải sống cùng cha mẹ trong những phòng trọ dưới 15m2. Những phòng trọ kiểu này đa số chật hẹp, xập xệ, thiếu ánh sáng, thiếu khoảng không.

Điều kiện sống của công nhân nhiều khó khăn ảnh hưởng việc chăm sóc, nuôi dạy con cái. Chỉ 26% công nhân lao động được hỏi cho rằng nhà ở thoáng mát, có không gian cho trẻ chơi.

Cũng theo khảo sát năm 2024 do Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam thực hiện, 59% công nhân không có tivi, 59,2% không có máy giặt, 91% không có máy tính, 63,1% không có điều hòa. Chỉ 17,7% công nhân trả lời khu vực sống có sân chơi cho trẻ.

Tỉ lệ người lao động có tích lũy chỉ chiếm 3,2%, còn lại phải chi tiêu tằn tiện, tiết kiệm và không đủ trang trải cuộc sống lên đến 72,2%.

Trong mối quan hệ với con trẻ, người lao động di cư gặp rất nhiều khó khăn khi gửi con về quê, không có điều kiện gần gũi, chăm sóc và nuôi dạy, hạn chế về kiến thức, kỹ năng chăm sóc nuôi dạy con.

Cũng vậy, khi không có sự hỗ trợ đầy đủ của cha mẹ, trẻ khó có điều kiện tiếp cận với các dịch vụ xã hội, chăm sóc sức khỏe, vui chơi, giải trí.

Có tới 40% lao động nữ di cư có con ở lứa tuổi nhà trẻ, mẫu giáo và gần 30% lao động nữ có con ở các cấp học phổ thông phải gửi con về quê cho người thân nuôi dạy, chăm sóc (kết quả khảo sát năm 2023 tại 10 tỉnh, thành phố).

Trẻ là con công nhân khu công nghiệp thiếu thốn mọi mặt - Ảnh 2.

Đời sống công nhân, người lao động còn nhiều khó khăn – Ảnh: PHƯƠNG NHI

Thiếu cơ sở giữ trẻ, trường mầm non cho con công nhân

Bà Đỗ Hồng Vân – trưởng Ban nữ công (Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam) – cho biết tính đến cuối năm 2023, cả nước có 431 khu công nghiệp với khoảng 4,16 triệu người lao động, chủ yếu là công nhân trẻ nhập cư, mức sống thấp, thời gian tăng ca nhiều, đời sống nhiều bấp bênh.

Các gia đình công nhân nhập cư chủ yếu ở nhà trọ, thiếu nhà trẻ, lớp học gần nơi sinh sống và làm việc của cha mẹ khiến việc lựa chọn trường lớp cho con gặp nhiều khó khăn.

Nhiều công nhân gửi con vào cơ sở tư nhân không đảm bảo chất lượng, nhiều vụ bạo hành trẻ khiến nguy cơ trẻ bị xâm hại, bạo lực gia tăng.

“Đề án hỗ trợ công nhân chăm sóc, nuôi dạy con xuất phát từ nhu cầu cải thiện điều kiện chăm sóc, nuôi dạy con của công nhân, lao động cũng như vai trò, trách nhiệm của tổ chức công đoàn trong việc hỗ trợ người lao động chăm sóc, nuôi dạy con”, bà Vân nhận định.

Khó khăn về nơi giữ trẻ, trường mầm non, trường học cho con em công nhân rất được các đại biểu quan tâm. Bà Vân nói giáo dục mầm non ở khu công nghiệp có nhiều lao động đã được đưa vào diện ưu tiên phát triển như với giáo dục mầm non ở vùng sâu, vùng xa.

Tuy nhiên đây vẫn là vấn đề khó tháo gỡ vì liên quan quy hoạch quỹ đất xây dựng trường, lớp mầm non tại các khu chế xuất, khu công nghiệp.

Trẻ là con công nhân khu công nghiệp thiếu thốn mọi mặt - Ảnh 3.

Sinh viên tình nguyện làm gia sư áo xanh dạy miễn phí cho con công nhân tại các khu nhà trọ, khu lưu trú công nhân tại TP.HCM – Ảnh: C.T.

Như tại Đồng Nai hiện có 33 khu công nghiệp hoạt động với 60% người nhập cư nhưng chỉ có 6 trường mầm non công lập do các công ty tài trợ và chỉ có 4 doanh nghiệp tại khu công nghiệp có xây dựng nhà trẻ, mẫu giáo.

Tại TP.HCM, việc thiếu các cơ sở giáo dục mầm non tổ chức giữ trẻ ngoài giờ khi các doanh nghiệp tổ chức tăng ca, nhất là tại các doanh nghiệp trong các khu chế xuất, khu công nghiệp đã và tiếp tục là lo lắng của công nhân.

Các cơ sở công lập chỉ đáp ứng khoảng 15% nhu cầu, 85% còn lại phải dựa vào cơ sở tư thục. Chưa kể học phí ở cơ sở tư thục nếu đảm bảo chất lượng sẽ có mức cao, gấp 5-9 lần so với cơ sở công lập, gánh nặng lớn với lương công nhân hiện tại.

Bất cập khác còn là thời gian giữ trẻ khi công nhân tăng ca, làm thêm giờ đến 18-19h nhưng các cơ sở công lập chỉ nhận giữ trẻ đến 17h30 (thứ hai đến thứ sáu) và không nhận giữ dịp cuối tuần và nghỉ hè.

Source link

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *