“Kẹp hàng” là cách giới chứng khoán nói về tình cảnh lỡ mua cổ phiếu vùng giá cao và chịu thua lỗ nặng nề, thậm chí còn không thể bán được vì mất thanh khoản.
Trong vụ án thao túng thị trường chứng khoán và lừa đảo chiếm đoạt tài sản liên quan cựu chủ tịch Tập đoàn FLC Trịnh Văn Quyết cùng đồng phạm, số lượng nhà đầu tư “kẹp hàng” rất lớn.
Cơ quan chức năng xác định có hơn 30.000 nhà đầu tư mua cổ phiếu ROS của Faros với tư cách bị hại và hơn 63.000 nhà đầu tư đang nắm giữ cổ phiếu ROS được triệu tập với tư cách người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan.
Đặt cược vào cổ phiếu “họ” FLC
Ông L.N.N. (46 tuổi, ở Đà Nẵng) cho biết đã mua cổ phiếu ROS trong quãng thời gian từ 2017-2022. Hiện ông N. còn nắm hơn 667.000 cổ phiếu.
Thời điểm nhà đầu tư này đặt lệnh mua, ROS niêm yết sàn HoSE và vẫn nằm rổ VN30. Nghĩ rằng ROS nằm trong nhóm cổ phiếu có giá trị vốn hóa, thanh khoản cao, nên ông N. tin tưởng đặt mua tổng cộng hơn chục tỉ đồng.
Nhà đầu tư này không ngờ sau khi tích cóp tiền và đi vay mượn để mua ROS, đến nay cổ phiếu này bị hủy niêm yết, tiền “đọng lại” trong tài khoản chứng khoán. Hệ quả, ông và gia đình gặp nhiều khó khăn.
Nhìn vào con số nhà đầu tư được xác định là bị hại và có liên quan, rõ thấy những tình cảnh trớ trêu vì “kẹp hàng” như ông N. không hề ít.
Ông V.T.N. (TP.HCM), nhà đầu tư khác, cũng nắm giữ 200.000 cổ phiếu ROS sau khi mua vào từ năm 2022. Mấy năm trước, cổ phiếu ROS có những đợt tăng giá mạnh cùng với thanh khoản cao đột biến, nhiều phiên cả 1.000 tỉ đồng “sang tay”.
Đến tháng 7-2017, cổ phiếu này lọt vào rổ VN30 – nhóm 30 cổ phiếu uy tín nhất của HoSE. Cùng với mức tăng giá tạo hiệu ứng FOMO, số nhà đầu tư tham gia giao dịch ROS càng lớn.
Ngoài ROS, các cổ phiếu khác “họ” FLC như GAB, ART, FLC… cũng “chôn” lượng vốn nhà đầu tư khi hủy niêm yết, giao dịch đóng băng. Như GAB, ước tính có cả nghìn tỉ đồng giá trị cổ phiếu do các cổ đông nhỏ lẻ khác nắm giữ.
Khi ngưng giao dịch, nhiều mã chỉ ở vùng giá 1.000 – 3.000 đồng mỗi cổ phiếu, trong khi ở thời đỉnh cao, có thể lên tới vài chục nghìn đồng. Dù bán được, nhà đầu tư cũng sẽ “ôm sầu” vì lỗ.
Theo quy định hiện nay, dù cổ phiếu bị hủy niêm yết, các nhà đầu tư vẫn được tổ chức phát hành đảm bảo quyền lợi sở hữu đối với cổ phiếu. Tuy nhiên việc hủy niêm yết sẽ khiến cổ phiếu của họ không được giao dịch, mua bán, chuyển nhượng…
Đồng thời khi được phép giao dịch trở lại, có thanh khoản hay không và thị giá biến động ra sao sẽ là một vấn đề khác. Bởi lúc này còn liên quan tới kết quả kinh doanh hiện tại và triển vọng của doanh nghiệp trong tương lai.
Bài học lớn
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, ông Lê Hoài Ân, chuyên gia tài chính, nhà sáng lập Công ty cổ phần Giải pháp tài chính tích hợp, cho rằng cần nhìn nhận vụ này như bài học lớn cho cả nhà đầu tư, cơ quan quản lý…
Với nhà đầu tư, ông Ân cho rằng khi đầu tư vào bất kỳ cổ phiếu nào, nên tìm hiểu doanh nghiệp kinh doanh lĩnh vực gì, các dự án ra sao, khả năng tạo ra lợi nhuận… ngoài chuyện vốn lớn hay nhỏ.
“Ở các thị trường phát triển, việc thu hút nhà đầu tư sẽ vô cùng khó khăn với các doanh nghiệp kém minh bạch, hoạt động kinh doanh ì ạch, không tiềm năng”, ông Ân nói.
Cũng theo chuyên gia, lý thuyết cơ bản nhất với đầu tư, đó là lợi nhuận đi kèm với rủi ro. Việc kỳ vọng không phù hợp về mức sinh lời khi đầu tư sẽ có thể khiến nhà đầu tư dễ rơi vào bẫy gian lận và thao túng.
Việc cơ quan chức năng quyết tâm làm sạch thị trường chứng khoán là rất cần thiết cho giai đoạn phát triển tiếp theo, đặc biệt trong bối cảnh hướng tới việc nâng hạng, ông Ân nhấn mạnh.
Ông Trương Hiền Phương, giám đốc cấp cao Chứng khoán KIS Việt Nam, cũng cho biết thị trường Việt Nam phần lớn là nhà đầu tư cá nhân, do vậy vẫn còn xu hướng đầu tư theo tâm lý, dễ “cuốn” theo khi cổ phiếu tăng giá mạnh hay giảm mạnh.
Nhìn lại nhóm cổ phiếu “họ” FLC, có giai đoạn tăng nhanh hay giảm sốc, thanh khoản đều rất cao, chứng tỏ hút được dòng tiền lớn từ các nhà đầu tư. Thậm chí khi ông Quyết bị bắt, vẫn có những nhà đầu tư “bắt đáy” cổ phiếu trong đà giảm mạnh.
Vị chuyên gia cũng cho rằng cơ quan quản lý cần tăng cường giám sát chặt chẽ các giao dịch bất thường, kiểm tra các hành vi có dấu hiệu trục lợi, hướng tới thị trường phát triển bền vững, tạo niềm tin và bảo vệ nhà đầu tư…