Keo đến tuổi nhưng ngại khai thác
Ngày 17-9, có mặt tại thôn Bắc Xuân (xã Kỳ Tây, huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh), Tuổi Trẻ Online ghi nhận người dân ở đây đang khá bức xúc vì cho rằng hàng trăm héc ta keo của họ trồng nhiều năm nay đã đến kỳ khai thác, song do vướng nhiều vấn đề nên vẫn chưa thể thu hoạch. Thời điểm này lại thêm lo ngại mùa mưa bão đang đến gần, có nguy cơ thiệt hại lớn về kinh tế.
Ông Võ Văn Hợi (65 tuổi) cho biết khoảng năm 2002, gia đình ông được giao 3ha đất trong khu vực lòng hồ sông Rác và cho rằng việc giao đất được thực hiện từ nghị quyết của Hội đồng nhân dân xã Kỳ Tây thời bấy giờ.
Sau khi có đất, gia đình ông Hợi trồng keo để phủ đất trống đồi trọc và phát triển kinh tế, chính quyền xã có thu hoa lợi trên đất cho đến khoảng năm 2021 thì không thu nữa. Từ đó đến nay gia đình ông đã trồng và khai thác 4 lứa keo.
Lứa keo lần này gia đình ông trồng từ năm 2020, đến thời điểm hiện tại gần đến kỳ khai thác, tuy nhiên nếu như trước đây gia đình ông tự do khai thác thì lần này muốn khai thác ông phải có đơn gửi đến Ban Quản lý rừng phòng hộ Nam Hà Tĩnh và chính quyền địa phương.
Nội dung trong đơn này yêu cầu sau khi khai thác keo sẽ không dọn dẹp đốt thực bì để trồng lứa keo mới và tự nguyện trả lại diện tích đất đã khai thác keo cho Ban Quản lý rừng phòng hộ Nam Hà Tĩnh để tổ chức trồng lại rừng bằng loài cây bản địa (như lim, dổi). Ngoài ra, sau khi trả đất, người dân sẽ được xem xét, tạo điều kiện để được nhận khoán trồng, chăm sóc, quản lý bảo vệ rừng trên diện tích đã trả.
Ông Ngô Văn Phúc (51 tuổi) thì cho hay gia đình ông có 5ha đất rừng trồng keo được giao từ năm 2002, năm nay có 2ha đã đến kỳ thu hoạch nhưng khi tiến hành khai thác thì Ban Quản lý rừng phòng hộ Nam Hà Tĩnh cản trở, yêu cầu phải có đơn xin theo yêu cầu và sau khi cắt phải trồng cây bản địa nên gia đình chưa ký đơn.
“Họ bảo đất của chúng tôi nằm chồng chéo trên đất của rừng phòng hộ nên muốn thu hoạch phải có đơn xin phép nên chúng tôi không chấp nhận bởi chúng tôi không lấn chiếm mà đã khai hoang từ những năm 1990, đến năm 2002 còn được UBND xã cấp giấy giao đất trồng rừng” – ông Phúc cho hay.
Người dân cho biết nguyện vọng của họ là được khai thác keo, giữ đất và trồng lại lứa keo mới để phát triển kinh tế hộ gia đình.
Cơ quan chức năng nói gì?
Trong khi đó, ông Nguyễn Ngọc Lâm – trưởng Ban Quản lý rừng phòng hộ Nam Hà Tĩnh – lại nói diện tích trồng keo mà các hộ dân ở thôn Bắc Xuân (xã Kỳ Tây) đang phản ánh là đất rừng phòng hộ của ban này tiếp quản từ năm 2001 và được UBND tỉnh Hà Tĩnh giao quản lý (cấp bìa) từ năm 2006.
Ông Lâm cho rằng việc người dân nói họ khai hoang đất từ năm 1990 là không có cơ sở. Theo thống kê, có khoảng 100 hộ dân lấn chiếm đất của Ban Quản lý rừng phòng hộ Nam Hà Tĩnh trồng keo với diện tích khoảng 300ha.
Theo ông Lâm, theo quy định hiện hành, người dân muốn khai thác keo trong rừng phòng hộ phải được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Thời gian qua đơn vị này cũng thông báo đến với người dân nếu keo đã đến thời kỳ khai thác thì đăng ký để ban lập phương án trình Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phê duyệt.
“Trước khi khai thác người dân phải có đơn cam kết khai thác xong phải không được xử lý thực bì và trồng lứa keo mới mà Nhà nước sẽ đầu tư trồng rừng phòng hộ bằng cây bản địa. Người dân sẽ được tạo điều kiện thuê, khoán trồng rừng, chăm sóc rừng phòng hộ, được trồng một ít keo phụ trợ để khai thác, hưởng lợi (khoảng 20% diện tích)” – ông Lâm nói.
Trả lời câu hỏi vì sao diện tích đất trên thuộc về Ban Quản lý rừng phòng hộ Nam Hà Tĩnh quản lý, thế nhưng hàng chục năm qua người dân vẫn trồng keo, khai thác ổn định mà cơ quan chức năng không lên tiếng?
Ông Lâm cho biết thời điểm Ban Quản lý rừng phòng hộ Nam Hà Tĩnh tiếp nhận khu vực đất kể trên là đất trống đồi trọc, khi đó đơn vị Nhà nước chưa có vốn để đầu tư trồng rừng, người dân thấy đất bỏ trống nên đã vào trồng keo. Tại thời điểm đó với yêu cầu cần nhanh chóng phủ xanh đất trống đồi trọc cũng để người dân bỏ vốn làm.