Năm 2023, Trường đại học Công Thương TP.HCM mở mới ngành luật. Trước đó chưa lâu, trường đại học này đã tuyển sinh ngành luật kinh tế.
Xu hướng “xã hội hóa”
Ngược thời gian 10 năm trước, trường có 12 ngành tuyển sinh bậc đại học, đa số thuộc khối kỹ thuật – công nghệ, với khối tuyển sinh A, A1 và B. 10 năm sau, trường tuyển sinh 34 ngành, trong đó có rất nhiều ngành khối khoa học xã hội như nhóm ngành ngôn ngữ, luật, dịch vụ nhà hàng khách sạn…
Tổ hợp xét tuyển cũng được mở rộng sang các tổ hợp khoa học xã hội. Cơ cấu ngành nghề và môn xét tuyển của trường đã được “xã hội hóa” đáng kể.
Đây không phải là trường hiếm hoi mở rộng ngành nghề đào tạo theo hướng “lấn sân” khối ngành xã hội, kinh tế. Trong số này phải kể đến Trường đại học Sư phạm kỹ thuật TP.HCM. Đây là trường đại học thuần kỹ thuật – công nghệ. Tuy nhiên hàng loạt ngành kinh tế, xã hội được trường mở mới như kế toán, thương mại điện tử, kinh doanh quốc tế, quản trị nhà hàng và dịch vụ ăn uống.
Trong hai năm 2023 và 2024, trường này liên tiếp mở mới các ngành thuần xã hội là luật và tâm lý giáo dục. Cũng chính vì vậy mà tổ hợp văn – sử – địa lần đầu tiên xuất hiện trong môn xét tuyển của trường đại học này.
Ở nhiều trường đại học khác, tình hình cũng tương tự. Trường đại học Công nghiệp TP.HCM, ngoài khối ngành kỹ thuật – công nghệ và kinh tế chủ lực, cũng tuyển sinh các ngành luật quốc tế, luật kinh tế. Tổ hợp văn – sử – địa được sử dụng để xét tuyển.
Tương tự, Trường đại học Công nghiệp Hà Nội lấn sân đào tạo nhiều ngành khoa học xã hội như du lịch, quản trị du lịch lữ hành, nhóm ngành ngôn ngữ. Trường này đã thành lập 5 trường “con” với mục tiêu trở thành đại học, trong đó có trường chuyên khối ngành xã hội là Trường Ngoại ngữ – Du lịch.
Xu hướng “xã hội hóa” mạnh nhất phải kể đến Trường đại học Sư phạm kỹ thuật Vĩnh Long. Trường được thành lập năm 2013, tuyển sinh khóa đại học đầu tiên năm 2014 với 6 ngành công nghệ. Tuy nhiên, ngành xã hội học được tuyển sinh năm 2016 mở ra thời kỳ “xã hội hóa” của trường đại học này với liên tiếp các ngành khối kinh tế, xã hội được mở sau đó.
Đến năm 2024, trường tuyển sinh 27 ngành, trong đó có 4 ngành kinh tế, 5 ngành khoa học xã hội. Luật, giáo dục học, du lịch, công tác xã hội, quản trị nhà hàng và dịch vụ ăn uống xét tuyển tổ hợp văn – sử – địa.
Không chạy theo mọi giá
Năm 2017, lần đầu tiên bài thi khoa học xã hội được đưa vào thi tốt nghiệp. Thí sinh được chọn bài thi khoa học xã hội hoặc khoa học tự nhiên để dự thi bên cạnh 3 môn bắt buộc là toán, văn và ngoại ngữ. Cũng từ đó, số lượng thí sinh chọn bài thi khoa học xã hội liên tục tăng trong khoảng 7 năm qua.
Năm 2017 có 372.932 thí sinh chọn bài thi khoa học xã hội và 289.835 thí sinh chọn bài thi khoa học tự nhiên (con số chênh lệch khoảng 90.000). Đến năm 2023, số thí sinh chọn khoa học xã hội là 566.921 và khoa học tự nhiên là 323.187, con số chênh lệch đã lên gần 250.000 thí sinh.
Năm 2024 có gần 1,1 triệu thí sinh dự thi. Trong đó, số lượng thí sinh chọn bài thi khoa học xã hội chiếm 63%, tăng 7,7% so với năm trước.
Chuyên gia giáo dục Hoàng Ngọc Vinh cho rằng đây là một trong số nhiều nguyên nhân “xã hội hóa” ngành đào tạo ở các trường đại học. Theo ông Vinh, có nhiều ngành xã hội thu hút thí sinh, nguồn tuyển dồi dào trong khi các trường cũng chịu áp lực tài chính khi tự chủ. Do đó việc mở ngành xã hội không chỉ đáp ứng nhu cầu của người học mà còn có yếu tố thu hút thí sinh, tuyển sinh thuận lợi hơn khi nguồn tuyển dồi dào.
“Việc mở ngành cần căn cứ vào nhu cầu xã hội, điều kiện đảm bảo chất lượng và kinh nghiệm đào tạo của trường chứ không phải tự chủ là được thoải mái mở ngành chỉ vì có đông người học” – ông Vinh nói.
Ở khía cạnh đơn vị đào tạo, ông Phan Hồng Hải, hiệu trưởng Trường đại học Công nghiệp TP.HCM, cho hay có những ngành khối xã hội đang thu hút rất đông thí sinh như truyền thông đa phương tiện, quan hệ công chúng. Trường đủ khả năng mở các ngành này nhưng không mở.
“Mở ngành, đào tạo chất lượng và đem lại giá trị cho xã hội là mục tiêu quan trọng. Những ngành khối xã hội mà trường đã mở là những ngành nhu cầu xã hội lớn, trường có đủ tiềm lực để đào tạo chất lượng chứ không phải mở vì mục đích tăng số lượng tuyển, tăng nguồn thu cho trường” – ông Hải nói.
Tương tự, ông Nguyễn Xuân Hoàn, hiệu trưởng Trường đại học Công Thương TP.HCM, cho rằng ngoại ngữ hay luật tuy là ngành khối xã hội nhưng rất cần thiết cho sự phát triển của ngành công nghiệp và thương mại. “Những gì không liên quan đến công nghiệp và thương mại trường không mở. Đó là lý do trường không mở các ngành khối truyền thông, sức khỏe” – ông Hoàn khẳng định.
Trường thủy lợi mở… ngành luật
Trường đại học Thủy lợi lâu nay được biết đến như một trường đại học kỹ thuật nhưng những năm gần đây trường mở rộng ngành đào tạo sang lĩnh vực kinh tế, xã hội. Năm 2022 trường này mở ngành luật, lần đầu trường tuyển sinh tổ hợp văn – sử – địa. Đến năm 2024, ngành luật kinh tế tiếp tục được mở mới và tuyển sinh.
Cũng trong năm 2024, Trường đại học Y Hà Nội lần đầu tiên tuyển sinh một ngành ngoài khối sức khỏe là tâm lý học. Năm nay trường dự kiến mở thêm một ngành thuần xã hội khác là công tác xã hội.
Tiến tới đại học đa ngành
Ở chiều ngược lại, không ít trường đại học khối kinh tế, xã hội lại mở rộng lĩnh vực đào tạo sang khối ngành công nghệ, kinh tế. Năm nay, Trường đại học Luật TP.HCM dự kiến mở mới một số ngành lĩnh vực kinh tế gồm tài chính ngân hàng và kinh doanh quốc tế. Trường đại học Tài chính – Marketing mở ngành khoa học dữ liệu.
Nói về việc mở mới ngành lĩnh vực kinh tế, ông Lê Trường Sơn – hiệu trưởng Trường đại học Luật TP.HCM – cho biết trường đào tạo một số ngành ngoài ngành luật để thực hiện định hướng của trường trở thành trường đại học đa ngành, đa lĩnh vực.