Khi đàn bò sữa ở Lâm Đồng chết ồ ạt, ông Phùng Đức Tiến – thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn – đã cùng các chuyên gia vào tận chuồng trại để tìm hiểu nguyên nhân.
Giữa trại bò sữa nhiều con đang thoi thóp, ông Tiến yêu cầu xác định nguyên nhân để làm cơ sở đền bù, hỗ trợ thiệt hại sau này cho nông dân.
Khi thăm chuồng trại, ông Tiến và UBND tỉnh Lâm Đồng đều xác định đàn bò sữa chết, bệnh thoi thóp có liên quan vắc xin NAVET-LPVAC của Công ty cổ phần thuốc thú y Trung ương (Navetco).
Kết luận ban đầu của Cục Thú y không nằm ngoài nhận định trên: nguyên nhân chính gây bệnh tiêu chảy ở đàn bò sữa do nhiễm Pestivirus tauri (BVDV type 2) sau khi tiêm vắc xin NAVET-LPVAC của Navetco.
Kết luận ban đầu được báo cáo đến Phó thủ tướng Trần Lưu Quang sau khi căn cứ triệu chứng lâm sàng của bò bị bệnh, mổ khám kiểm tra bệnh tích, kết quả xét nghiệm và giải trình tự gene.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lâm Đồng thừa nhận một nội dung mà nguyên tắc quản trị rủi ro không cho phép: Loại vắc xin ngừa bệnh viêm da nổi cục nói trên lần đầu tiên tiêm cho đàn bò sữa tại tỉnh này và chưa tiêm khảo nghiệm trong phạm vi nhỏ trước khi tiêm đồng loạt (từ giữa tháng 7-2024).
Loại vắc xin nói trên được tỉnh Lâm Đồng mua cùng nhiều loại hóa chất để phòng chống dịch bệnh.
Tính đến ngày 18-8, tổng số bò sữa chết sau tiêm vắc xin đã lên đến gần 300 con và tổng số bò mắc bệnh tại Lâm Đồng khoảng 6.000 con.
Bà Lê Thị Ánh Hồng (huyện Đức Trọng) có 4 con bò đã chết, 22 con trong đàn bị suy yếu vì bệnh tiêu chảy sau khi tiêm vắc xin NAVET-LPVAC.
Bà Hồng nói trong đau buồn: “Bò đã chết thì coi như xong, thiệt hại dừng ở đó. Đàn bò đang bị bệnh khiến nông dân khổ sở. Mỗi ngày tiêu tốn thuốc men mỗi con hơn 200.000 đồng. Đã thất thu nguồn sữa lại còn phải chi đều đặn mấy tuần qua nhà tôi hết tiền”. Ông Võ Đình Việt (huyện Đơn Dương) phải chi 20 triệu đồng/ngày cho đàn bò sữa 76 con của mình.
“Tiền núi cũng hết, nuôi bò làm sinh kế mà giờ thành tử kế. Hết ngày hôm nay tôi đành buông xuôi, mặc ông trời định” – ông Việt bật khóc nhìn đàn bò chỉ sau hai tuần mắc bệnh đã trơ xương, nằm thoi thóp.
Bà Hồng uất ức: “Người sản xuất ra thuốc đó phải chịu trách nhiệm với người dân, phải bồi thường bò cho người dân chớ”.
Cho đến bây giờ, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lâm Đồng cho biết khi có kết luận chính thức sẽ yêu cầu công ty vắc xin đền bù thiệt hại cho nông dân. Đến nay đó vẫn chỉ là “sẽ” dù kết luận đã có.
Trong khi đó, giữa lúc người dân khổ sở vì sinh kế bị đổ vỡ và hằng ngày đàn bò sữa đắt tiền xiêu vẹo trong mớ dịch nhầy xuất huyết rồi chết thì Navetco vẫn im lặng. Mọi đòi hỏi về trách nhiệm với người nông dân nuôi bò sữa đều như viên sỏi ném vào thinh không.
Tại sao trong vắc xin ngừa bệnh viêm da nổi cục Pestivirus tauri (BVDV type 2) lại gây tiêu chảy? Tại sao chưa tiêm khảo nghiệm trên bò sữa mà lại tiêm trên diện rộng ở Lâm Đồng? Tất cả những câu hỏi này đến nay vẫn chưa có câu trả lời.
Dịch bệnh là câu chuyện khó lường có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Nếu không làm đến nơi đến chốn sự việc, trách nhiệm được truy đến cùng và đòi quyền lợi chính đáng cho nông dân, liệu trong tương lai còn ai tin tưởng đưa tài sản và sinh kế của mình cho cơ quan chức năng phòng chống dịch (tiêm vắc xin).
Nông dân chịu đau nhưng niềm tin sẽ vơi dần và hậu quả có lẽ sẽ lớn hơn những gì đang diễn ra ở vùng bò sữa Lâm Đồng.