Có ít nhất bảy cuộc thăm dò toàn quốc đã được thực hiện kể từ khi bà Kamala Harris khởi động chiến dịch tranh cử hôm 21-7, sau khi ông Joe Biden rời đường đua. Một số thăm dò được theo dõi chặt chẽ – gồm cả cuộc của báo Wall Street Journal hôm 26-7 – cho thấy về cơ bản bà Harris đã nhận được mức ủng hộ gần như ngang bằng với ông Trump.
Thu hẹp khoảng cách
Cuộc thăm dò với các cử tri tiềm năng trên toàn quốc của New York Times/Siena College hôm 25-7 cho thấy ông Trump có tỉ lệ ủng hộ 48%, cao hơn một chút so với mức 47% của bà Harris.
Đây cũng là sự cải thiện đáng kể của phe Dân chủ. Bởi lẽ ông Biden đã tụt lại phía sau ông Trump tới 6 điểm phần trăm trong cuộc thăm dò trước đó của New York Times/Siena College vào đầu tháng 7, sau màn tranh luận thất vọng.
Trong khi vị tổng thống 81 tuổi chỉ giành được ủng hộ từ 59% số cử tri da màu đã đăng ký trong cuộc thăm dò của New York Times một tháng trước, bà Harris hiện đạt 69%. Bà cũng đã giúp tăng tỉ lệ ủng hộ của cử tri gốc Tây Ban Nha từ 45% lên 57% và cử tri dưới 30 tuổi từ 46% lên 56%.
Cuộc thăm dò của Wall Street Journal hôm 26-7 cho thấy ông Trump nhận được tỉ lệ ủng hộ 49% so với mức 47% của bà Harris. Để so sánh, cuộc thăm dò cũng của tờ báo này vào đầu tháng 7 cho thấy ông Trump bỏ xa ông Biden với 48% so với 42%.
Một số thăm dò rải rác ở các bang dao động cũng cho thấy xu hướng tương tự. Các thăm dò của Emerson College ở bang Arizona, Georgia, Michigan, Pennsylvania và Wisconsin cho thấy bà Harris có được tỉ lệ ủng hộ cao hơn 3 đến 4 điểm phần trăm so với mức Biden đã nhận được gần đây.
Tuần đầu tiên trong chiến dịch tranh cử của bà Harris cũng khép lại với diễn biến quan trọng: cựu tổng thống Mỹ Barack Obama và vợ ông đã lên tiếng ủng hộ bà. Gần tám năm sau khi rời nhiệm sở, ông Obama – vị tổng thống da màu đầu tiên của Mỹ – và phu nhân Michelle vẫn nằm trong số những nhân vật được yêu thích nhất của Đảng Dân chủ.
Sự ủng hộ từ vợ chồng ông Obama có thể giúp thúc đẩy thêm những thuận lợi cho bà Harris, qua đó giúp tăng mức đóng góp của các nhà tài trợ cho chiến dịch tranh cử của bà.
Con đường gian nan
Các thăm dò nói trên giúp phác thảo nhanh bức tranh về cuộc đua tổng thống ở một trong những giai đoạn bất ổn và khó lường nhất của lịch sử hiện đại Mỹ. Sự hỗn loạn trong vài tuần qua đang khiến giới chuyên gia cảnh giác khi đưa ra bất cứ nhận định nào về khả năng tác động của bà Harris tới kết quả bầu cử tổng thống Mỹ.
“Không có tiền lệ lịch sử nào phù hợp với những gì đang xảy ra ngay lúc này. Chúng ta đang đi trong sự mù mờ” – nhà phân tích Kyle Kondik tại Trung tâm chính trị thuộc Đại học Virginia bình luận.
Quyết định của ông Biden khi dừng tranh cử và “trao ngọn đuốc” cho bà Harris vào thời điểm muộn như thế này là điều hầu như chưa từng có trong lịch sử chính trị hiện đại. Lần gần nhất một tổng thống Mỹ đương nhiệm quyết định từ bỏ việc tranh cử nhiệm kỳ thứ hai là ông Lyndon B. Johnson vào tháng 3-1968.
Tuy nhiên việc bà Harris (59 tuổi) tham gia cuộc đua vào Nhà Trắng chắc chắn đã làm tăng thêm năng lượng và sự phấn khích cho Đảng Dân chủ vốn bị ảnh hưởng bởi cuộc đấu đá nội bộ trong nhiều tuần qua về các vấn đề như tuổi tác của ông Biden, khả năng lãnh đạo thêm bốn năm nữa của ông và các kết quả thăm dò giảm mạnh. Chỉ riêng trong bốn ngày đầu tiên của chiến dịch tranh cử, bà Harris đã nhận được hơn 126 triệu USD tiền tài trợ.
Vào lúc này, dù bà Harris đang bám đuổi sít sao ông Trump trong các thăm dò nhưng để bà đắc cử, đó không phải là chuyện dễ.
Theo báo Financial Times, ngay cả những thành viên Đảng Dân chủ lạc quan nhất cũng thừa nhận bà Harris phải đối mặt với con đường cheo leo nếu bà muốn đánh bại ông Trump vào tháng 11, một phần vì bà đã nhận được tỉ lệ ủng hộ tương đối thấp trong thời gian dài. Thăm dò mới nhất của Real Clear Politics cho thấy chỉ 39% người Mỹ ủng hộ công việc bà đang làm với tư cách phó tổng thống.
Trong khi đó, ông Trump đã dẫn đầu trong nhiều tháng tại các cuộc thăm dò trên toàn quốc. Mức độ ủng hộ thậm chí còn nghiêng về ông nhiều hơn sau màn thể hiện thất vọng của ông Biden trong cuộc tranh luận trên truyền hình và sau vụ bị ám sát hụt.
Bà Kamala Harris còn nhiều thử thách phía trước
Bà Harris phải đối mặt với nhiều thử thách chính trị quan trọng sắp tới, bắt đầu bằng việc lựa chọn một “phó tướng” đồng hành. Giữa tháng 8, bà dự kiến chính thức nhận đề cử của đảng tại đại hội toàn quốc Đảng Dân chủ ở thành phố Chicago.
Đến tháng 9, bà có thể đối mặt với ông Trump trên sân khấu tranh luận, mặc dù hai bên vẫn còn đang bất đồng về thời gian, người điều phối và hình thức.
Giờ đây trong lúc tìm cách thuyết phục người dân Mỹ rằng bà đủ khả năng đảm nhận cương vị cao nhất, bà còn đối mặt với các đòn tấn công từ ông Trump. Ngày 26-7, ông Trump cáo buộc bà Harris “bài Do Thái”, miêu tả bà là người quá tự do về vấn đề nhập cư và phá thai…