Tuổi thơ thật buồn của nữ tân sinh viên Huế: Đang chữa trị chứng tâm thần cho mẹ thì mất cha

Tống Khánh Linh với đôi mắt “có lửa” – Ảnh: T.B.D.

Tống Khánh Linh – tân sinh viên ngành ngôn ngữ Anh, Trường đại học Ngoại ngữ Đà Nẵng – đã nhập học được 2 tuần. Tranh thủ thời gian rảnh Linh đi làm thêm kiếm chi phí học tập. Trước mắt Linh là 4 năm đầy gian khó.

Mẹ đột ngột mắc bệnh, cha qua đời trên đường đi

Tống Khánh Linh kể rằng trước đây gia đình mình sống ở căn nhà nhỏ trong mảnh vườn của ông bà ngoại ở huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế. Mẹ Linh ở nhà làm mấy sào lúa, cha hằng ngày chạy xe máy đi làm công nhân ở công ty dệt may.

Mọi biến cố bắt đầu xảy ra từ năm 2013. Mẹ Linh đang khỏe mạnh bình thường bỗng phát bệnh loạn thần. Năm đó Linh còn nhỏ. Cô gái xứ Huế kể rằng bình thường thì mẹ vẫn làm những công việc nhẹ, nhưng khi lên cơn thì mất hẳn tự chủ, cười nói vô tri. Dù nhiều lần đi viện nhưng bệnh vẫn không thuyên giảm.

Để chị em Linh an toàn trước những cơn cười nói, giận dỗi rủi ro của mẹ, hai chị em được đưa về nhà ông bà. Ngôi nhà cũ chỉ còn lại mình mẹ và cha Linh cùng nỗi nhọc nhằn.

Cuối năm 2013, khi bệnh của mẹ Linh chuyển biến nặng, lại không thể có người chăm sóc, cha Linh phải đưa vợ lên gửi ở Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Thừa Thiên Huế.

Linh và chị gái cứ ngỡ rằng dù không bên cạnh con nhưng mẹ vẫn là chỗ dựa tinh thần để hai chị em tiếp tục nuôi giấc mơ học hành, người cha là trụ cột vững chãi nuôi hai con. Nhưng tầm 21h đêm của năm 2014 trong cơn trở ngủ, khắc khoải đợi ba về, chị em Linh nhận được hung tin. Trên đường chạy xe máy từ xưởng dệt về, cha Linh bị một người say rượu tông, thi thể ông nằm dưới ruộng.

Nhắc đến khoảnh khắc đau buốt này, Tống Khánh Linh không còn kìm giữ những giọt nước mắt. Linh khóc. Cô bảo rằng khi đó hai chị em còn rất nhỏ, nhưng cũng đủ để cảm nhận nỗi mất mát đã tới bất ngờ, xót xa.

Ngôi nhà xưa đã vắng mẹ, cha cũng không còn nên lạnh lẽo. Từ đó, mái ấm từng che chở cho cả nhà chẳng còn có hơi ấm con người nữa. Cửa đóng khép, nhà được bỏ hoang tới nay.

Tiếp sức đến trường: Nhận tình thương của nhiều tấm lòng

Tuổi thơ thật buồn của nữ tân sinh viên Huế: Đang chữa trị chứng tâm thần cho mẹ thì mất cha - Ảnh 3.

Linh được cho ở để đi học tại nhà người quen trong TP Đà Nẵng – Ảnh: T.B.D.

Kể từ ngày cha Linh mất, Linh và chị được nuôi ở nhà nội. Bà Vân – người cô ruột sống cùng cha mẹ – nuôi hai cháu như con ruột. Để có tiền nuôi cháu, bà Vân cùng ông bà phải làm 6 sào ruộng, chạy vạy đủ thứ. Biết hai cháu gái thiệt thòi, ông bà lẫn cô Vân dành mọi sự yêu thương để bù đắp.

“Ông bà lớn tuổi rồi, lại không có lương hưu mà chỉ có khoản trợ cấp nhỏ. O (cô) mình chạy đôn đáo, tất tả ngược xuôi để lo cho mình và chị. Thỉnh thoảng o ôm hai chị em rồi đùa rằng “nếu không có hai đứa bây đèo bồng thì o cũng đi lấy chồng rồi chứ không ở đây. Chính hai cục nợ này làm o ế chồng”.

O gần như dành hết mọi phần thua thiệt, không bao giờ mua sắm gì cho mình mà có đồng nào dành dụm được cũng dành hết cho hai cháu” – Linh nghẹn ngào khi kể về cô ruột của mình.

Tống Khánh Linh nói rằng hằng ngày ở nhà hai chị em phụ ông bà làm việc nhà, nuôi gà vịt để lấy trứng ăn. Cuối tuần hai chị em được o ruột chạy xe máy chở lên thăm mẹ ở trại tâm thần một lần. Mỗi lần lên, mẹ vẫn nhận ra hai chị em và hỏi thăm tình hình nhà cửa. Có lúc mẹ bật khóc và hỏi tại sao cả nhà lại bắt mẹ phải lên chỗ xa lạ.

“Hai năm đầu vì sợ mẹ sốc mà phát bệnh nặng hơn nên không ai nói chuyện ba bị tai nạn qua đời. Mẹ hỏi thì chỉ nói rằng ba bận đi làm không lên được. Nhưng chuyện cũng không giấu được mẹ mãi. Khi cả nhà quyết định nói ra thì mẹ lại không tin nữa, mẹ bảo ba giận mẹ để đi theo người khác rồi. Tới giờ mẹ mình vẫn không tin chuyện ba mình đã mất” – Linh nói.

Học giỏi từ trong nghịch cảnh và những giọt nước mắt tuổi 18

Tuổi thơ thật buồn của nữ tân sinh viên Huế: Đang chữa trị chứng tâm thần cho mẹ thì mất cha - Ảnh 4.

Bà Vân – cô ruột Linh – tất tả một đời để thay anh chị nuôi hai cháu nên người – Ảnh: NHẬT LINH

Chúng tôi ghé nhà của Tống Khánh Linh ngay sau cơn bão số 4 vừa quét qua miền Trung. Bà Tống Thị Vân – cô ruột của Linh – lam lũ lội giữa nước bạc để chằng lại túp lều trồng nấm. Những đụn nấm cũng giúp bà gieo thêm hy vọng để tiếp tục nuôi hai cháu đến trường.

“Linh học giỏi lắm, năm nào cũng có giấy khen học sinh giỏi, lại là học sinh danh dự đại diện trường đi nhận bằng khen ở tỉnh. Nhưng nó học giỏi từng nào thì tôi lại càng lo từng ấy vì không đủ sức, đủ tiền lo cho nó ăn học bằng bạn bằng bè” – bà Vân rơm rớm nước mắt.

Bà Vân nghẹn ngào kể rằng từ nhỏ tới lúc vào đại học chưa năm nào cháu gái của bà sa sút học tập, dù có những giai đoạn khó khăn chồng chất. Không có cha mẹ bên cạnh nhưng Linh vẫn ít khi khóc, ít khi bộc lộ cảm xúc yếu đuối ra bên ngoài.

Đôi khi Linh lại là niềm vui, xua tan mệt mỏi, nặng gánh cho cả nhà. Suốt 12 năm đi học, Linh đều đạt học sinh giỏi. Kỳ thi vừa qua, Linh đăng ký vào Trường đại học Ngoại ngữ Đà Nẵng và đậu với số điểm cao chót vót.

Nhớ lại hôm Linh báo tin mình đậu đại học ở Đà Nẵng, đêm đó bà Vân đã chẳng thể nào chợp mắt. 6 sào ruộng chỉ trồng đủ gạo cho cả gia đình ăn quanh năm. Ruộng vừa gặt xong, bao nhiêu rơm rạ trên đồng đều được bà Vân tận dụng đem về để trồng nấm.

Làm quần quật như vậy mà mỗi vụ nấm rơm nếu trúng lắm cũng chỉ lời lãi khoảng 500.000 đồng. Tiền cơm gạo hằng ngày còn bữa đói bữa no thì lấy đâu lo cho cả Linh và Trâm (chị gái Linh) đi học đại học bây giờ?

“Bữa đó tôi suy nghĩ rất nhiều. Nhưng cũng đành đứt ruột lắm mới nói với Linh rằng hay cháu nghỉ học, làm thêm gì đó phụ o để cho chị gái học xong đại học rồi thi lại, đi học sau cũng chưa muộn. Nghe xong Linh òa khóc, tôi cũng khóc theo. Linh nói với tôi rằng nó sẽ không bỏ học. Nó chọn Đà Nẵng là vì nghĩ rằng thành phố năng động sẽ dễ tìm được việc làm thêm hơn” – bà Vân bưng mặt khóc vì thương cháu.

Ngày cháu gái lên đường nhập học, bà Vân kể đã lục rồi chắt chiu được đúng 1 triệu đồng. Khi Linh ôm ba lô lủi thủi bước ra khỏi đường làng, bà chạy theo dúi vô túi cháu rồi chạy về nhà ngồi khóc như đứa trẻ.

“Nó như con ruột của tôi vậy. Một tay nuôi nó lớn khôn nên tôi biết Linh mạnh mẽ lắm. Tôi khóc vì thấy mình bất lực quá, sợ không lo nổi gánh học cho cháu” – bà Vân nói.

Ngày lên xe, Linh chỉ cầm đúng 1 triệu đồng. Khoản học phí hơn 9 triệu đồng nhập học kỳ đầu được o vay mượn họ hàng Linh nhập vào tài khoản gửi cho nhà trường.

Linh có một người anh em họ, nhà ở chung cư dành cho quân đội tại TP Đà Nẵng nên cặp vợ chồng này đã mời Linh tới ở để đỡ tiền thuê trọ.

Nhớ mãi cô học trò “đôi mắt có lửa”

Thầy giáo Trần Công Tiến – chủ nhiệm lớp 12 của Linh tại Trường THPT Nguyễn Sinh Cung (Phú Vang, Thừa Thiên Huế) – nói rằng nhớ nhất đôi mắt sáng, thông minh và kiên định như có lửa của cô học trò nghèo. Theo thầy Tiến, ở trường Linh là một cô bé chăm ngoan, lễ phép và hiếu học. Dù hoàn cảnh khó khăn nhưng chưa bao giờ em coi đó là trở ngại trong việc học.

“Linh học giỏi có tiếng ở trường nên thầy cô giáo ai cũng thương. Vậy nên ở trường có học bổng gì thì đều ưu tiên em nhận trước tiên” – thầy Tiến nói.

Ông Nguyễn Đức Hát (trưởng thôn Lê Xá Đông, xã Phú Lương, huyện Phú Vang, Thừa Thiên Huế) nói rằng trường hợp của chị em Tống Khánh Linh rất đặc biệt. Dù mồ côi cha, mẹ bị bệnh và thuộc diện nghèo nhất thôn nhưng cả hai chị em Khánh Linh đều học rất giỏi.

“Ở thôn có học bổng hiếu học gì, hai chị em của Linh đều giành hết cả. Cả hai học giỏi, ngoan hiền và nghị lực lắm. Tôi nghe hai chị em nói là muốn học thật giỏi để sau này có công việc tốt, kiếm nhiều tiền để chữa bệnh cho mẹ” – ông Hát nói.

Mời bạn đồng hành cùng Tiếp sức đến trường

Chương trình Tiếp sức đến trường 2024 của báo Tuổi Trẻ khởi động ngày 8-8, dự kiến trao 1.100 suất học bổng với tổng kinh phí hơn 20 tỉ đồng (15 triệu đồng cho tân sinh viên khó khăn, 20 suất học bổng đặc biệt trị giá 50 triệu đồng/suất trong suốt 4 năm học và thiết bị học tập, quà tặng…).

Với phương châm “Không để bất kỳ bạn trẻ nào vì nghèo khó mà không thể đến với giảng đường”, “Tân sinh viên gặp khó, có Tuổi Trẻ” – như một lời cam kết sẵn sàng hỗ trợ tân sinh viên trong hành trình 20 năm qua của Tuổi Trẻ.

Chương trình được sự đóng góp, ủng hộ của Quỹ “Đồng hành nhà nông” – Công ty CP phân bón Bình Điền, Quỹ khuyến học Vinacam – Công ty cổ phần Tập đoàn Vinacam và các câu lạc bộ “Nghĩa tình Quảng Trị”, “Nghĩa tình Phú Yên”; các câu lạc bộ “Tiếp sức đến trường” Thừa Thiên Huế, Quảng Nam – Đà Nẵng, Tiền Giang – Bến Tre, Quảng Ngãi và Hội Doanh nhân Tiền Giang – Bến Tre tại TP.HCM, Hội tương trợ và hợp tác Đức – Việt (VSW), Công ty Nam Long, Công ty TNHH Nestlé Việt Nam… cùng các doanh nghiệp, nhà hảo tâm và đông đảo bạn đọc báo Tuổi Trẻ.

Doanh nghiệp, bạn đọc có thể ủng hộ học bổng cho tân sinh viên vui lòng chuyển vào tài khoản báo Tuổi Trẻ:

113000006100 Ngân hàng Công thương (VietinBank), chi nhánh 3 TP.HCM.

Nội dung: Ủng hộ “Tiếp sức đến trường” cho tân sinh viên hoặc ghi cụ thể tỉnh/thành mà bạn đọc muốn hỗ trợ.

Bạn đọc, quý doanh nghiệp ở nước ngoài có thể chuyển khoản về báo Tuổi Trẻ:

Tài khoản USD 007.137.0195.845 Ngân hàng Ngoại thương TP.HCM;

Tài khoản EUR 007.114.0373.054 Ngân hàng Ngoại thương TP.HCM

với Swift code BFTVVNVX007.

Nội dung: Ủng hộ “Tiếp sức đến trường” cho tân sinh viên hoặc ghi cụ thể tỉnh/thành mà bạn đọc muốn hỗ trợ.

Ngoài tài trợ kinh phí học bổng, bạn đọc có thể ủng hộ thiết bị học tập, chỗ ở, việc làm… cho tân sinh viên.

Bà nội nuôi heo quanh năm chăm đứa cháu bị bỏ rơi vào cao đẳng - Ảnh 4.

Đồ họa: TUẤN ANH

Source link

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *