Giả mạo cuộc gọi shipper, mời cho vay nhưng thực chất là chiếm đoạt tài khoản iCloud để tống tiền, nâng hạn mức thẻ tín dụng qua website, cả app hẹn hò cũng… lừa đảo nốt.
Phải nói là thiên la địa võng các loại lừa đảo giăng ra và đã có không ít bạn trẻ sập bẫy.
Mời nâng hạn mức thẻ tín dụng
Việc ngại đi lại và hay mua hàng online, muốn đầu tư kiếm lời, tìm công việc online kiếm thêm thu nhập… đang trở thành miếng mồi ngon được những lừa đảo trực tuyến đảo lợi dụng triệt để.
Chị Ngọc Trâm (28 tuổi) kể sau khi mua trả góp bằng thẻ tín dụng món đồ khoảng 50 triệu đồng không bao lâu liền nhận được cuộc gọi của người tự xưng nhân viên ngân hàng liên hệ để nâng hạn mức thẻ tín dụng cho chị.
Đầu dây bên kia nói chị đủ điều kiện nâng hạn mức thẻ và hỏi có nhu cầu nâng lên 120 triệu không? Trùng hợp ở chỗ tháng đó chị đã chi tiêu nhiều khoản lớn, lại đang thanh toán trả góp nên đã dùng hết hạn mức hiện có. Nghĩ đến lỡ có việc gấp cần dùng số tiền lớn nên chị đồng ý nâng luôn.
Người này yêu cầu chị đến ngân hàng làm thủ tục để được xét nâng hạn mức. “Tôi nói đang bận chưa đi được, người này gợi ý làm thủ tục qua website ngân hàng bởi hôm sau là ngày cuối tuần. Cũng ít đến ngân hàng và ngại đi lại nên tôi đồng ý làm trực tuyến” – chị Trâm nhớ.
Lập tức một người khác gọi đến mời kết bạn Zalo để gửi đường link đăng ký. Thoạt nhìn qua, thấy không có gì khác thường, vào xem thấy Zalo người này cũng đăng nhiều hình ảnh cùng đồng nghiệp với đồng phục ngân hàng chị đang dùng. Đường link https://tcb-canhan.com với giao diện khá giống website ngân hàng.
Khi bấm vào được yêu cầu nhập họ tên, ngày tháng năm sinh. Nhưng đến đoạn yêu cầu chụp ảnh hai mặt thẻ tín dụng, chị Trâm thoáng nghĩ có khi nào bị lừa!
Gọi ngay đến ngân hàng, nhân viên tổng đài trả lời việc nâng hạn mức là tự động, khách đủ điều kiện không cần làm gì.
“Nhân viên lưu ý tôi tuyệt đối không được gửi ảnh hai mặt thẻ tín dụng cho bất kỳ ai. May mà nhớ ra kịp chứ suýt nữa là dính bẫy rồi” – chị Trâm nói.
Chỉ một cú click chuột, iPhone thành “cục gạch”
Rộ lên gần đây và cũng đã được cảnh báo nhiều là việc chiếm quyền kiểm soát điện thoại bằng cách chiếm tài khoản iCloud.
Chỉ cần một giây hớ hênh, điện thoại cá nhân của mình đã bị vô hiệu hóa mà nếu muốn lấy lại quyền sử dụng buộc nạn nhân phải chuyển tiền chuộc.
Chị Thu Hoài (27 tuổi) làm kế toán cho biết mình vốn cẩn thận, cũng đọc nhiều sách báo và khá tự tin rằng khó ai có thể lừa mình.
Nhưng một lần đưa điện thoại iPhone đang dùng cho con coi YouTube đã đột nhiên bị khóa. “Tôi đăng nhập vào iCloud bằng máy tính thì không còn đăng nhập được nữa.
Mật khẩu và cả số điện thoại đều bị đổi, không rõ con đã click vào link gì” – chị Hoài kể.
Sau đó có một người nhắn tin trên Facebook, yêu cầu chị chuyển khoản 4 triệu đồng sẽ trả lại tài khoản iCloud. Vì thấy không có gì chắc chắn, chị không đồng ý và đang tính tìm dịch vụ bẻ khóa iPhone bên ngoài.
Trong khi đó, Dũng – anh bạn 21 tuổi tại TP.HCM – vừa bị lừa khi lướt một bài đăng TikTok hướng dẫn cho vay tiền mua tài khoản game bằng cách thế chấp iCloud.
Họ cho vay bằng cách gửi tài khoản, mật khẩu của họ cho Dũng đăng nhập vào iCloud chiếc iPhone đang xài. 15 ngày sau nếu Dũng trả lại khoản vay kèm lãi sẽ được trả lại iCloud.
“Nhưng ngay khi đăng nhập xong theo hướng dẫn, điện thoại của tôi liền bị vô hiệu hóa. Không những không chuyển tiền vay, họ còn nhắn tin qua Messenger đòi tôi chuyển khoản 4 triệu đồng mới đưa lại iCloud cho tôi đăng nhập vào máy” – Dũng buồn rầu.
Lo cha mẹ ở quê bị lừa
Suýt bị lừa chuyển khoản mua hàng nên chị Nguyễn Thị Mai Cúc (27 tuổi) đã gọi điện cho mẹ ở quê để dặn dò. Vì cha mẹ cũng có tài khoản Facebook, thẻ ngân hàng, rồi cũng hay nhận hàng do chị đặt online cho ông bà nên cũng sợ bị lừa.
“Mình đọc tin tức nhiều, hiểu chút ít về công nghệ mà còn khó né thì người lớn càng dễ bị dính bẫy hơn. Thế nên tôi dặn cha mẹ nếu có ai gọi điện, nhắn tin yêu cầu làm gì mà cha mẹ không biết họ là ai thì phải gọi liền cho tôi trước đã” – chị Cúc chia sẻ.
Đến giao hàng cũng có thể lừa!
Chị N.T.D. (26 tuổi, quận Tân Bình, TP.HCM) kể một người tự xưng làm shipper của Giao hàng tiết kiệm gọi giao hàng ngay lúc 10h sáng và nói chị xuống nhận hàng vì tới rồi.
Do đang bận họp, cũng ngại lên xuống nên chị muốn chuyển khoản rồi shipper cứ gửi hàng ở cổng bảo vệ.
Cũng vì hay đặt và nhiều đơn hàng quá nên chị D. cũng không biết shipper giao gì. Mà đơn chỉ có 150.000 đồng nên chị chuyển luôn. “
Liền sau đó, người giao hàng gọi lại nói sơ suất nên đã gửi nhầm số tài khoản hội viên dành riêng cho nhân viên giao hàng. Vì tôi gửi tiền vào đó nên tính năng thu phí tự động đã kích hoạt giờ phải hủy đăng ký, nếu không mỗi tháng sẽ bị trừ 3,5 triệu đồng, tính ra một năm đến 42 triệu đồng” – chị D. kể.
Chiêu lừa bắt đầu từ chỗ này. Chị D. sau đó nhận được một đường link với yêu cầu gửi các thông tin cá nhân qua đây để tổng đài tắt tính năng và hoàn lại 150.000 đồng vừa chuyển ban nãy.
Nghe nhắc đến link, chị D. khựng lại, tỉnh ngang, nhớ ngay chiêu bài lừa đảo này. “May mà chưa bấm vào link nhưng thấy bực mình vì trước giờ chưa từng để bị lừa ngon ơ như thế, coi như mất 150.000 đồng” – chị D. nói.