7 ngày qua, hàng ngàn người dân ở huyện Chương Mỹ (Hà Nội) phải sống chung với nước lũ khi mưa lớn khiến nước sông Bùi dâng cao, tràn qua đê nhấn chìm nhà cửa, tài sản và đường sá.
Ghi nhận của Tuổi Trẻ Online trong ngày 31-7, nước lũ đã rút nhẹ so với thời điểm ngập sâu nhất, tuy nhiên nhiều tuyến đường liên thôn, xã… vẫn đang chìm trong nước, nhiều nơi nước vẫn ngập tới mái nhà.
Ngập úng kéo dài đã ảnh hướng tiêu cực tới sức khỏe, cuộc sống, sinh hoạt của hàng ngàn người dân thủ đô.
Nhiều nhà dân vẫn bị nước lũ ngập gần lút mái nhà, cửa ra vào – Ảnh: PHẠM TUẤN
Nước ngập lút mái nhà, cả gia đình phải ở trong căn nhà phao tạm 15m²
Từ ngày 25-7, nước lũ từ thượng nguồn đổ về đã nhấn chìm căn nhà của chị Thảo (38 tuổi, thôn Nhân Lý, xã Nam Phương Tiến, huyện Chương Mỹ), khiến gia đình chị phải chuyển qua ở tạm tại một căn nhà phao tạm rộng vỏn vẹn 15m². Căn nhà phao tạm được đặt cạnh ngay căn nhà chính đang bị ngập để chị tiện theo dõi, trông coi nhà cửa.
Căn nhà phao rộng 15m² là nơi ở cho 9 người, trong đó có 2 người già, 1 người bác bị bệnh về tâm lý, 4 trẻ con và 2 vợ chồng chị Thảo. Điều kiện sinh hoạt không đảm bảo, thường xuyên tiếp xúc với nước lũ nên những người con của chị Thảo đều bị nổi mẩn ngứa, ốm, quấy khóc.
“Các con ốm, nổi mẩn ngứa, còn hai ông bà ở trên nhà tạm được mấy ngày cũng bị ốm và đang đi điều trị ở Bệnh viện đa khoa huyện Chương Mỹ.
Nhà đông người, ở trên diện tích hẹp nên sinh hoạt vô cùng khó khăn, nước nôi bẩn thủi nên ngứa ngáy hết cả người” – chị chia sẻ.
Vừa dứt lời, chị Thảo quay lại bế đứa con nhỏ đang khóc lớn vì người nổi mẩn, tiến về phía chiếc bếp đặt ở lối lên xuống của căn nhà tạm, ngay cạnh dòng nước lũ để tiếp tục nấu ăn.
Dùng xẻng đều đặn rang thịt, chị Thảo nói tiếp: “Chỉ mong nước lũ rút nhanh để chúng tôi còn ổn định lại cuộc sống, chứ như thế này mọi thứ đảo lộn hết, vất vả lắm”.
Nơi ở tạm chật chội, điều kiện sinh hoạt khó khăn khiến những đứa con của chị Thảo nổi mẩn ngứa, ốm, quấy khóc – Ảnh: PHẠM TUẤN
Nhà ngập sâu, gia đình ông Nguyễn Huy Tắc (60 tuổi, xã Nam Phương Tiến, Chương Mỹ) phải sơ tán tới ở nhà của một người quen trong xã, trưa 31-7, ông Tắc bơi thuyền trở về nhà để cho chó, gà ăn. Vì nước ngập sâu, nên ông Tắc đã kê cao chuồng cho chó, gà.
“Nhà tôi bị ngập sâu gần 2 mét nên giờ phải đi ngủ nhờ, đi ăn nhờ chỗ người quen. Nay về nhà cho chó, gà ăn, nhà đã ngập 7 ngày rồi nhưng chưa rút nước, tình hình này không biết bao giờ mới trở lại được như những ngày bình thường” – ông Tắc nói.
Người dân di chuyển bằng thuyền trong những ngày nước lũ ngập sâu – Ảnh: PHẠM TUẤN
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online chiều 31-7, ông Nguyễn Anh Đức – Chủ tịch UBND huyện Chương Mỹ – cho biết so với thời điểm ngày 29-7, đến nay nước lũ đã rút xuống 30cm, tuy nhiên còn rất nhiều thôn, xóm vẫn đang ngập sâu.
“Đến này, công tác đảm bảo sinh hoạt, đời sống của người dân bị ảnh hưởng bởi mưa lũ đang được chúng tôi thực hiện càng ngày càng tốt hơn so với thời điểm ban đầu” – ông Đức nói.
Ông Nguyễn Xuân Ðại – Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội – cho biết thời gian tới TP sẽ tập trung khơi thông dòng chảy sông Bùi, sông Ðáy từ Hà Nội đến Hà Nam nhằm nâng cao khả năng tiêu thoát dòng nước nhanh nhất cho vùng rốn lũ Chương Mỹ, Quốc Oai.
Trước đó, chiều 29-7, Bí thư Thành ủy Hà Nội Bùi Thị Minh Hoài đi thị sát tình hình ngập lụt tại huyện Chương Mỹ (Hà Nội). Qua kiếm tra, bà Hoài dự đoán ngập lụt có thể kéo dài, vì vậy bà yêu cầu phải tính tới an sinh xã hội, hỗ trợ chỗ ăn ở cho người dân bị ảnh hưởng.
“Theo tôi, tình hình này chưa chắc nửa tháng nữa nước đã rút được. Khi nước rút phải đảm bảo cuộc sống người dân, quan tâm tới vệ sinh môi trường và đặc biệt là dịch bệnh. Phải đảm bảo cho người dân những điều kiện sinh hoạt tối thiểu” – bà Hoài chỉ đạo.
Trước đó, trong trận mưa lớn ngày 23 và 24-7 đã khiến nước tràn qua bờ đê sông Bùi tràn vào khu vực nhà dân gây ngập sâu khiến nhiều người dân ở huyện Chương Mỹ phải di dời tài sản để “chạy lũ”.
Tuy nhiên 7 ngày trôi qua, nhiều nơi tại huyện Chương Mỹ vẫn đang bị ngập sâu, nước lũ rút chậm dù trời không mưa lớn.