Theo các nhà nghiên cứu tại Đại học California, San Francisco (UCSF), lốp xe và rác phân hủy thải ra các hạt vi nhựa vào không khí, góp phần gây ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng đến sức khỏe.
Hạt vi nhựa gây ung thư, viêm phổi
Các hạt vi nhựa được cho là có liên quan đến những vấn đề sức khỏe nghiêm trọng như vô sinh ở nam và nữ, ung thư đại tràng và suy giảm chức năng phổi. Ngoài ra, các hạt này có thể gây viêm phổi mãn tính, làm tăng nguy cơ ung thư phổi.
“Những vi nhựa này thực chất là ô nhiễm không khí dạng hạt, và chúng ta biết rằng loại ô nhiễm này gây hại”, tiến sĩ Tracey J. Woodruff, giáo sư sản khoa, phụ khoa và khoa học sinh sản tại UCSF, cho biết.
Woodruff là giám đốc Chương trình Sức khỏe sinh sản & Môi trường (PRHE) và là tác giả chính của nghiên cứu được công bố gần đây trên tạp chí Environmental Science & Technology.
Hạt vi nhựa hiện diện khắp nơi trong môi trường. Mỗi năm các công ty trên toàn thế giới sản xuất gần 460 triệu tấn nhựa. Con số này dự kiến sẽ tăng lên 1,1 tỉ vào năm 2050.
Hạt nhỏ, mối nguy lớn
Một nguồn nhựa chính trong không khí đến từ việc lái xe. Sự ma sát làm mòn lốp xe và mặt đường, thải ra các mảnh nhựa vào không khí.
Bài báo này là đánh giá có hệ thống đầu tiên về vi nhựa, sử dụng các phương pháp tiêu chuẩn được Viện hàn lâm Khoa học quốc gia Mỹ chấp thuận. Hầu hết các nghiên cứu trong đánh giá được thực hiện trên động vật.
Tuy nhiên các nhà nghiên cứu cho rằng các kết luận có thể áp dụng cho con người do sự tương đồng trong các yếu tố tiếp xúc.
“Chúng tôi kêu gọi các cơ quan quản lý và các nhà lãnh đạo xem xét bằng chứng ngày càng tăng về tác hại sức khỏe từ vi nhựa, bao gồm cả ung thư đại tràng và phổi”, tiến sĩ Nicholas Chartres cho biết.
Chartres là tác giả đầu tiên của nghiên cứu, từng dẫn dắt nhóm khoa học và chính sách tại PRHE và hiện đang làm việc tại Đại học Sydney.
“Chúng tôi hy vọng các nhà lãnh đạo bang sẽ hành động ngay lập tức để ngăn ngừa các phơi nhiễm tiếp theo”.