Theo thông tin từ Liên minh Sáng tạo và giải trí (ACE) toàn cầu, trong tháng 4-2024, TAND TP Hà Nội đã tuyên án hình sự với Lê Hải Nam, người điều hành dịch vụ truyền hình số trả phí (IPTV) BestBuy IPTV, về hành vi vi phạm bản quyền trực tuyến.
Chiếu lậu khét tiếng thế giới
Cụ thể, dịch vụ này đã cung cấp trái phép các chương trình thể thao, truyền hình và phim cho người tiêu dùng tại Việt Nam và trên toàn thế giới.
Lê Hải Nam, người điều hành dịch vụ trái phép này tại Hà Nội, đã nhận tội và bị tuyên án 30 tháng tù treo, đồng thời phải nộp phạt tương đương 100 triệu đồng (tương đương với 4.000 USD). Tổng cộng hơn 615 triệu đồng (tương đương 24.000 USD) lợi nhuận bất hợp pháp đã bị tịch thu. Nam cũng đã phải nộp 300 triệu đồng (12.000 USD) tiền bồi thường.
Theo tìm hiểu của Tuổi Trẻ, BestBuy IPTV là cái tên thường xuyên nằm trong danh sách “các thị trường hàng giả, hàng nhái khét tiếng” của Văn phòng đại diện Thương mại Mỹ (USTR) suốt 5 năm qua.
Trong báo cáo năm 2023 của USTR, BestBuy IPTV đã phát hơn 10.000 kênh truyền hình không được ủy quyền từ 38 quốc gia, đồng thời cung cấp dịch vụ bán lại và phát lại với hơn 900.000 người dùng, 12.000 người bán lại và 2.000 người phát lại trên toàn thế giới.
Nhận xét về vụ việc, giám đốc pháp lý Giải ngoại hạng Anh Kevin Plumb cho rằng: “Chiến thắng pháp lý này là thành quả của sự hợp tác mạnh mẽ giữa các cơ quan chức năng Việt Nam, tổ chức thi hành pháp luật tại địa phương, ACE và Giải ngoại hạng Anh”.
Mong vi phạm bản quyền bớt tràn lan
Ngoài BestBuy IPTV, báo cáo của USTR còn đưa ra nhiều cái tên khác được cho là đang vận hành từ Việt Nam. Chẳng hạn hệ thống quản lý nội dung vi phạm bản quyền có tên 2embed cung cấp một thư viện lớn các nội dung lậu được lấy qua việc thu thập dữ liệu từ nhiều trang web và công cụ tìm kiếm vi phạm bản quyền.
Hay trang web Aniwatch chuyên cung cấp các phiên bản lậu của phim điện ảnh và chương trình truyền hình nổi tiếng, đặc biệt là anime… Báo cáo cho biết cả hai trang web đều đã bị các chủ sở hữu bản quyền và hiệp hội chống vi phạm bản quyền tại Việt Nam cưỡng chế đóng cửa vào tháng 7-2023, nhưng hiện đã hoạt động trở lại.
Trong khi đó, theo ghi nhận của Tuổi Trẻ, hai cái tên vi phạm bản quyền đình đám nhiều năm nay là xoilac và phimmoi vẫn đang hoạt động rất sôi nổi, hoàn toàn công khai.
Trong đó, phimmoi từng được cơ quan chức năng nhiều lần nhắc đến trong các quyết định xử phạt, cưỡng chế hoạt động, thậm chí cả quyết định khởi tố vụ án hình sự… Nhưng hiện hệ thống này vẫn ngang nhiên hoạt động dưới nhiều tên miền khác nhau như phimmoii…, phimmoia…
Tương tự, hệ thống xoilac – chuyên phát sóng trực tiếp các trận đấu thể thao trên toàn cầu, đặc biệt là bóng đá – vẫn đang hoạt động vô cùng sôi nổi dưới nhiều tên miền khác nhau, thậm chí có cả ứng dụng cài đặt trên điện thoại, tivi thông minh.
Xoilac cũng đã nhiều lần được cơ quan chức năng nhắc tên. Thậm chí tại một hội thảo về phát thanh truyền hình cuối năm 2023, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thanh Lâm đã đưa ra nhận định: “Kênh xoilac không đơn giản là các cháu hiếu kỳ phát livestream lên mạng lấy số cho vui mà gắn với tội phạm có tổ chức”.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, lãnh đạo một doanh nghiệp cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền qua mạng Internet (đề nghị không nêu tên) tỏ ra bất lực: “Tình trạng vi phạm bản quyền các giải đấu bóng đá, các bộ phim thậm chí là độc quyền tại Việt Nam đang diễn ra ngày càng ngang nhiên và thách thức”.
Ông cũng đề nghị cần tiếp tục làm quyết liệt để “cứu” doanh nghiệp.
Với thực tế vi phạm bản quyền ở Việt Nam vẫn tràn lan, bà Karyn Temple, tổng cố vấn pháp lý toàn cầu của Hiệp hội Điện ảnh Mỹ (MPA), cũng chia sẻ: “Rất mong đợi các hành động quyết liệt tương tự từ các cơ quan thi hành pháp luật Việt Nam”.
Nhà mạng cần tham gia
Theo tìm hiểu của Tuổi Trẻ, hiện đã có một số công ty tại Việt Nam phát triển các hệ thống có ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) giúp phát hiện và thực thi các biện pháp ngăn chặn, xử lý các địa chỉ vi phạm bản quyền cũng như các nội dung xấu, độc.
Một số công cụ còn được giới thiệu có thể thực hiện các biện pháp kỹ thuật như xác định và ngăn chặn hành vi sử dụng mạng riêng ảo (VPN) để giả lập vị trí địa lý nhằm truy cập nội dung bản quyền xuyên biên giới.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia và doanh nghiệp đều cho rằng cần có sự chung tay của nhiều bên. Trong đó, chủ lực là cơ quan chức năng để tiếp nhận, xác định và xử lý mạnh tay với các hành vi vi phạm.
Các nhà mạng cũng phải tích cực và mạnh tay giảm thiểu băng thông truy cập vào các nội dung vi phạm. Đặc biệt, các thương hiệu, nhãn hàng cũng không thể quảng cáo trên các kênh, nền tảng xấu, độc.
Tạo tiền lệ cho hành động trong tương lai
“Bị cáo đã vi phạm các quy định pháp luật về bảo vệ bản quyền và quyền lợi của các thành viên thuộc Hiệp hội Điện ảnh Mỹ (Motion Picture Association) và Giải bóng đá ngoại hạng Anh. Bản án 30 tháng tù treo này sẽ là bài học răn đe cho những người khác”, ACE dẫn lời thẩm phán TAND TP Hà Nội.
Bản án hình sự được xem là một cột mốc quan trọng trong cuộc chiến chống lại tình trạng vi phạm bản quyền trực tuyến tại Việt Nam và tạo tiền lệ cho các hành động pháp lý trong tương lai.