Chủ đất không chấp hành bàn giao và cho rằng đây là yêu cầu không công bằng khi chính quyền làm sai nhưng người dân gánh hậu quả.
“Chính quyền làm sai, sao bắt dân chịu?”
Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Kon Plông đã ban hành thông báo yêu cầu tháo dỡ, thu hồi 39 lô biệt thự huyện đã cấp cho người dân tại thị trấn Măng Đen. Việc này nhằm khắc phục hậu quả theo kết luận thanh tra về quản lý, sử dụng đất đai tại huyện này.
Sau khi nhận thông báo yêu cầu tự giác tháo dỡ biệt thự và bàn giao đất đã cấp trái pháp luật, đến nay chủ các biệt thự tại Măng Đen vẫn chưa có động thái tháo dỡ và nói yêu cầu này là không công bằng.
Được biết, trong giai đoạn 2007, chính quyền huyện này đã ra chủ trương thu hút đầu tư phát triển du lịch và giới thiệu đất cho 190 hộ gia đình, cá nhân xây biệt thự mà không thông qua đấu giá, không có quyết định giao đất. Trong số hàng trăm lô biệt thự được giới thiệu, nhiều lô người dân đã xây dựng hoàn thiện và đưa vào sử dụng hoặc xây dựng dở dang.
Ông S., nhà đầu tư, cho hay khoảng năm 2017 có nhận chuyển nhượng một lô biệt thự hơn 1.000m2 tại thị trấn Măng Đen. Khi căn biệt thự đang được xây dựng 80% thì bị thông báo tạm dừng, không cho tiếp tục hoàn thiện.
Ông S. nói đã bỏ ra nhiều tỉ đồng để nhận chuyển nhượng và đầu tư xây dựng trên khu đất. Đến nay chính quyền thông báo yêu cầu tháo dỡ, thu hồi là rất bất công, gây thiệt hại nặng nề cho người dân.
Theo ông S., trong vụ này việc giao đất sai là do các cơ quan chức năng huyện Kon Plông, người dân được nhận đất và xây dựng không phải bên sai phạm. Do đó, việc yêu cầu thu hồi đất của dân là không hợp lý!
Những hộ này mong muốn Nhà nước cho phép hoàn thiện công trình và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Để cân đối lợi ích Nhà nước – người dân, có thể xem xét việc định lại giá đất để người dân nộp bổ sung tiền sử dụng đất.
“Hiện Măng Đen đang thiếu dịch vụ lưu trú cho khách du lịch trong những dịp cao điểm. Nếu cho phép các biệt thự hoàn thiện đưa vào hoạt động sẽ đáp ứng được nhu cầu phát triển du lịch địa phương, tạo nguồn thu nộp cho ngân sách thay vì phá hủy” – ông S. nói.
Trước đó năm 2008, sau khi Nhà nước thông báo giới thiệu vị trí đất, chủ đất cũ đã nộp thuế đất và được UBND huyện Kon Plông cấp giấy phép xây dựng nhà ở biệt thự với quy mô ba tầng. Theo tìm hiểu, giá thị trường căn biệt thự thời điểm hiện tại lên tới gần 20 tỉ đồng.
Ông K.T. (một nhà đầu tư)
Vi phạm nhiều quy định Luật Đất đai
Một trường hợp khác là ông K.T. có hai lô biệt thự đang xây dựng dở dang và đình trệ vì yêu cầu của chính quyền. Ông K.T. cho biết cả hai lô biệt thự đều được mua qua người thứ ba để đầu tư.
Việc mua bán thực hiện bằng giấy tay, công chứng chuyển quyền thông báo xây biệt thự. Trước khi xây dựng, ông đã gửi thông báo thiết kế xây dựng lên cơ quan chức năng huyện và được chỉ mốc giới xây dựng.
Là nhà đầu tư, ông K.T. nói đã tìm hiểu rất kỹ pháp lý các lô đất trước khi xuống tiền. Nhiều trường hợp tương tự sau khi xây dựng đã được cấp sổ đỏ nên ông rất yên tâm đầu tư. Đến nay, hàng chục tỉ đồng đổ vào đây có nguy cơ mất trắng vì sự thay đổi quyết định của chính quyền.
Theo kết luận thanh tra của Thanh tra Sở Tài nguyên và Môi trường, việc UBND huyện xây dựng phương án xúc tiến, ưu đãi đầu tư nhà biệt thự để thu hút nguồn lực vào đầu tư nhà ở trong giai đoạn huyện mới thành lập là chủ trương đúng, góp phần thay đổi bộ mặt đô thị.
Nhưng quá trình thực hiện chưa nghiên cứu kỹ pháp luật nên để xảy ra nhiều sai phạm, vi phạm Luật Đất đai. Cụ thể là Quy chế quản lý xây dựng nhà biệt thự trên địa bàn huyện Kon Plông được HĐND huyện thông qua năm 2007. Quy chế này quy định chia lô biệt thự có diện tích 1.000 – 1.500m2/lô, quy định sau khi xây dựng chính quyền mới ban hành quyết định giao đất.
Từ cơ sở này, Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện đã ban hành thông báo giới thiệu đất xây biệt thự cho 190 trường hợp với tổng diện tích gần 196.000m2. Đồng thời đã đề nghị người nhận đất lập thủ tục nộp thuế khi chưa có quyết định giao đất là trái pháp luật, không có giá trị pháp lý.
Nhiều trường hợp nhận đất quá thời hạn vẫn chưa xây dựng nhưng không thu hồi, để người nhận đất lợi dụng mua bán, chuyển nhượng đất.
Việc huyện thu tiền sử dụng đất và lệ phí trước bạ khi chưa ban hành quyết định giao đất cũng là sai luật. Một số trường hợp phóng viên tiếp xúc cho thấy người dân đã đóng thuế đất, có giấy phép xây dựng biệt thự dù chưa được giao đất!
Sẽ phân loại từng trường hợp để xử lý
Trao đổi với Tuổi Trẻ, một lãnh đạo UBND huyện Kon Plông cho hay đang triển khai các giải pháp khắc phục theo kết luận thanh tra. Nhưng đây là câu chuyện dài, do nhiều thời kỳ trước để lại nên cần có thời gian. Huyện sẽ rà soát, lập hồ sơ từng trường hợp cụ thể để xem xét.
Trong khi đó, ông Lê Thành Diễn – trưởng Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Kon Plông – thông tin trong 190 lô biệt thự đã giới thiệu cho dân thì 151 lô đã hoàn thiện thủ tục đất đai, có sổ đỏ. 39 lô thuộc diện thu hồi chỉ mới có thông báo giới thiệu địa điểm, chưa thực hiện thủ tục giao đất và cấp sổ.
Trong số này có 26 lô đã xây dựng công trình, do đó phòng đang liên hệ làm việc trực tiếp với chủ đất để đề xuất hướng tháo gỡ và tham mưu UBND huyện. Ông Diễn nói sẽ cố gắng giải quyết vừa đảm bảo quy định pháp luật vừa hài hòa lợi ích người dân.