TS Lê Phúc Liên, trưởng đơn vị niệu nữ, Trung tâm tiết niệu thận học nam khoa, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM, cho biết bình quân mỗi tháng có khoảng 10-15 phụ nữ đến khám do són tiểu (hay tiểu không tự chủ), chủ yếu từ 50-70 tuổi, có những trường hợp són tiểu lâu năm, đã điều trị bằng nhiều cách nhưng không cải thiện.
Trong đó, có đến 85-90% trường hợp được điều trị bằng phẫu thuật.
Phụ nữ bị són tiểu thường tự ti, ngại ngùng
Theo bác sĩ Liên, phụ nữ dễ bị són tiểu hơn đàn ông do quá trình mang thai và sinh con, trọng lượng và kích thước thai nhi cũng như sự tăng cân nhanh của bản thân người mẹ tạo áp lực lớn lên bàng quang, cơ sàn chậu trong thời gian dài, khiến nhóm cơ này suy yếu, gây són tiểu trong thai kỳ.
Sau sinh, nhiều bà mẹ chưa được hướng dẫn tập luyện để phục hồi cơ sàn chậu nên tình trạng són tiểu không cải thiện, thậm chí nghiêm trọng hơn.
Bên cạnh đó, quá trình lão hóa do tuổi tác và thời kỳ mãn kinh làm suy giảm nội tiết tố nữ estrogen trong cơ thể người phụ nữ cũng là nguyên nhân gây suy yếu nhóm cơ bàng quang, cơ thắt niệu đạo, cơ sàn chậu, làm giảm khả năng giữ nước tiểu của bàng quang, gây són tiểu.
Ngoài ra, nhiễm trùng đường tiết niệu (thường gặp ở nữ giới hơn nam giới), phẫu thuật cắt hoặc xạ trị tử cung do ung thư, biến chứng bệnh tiểu đường, một số tổn thương hệ thần kinh… cũng có thể khiến phụ nữ gặp tình trạng này.
Bác sĩ Liên cho biết són tiểu tuy không ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe nhưng tác động tiêu cực đến tinh thần, chất lượng cuộc sống của người phụ nữ.
Nhiều chị em tự ti, ngại ngùng nên ít chia sẻ với người thân, ngại đến bệnh viện gặp bác sĩ. Một số phụ nữ cho rằng đây là bệnh phải mắc khi có tuổi, không chữa trị được, nên âm thầm chịu đựng.
Ước tính són tiểu ảnh hưởng khoảng 50% phụ nữ trưởng thành trên thế giới nhưng chỉ có 25 – 37,3% phụ nữ chịu ảnh hưởng chủ động tìm kiếm cách điều trị, trong đó chưa đến một nửa được điều trị.
“Són tiểu có thể điều trị được bằng những phương pháp khác nhau như tập bàng quang, tập sàn chậu với máy, dùng thuốc, tiêm botox cơ bàng quang, đặt vòng nâng niệu đạo, kích thích dây thần kinh chày, laser âm đạo, phẫu thuật đặt vật liệu nâng bàng quang và niệu đạo. Tùy nguyên nhân gây són tiểu, bác sĩ sẽ đưa ra liệu trình điều trị phù hợp”, bác sĩ Liên nhấn mạnh.
Phòng ngừa són tiểu
Theo bác sĩ Nguyễn Viết Hiếu – Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, nhiều người có thể đã từng trải qua tình trạng són một ít nước tiểu. Tuy nhiên, lượng nước tiểu bị són có thể từ ít đến rất nhiều và diễn biến càng tăng về tần suất xuất hiện.
Tiểu són được phân thành 5 loại chính, mỗi loại lại có những biểu hiện khác nhau:
– Tiểu són khi tăng áp lực trong bụng: Xảy ra khi áp lực trong vùng bụng dưới tăng lên đột ngột, ví dụ như khi ho, cười to đột ngột, khuân vác nặng hay tập thể thao.
– Són tiểu gấp: Triệu chứng rõ nhất là người bệnh có những cơn buồn tiểu rất gấp gáp, thôi thúc phải đi tiểu ngay lập tức, nhưng chưa kịp tới nhà vệ sinh đã són vài giọt nước tiểu gây ướt quần.
– Tiểu són khi bàng quang căng đầy: Tiểu són khi đầy bàng quang biểu hiện qua việc người bệnh lúc nào cũng nhỏ giọt nước tiểu (có thể kèm theo cảm giác muốn đi tiểu hoặc không).
– Tiểu són do mất phản xạ: Xảy ra khi cơ bàng quang co bóp và nước tiểu bị rò rỉ (thường với lượng nước tiểu lớn) mà không có bất kỳ cảnh báo hoặc thôi thúc nào về sự buồn tiểu.
– Són tiểu hỗn hợp: Là kết hợp các loại tiểu són kể trên, nhưng hay gặp là tiểu són khi tăng áp lực trong bụng đồng thời cũng bị tiểu gấp. Nguyên nhân gây tiểu són hỗn hợp chủ yếu do hội chứng bàng quang tăng hoạt (OAB).
Bác sĩ Hiếu cho biết thêm, tiểu tiện không tự chủ không phải lúc nào cũng phòng ngừa được, tuy nhiên có một số phương pháp giúp cải thiện hoặc ngăn ngừa tình trạng són tiểu:
Tăng cường tập thể dục thể thao, tránh các đồ ăn dầu mỡ, đồ ăn nhanh, đồ uống có gas, thực phẩm chứa caffeine, thực phẩm có tính axit, rượu bia và giữ mức cân nặng hợp lý.
Tập các bài tập yoga hoặc các bài tập tăng trương lực cơ đáy chậu (kegel).
Ăn nhiều rau, trái cây có thể ngăn ngừa táo bón.
Không hút thuốc, hoặc ngừng sử dụng thuốc lá.