Bộ Công Thương cũng đã dự thảo tờ trình Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập hội đồng và nhận ý kiến góp ý các bộ ngành, địa phương, hiệp hội và doanh nghiệp.
Ghi nhận của Tuổi Trẻ cho thấy các ý kiến mong muốn sẽ thành lập Hội đồng lúa gạo quốc gia, cùng với đó là các giải pháp khắc phục được tình trạng thiếu liên kết nhằm xây dựng thương hiệu gạo Việt Nam uy tín và có giá trị cao trên thị trường.
Còn nhiều vấn đề cần điều chỉnh
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên nhận định ngành sản xuất lúa gạo của chúng ta vẫn thiếu một chiến lược hay nói khác là một chính sách phát triển ổn định, vững chắc vì chúng ta còn tính tự phát ở địa phương, người sản xuất, trong cả từng doanh nghiệp kinh doanh xuất khẩu.
Hơn nữa đầu tư của Nhà nước cho sản xuất lúa gạo và đầu tư ngoài nhà nước cho quá trình xuất khẩu, kinh doanh xuất khẩu gạo chưa xứng tầm, nhất là đầu tư vào khâu giống, khoa học công nghệ, quy trình sản xuất, chế biến…
Một điểm nữa đó là nhiều doanh nghiệp xuất khẩu còn thiếu tính chuyên nghiệp, cạnh tranh thì không lành mạnh hoặc không nỗ lực nắm giữ, phát triển thị trường để củng cố thương hiệu. Nếu có Hội đồng lúa gạo quốc gia thì chúng ta sẽ dùng cơ chế, quy chế của hội đồng để có thể xem xét, xử lý.
“Chúng ta vẫn nói xuất khẩu gạo được lớn, bội thu nhưng thu nhập của người nông dân vẫn thấp thì điều đó chứng tỏ rằng đã đến lúc chúng ta phải suy nghĩ và lập ra Hội đồng lúa gạo quốc gia để tư vấn cho Chính phủ, cho các cấp thẩm quyền có được những cơ chế, chính sách đủ mạnh và khả thi. Có như vậy mới giúp hạt gạo Việt Nam có thương hiệu và có giá trị ngày càng lớn trên thị trường thế giới”, ông Diên chia sẻ về ý tưởng thành lập hội đồng.
Cần có ngay cơ sở dữ liệu
Trao đổi với Tuổi Trẻ, TS Nguyễn Văn Hội, viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách công thương, cho rằng lúa gạo là mặt hàng có đặc thù so với nhiều ngành hàng khác và trong ý tưởng thành lập hội, hai bộ đã nêu ra đầy đủ các lý do cần.
Tuy nhiên theo ông Hội, để hội đồng hoạt động được hiệu quả, phải quy định rõ về quy chế, tổ chức hoạt động, phân công rõ trách nhiệm và quyền hạn của các bên tham gia hội đồng. Trong đó, cần trao quyền một cách tối đa cho hội đồng và các thành viên, trên cơ sở đúng quy định pháp luật và các cam kết quốc tế.
Các thành viên hội đồng sẽ được vận dụng một cách tối ưu các quy định pháp luật để được “tự quyết” trong một số trường hợp, đặc biệt khi có tình huống cấp bách, phát sinh. Đồng thời, quy chế hoạt động cần phát huy hiệu quả nhất sự phối hợp, chủ động của các thành viên tham gia, nhằm tăng tính thống nhất trong chỉ đạo và sự liên kết trong hoạt động.
Về các ưu tiên triển khai ngay sau khi thành lập hội đồng, ông Hội cho hay để có thể điều hành hoạt động sản xuất, kinh doanh lúa gạo thống nhất, hội đồng cần xây dựng cơ sở dữ liệu chung của ngành.
Cơ sở dữ liệu này phải được tổng hợp từ các bộ ngành, địa phương từ khâu sản xuất, chế biến, phân phối và kinh doanh (tiêu dùng nội địa và xuất khẩu).
Cùng với đó là các thông tin dữ liệu của các nước sản xuất, xuất khẩu lúa gạo, các đối thủ cạnh tranh, dữ liệu về thông tin thị trường lúa gạo thế giới để làm cơ sở điều hành thị trường được sát thực tế, hiệu quả hơn.
Về dài hạn, cần phải đánh giá lại chiến lược phát triển ngành lúa gạo Việt Nam, hướng tới xây dựng chiến lược lúa gạo theo chuỗi, sản xuất bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm phát thải và tập trung vào sản xuất sản phẩm chất lượng cao, chú trọng xây dựng thương hiệu.
Lập tổ thường trực theo từng chuyên ngành
Nguyên thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Quốc Doanh nhận định việc thành lập Hội đồng lúa gạo quốc gia là hoàn toàn đúng trong lúc này, không chỉ để giải quyết vấn đề trước mắt mà còn giải quyết vấn đề dài hơn.
“Việc có Hội đồng lúa gạo quốc gia sẽ giúp chúng ta phân tích, đánh giá, xử lý thông tin và đưa ra quyết định thống nhất, tập trung. Còn nếu không chúng ta phải lấy ý kiến các bộ ngành, địa phương, hiệp hội… mất rất nhiều thủ tục mà có thể không đưa ra được ý kiến thống nhất”, ông Doanh nói.
Cũng theo ông Doanh, việc thành lập hội đồng không phải là vấn đề mới, các nước đã có ví dụ như Thái Lan có hội đồng lúa gạo quốc gia, Indonesia có hội đồng về cọ dầu, Brazil có hội đồng về cà phê… Các hội đồng quốc gia này hoạt động rất hiệu quả.
Về mặt tổ chức, vận hành, ông Doanh cho rằng nhóm thường trực hội đồng sẽ là nhóm quan trọng nhất. Đây là nhóm tiếp nhận thông tin từ doanh nghiệp, nông dân để đề xuất xử lý. Do vậy, nhóm thường trực hội đồng cần chia thành các tổ theo các chuyên ngành, ví dụ tổ chuyên về sản xuất, tổ về xuất khẩu, tổ về thị trường…
Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) Nguyễn Ngọc Nam góp ý cần quan tâm hơn đến mảng nhập khẩu lúa gạo vì những năm qua chúng ta nhập khẩu lúa gạo tương đối khá (nhập về chủ yếu phục vụ chế biến).
Việc nhập khẩu gạo về phục vụ chế biến trong nước, còn gạo sản xuất trong nước để xuất khẩu thì mang lại hiệu quả rất lớn, nhưng về lâu dài nếu thành lập Hội đồng lúa gạo quốc gia cần có nghiên cứu, tính toán quản lý vấn đề nhập khẩu gạo.
Cần học kinh nghiệm của Thái Lan, Nhật Bản
GS Võ Tòng Xuân cho hay ông rất mừng khi có đề xuất thành lập Hội đồng lúa gạo quốc gia. “Tôi mong muốn hai bộ cần nghiên cứu cách làm của Thái Lan trong thời gian qua để xây dựng chiến lược, cơ chế, chính sách minh bạch, hiệu quả, đảm bảo ổn định và phát triển thị trường cho ngành lúa gạo Việt Nam sắp tới”, ông Xuân nói.
Theo đó, ở Thái Lan, Hội đồng chính sách và quản lý lúa gạo và một số hiệp hội, tổ chức chính tham gia lĩnh vực này. Trong đó, Hiệp hội xuất khẩu gạo Thái Lan đóng vai trò quan trọng trong việc quản lý và thúc đẩy xuất khẩu gạo, hỗ trợ các nhà xuất khẩu và đại diện cho lợi ích của họ trên cả thị trường trong nước và quốc tế. Hiệp hội xay xát gạo Thái Lan thì tập trung vào lợi ích của các nhà xay xát gạo ở Thái Lan, giải quyết các vấn đề liên quan đến sản xuất, chế biến và phân phối gạo trong nước.
Hiệp hội nông dân trồng lúa Thái Lan thì cung cấp nền tảng để giải quyết các mối quan tâm của nông dân và thúc đẩy các hoạt động nông nghiệp bền vững, đảm bảo phúc lợi và sự phát triển của nông dân. Hiệp hội doanh nghiệp gạo Thái Lan thì làm việc để ổn định giá gạo và đảm bảo chuỗi cung ứng ổn định từ sản xuất đến bán lẻ.
Ngoài ra, Thái Lan cũng có rất nhiều hợp tác xã địa phương và tổ chức nông dân đóng vai trò quan trọng trong chuỗi cung ứng gạo, giúp giảm chi phí giao dịch và sự không chắc chắn của thị trường cho nông dân, hợp tác với các hiệp hội quốc gia để nâng cao hiệu quả chung và tính bền vững của ngành gạo ở Thái Lan.
Tại Nhật Bản, với việc là quốc gia có truyền thống sử dụng gạo rất nhiều nên họ rất nghiêm túc trong việc nâng cao giá trị hạt gạo, trước hết là xây dựng thương hiệu gạo nhờ coi trọng chất lượng hơn số lượng. So với sản phẩm từ nhiều nước khác, gạo Nhật thường có mức giá cao hơn cả ở thị trường trong và ngoài nước và có độ nhận diện thương hiệu lớn.
Thương hiệu gạo Nhật Bản cũng hưởng lợi không nhỏ từ nỗ lực quảng bá văn hóa truyền thống qua các món ăn như sushi, onigiri (cơm nắm), mochi (bánh giầy)… Các đặc sản này thường được giới thiệu là chỉ ăn ngon, đúng chuẩn khi sử dụng gạo Nhật.
Để duy trì những lợi thế trên, Nhật Bản rất ráo riết trong việc đảm bảo chất lượng sản phẩm.
Hằng năm, Hiệp hội Kiểm định ngũ cốc Nhật Bản (JGIA) tiến hành đánh giá các giống gạo đang được nuôi trồng tại nước này, xếp loại chất lượng của chúng và công khai kết quả. Bản thân việc đảm bảo chất lượng giống gạo cũng được đầu tư công phu. Quá trình nghiên cứu, lai tạo giống gạo diễn ra thường xuyên với quy trình sàng lọc rất kỹ lưỡng.
Thậm chí, việc đánh giá được tiến hành trực tiếp bằng cách ăn thử trong ròng rã nhiều tháng trời. Suốt quá trình này, các nhà nghiên cứu chỉ được ăn cơm trắng và uống nước trà xanh để đảm bảo đưa ra đánh giá khách quan nhất với các mẫu thử.
Kỳ vọng tháo nút thắt về tín dụng, chính sách kịp thời
Ông Đinh Thừa Tự, ngụ xã Vĩnh Khánh, huyện Thoại Sơn, An Giang, cho rằng hiện nay nông dân chỉ biết sản xuất lúa chất lượng cao, còn đầu ra gần như bỏ ngỏ.
“Theo tôi, nên thành lập Hội đồng lúa gạo quốc gia để định hướng giá lúa gạo bao nhiêu là vừa, doanh nghiệp nào thu mua, để tránh tình trạng mua giá thấp, ép nông dân. Tôi nghĩ ai cũng muốn được Hội đồng lúa gạo quốc gia hoặc từng tỉnh, từng miền có giá cả hàng cụ thể hơn, bên cạnh việc hỗ trợ cảnh báo nhiều vấn đề liên quan đến sản xuất”, ông Tự nói.
Còn ông Trần Văn Cứng, chủ tịch Liên minh Hợp tác xã tỉnh An Giang, nêu quan điểm: việc chính của hội đồng là định hướng thị trường và giới hạn những quy định, chế tài đối với các doanh nghiệp cạnh tranh không lành mạnh. Tuy nhiên, phải làm sao tránh trùng lắp với vai trò của VFA.
Ông Trần Thanh Hiệp, phó giám đốc Sở NN&PTNT An Giang, cho rằng trong quy chế dự thảo của Hội đồng lúa gạo quốc gia đã nêu rất rõ vai trò của Chính phủ, các bộ ngành và các địa phương. Trên cơ sở đó, các địa phương sẽ có tiếng nói ở địa phương mình, doanh nghiệp tham gia liên kết sẽ có tiếng nói trong tiếp cận vốn vay.
“Tiếng nói của Hội đồng lúa gạo quốc gia sẽ mạnh hơn, các hiệp hội sẽ đồng hành ngay, không còn nhập nhằng vào vai trò của các hiệp hội”, ông Hiệp nói thêm.
TS Trần Hữu Hiệp nhìn nhận xét trên tổng thể, nhiều năm qua ngành hàng lúa gạo vẫn đang bị chặt ra thành nhiều khúc theo kiểu mua đứt bán đoạn, nên người này được thì người kia mất.
Trong bối cảnh đó, đề xuất thành lập Hội đồng lúa gạo quốc gia chưa hẳn là tối ưu nhưng sẽ tốt hơn để tăng cường sự phối hợp, tham vấn và quyết định không bị phân mảnh cho một ngành kinh tế nhân văn, quan trọng này.
Trước những biến động của giá thị trường thế giới và lo ngại về bất ổn an ninh lương thực, đòi hỏi chúng ta phải đảm bảo một ngành kinh tế lúa gạo đáp ứng ba tiêu chí: bảo đảm lương thực trong nước; hài hòa lợi ích kinh tế, sinh kế của người dân, hài hòa xã hội; tránh tạo ra sự bất bình đẳng trong việc tiếp cận lương thực của người dân, lợi ích chính đáng của người trồng lúa.