Thực trạng thanh thiếu niên vi phạm pháp luật
Ngày 13-11, nhóm gồm 10 thanh thiếu niên ngụ tại huyện Kỳ Anh (Hà Tĩnh) ở tuổi 15-18 cùng nhau lên kế hoạch tìm nhóm thanh niên khác ngụ TP Hà Tĩnh để đánh nhau. Nhóm này chạy xe máy trên đường không đội mũ bảo hiểm, chạy xe với tốc độ cao, rú ga, bấm còi gây náo loạn trên quốc lộ 1.
Tiếp đó, rạng sáng 16-11, xuất phát từ mâu thuẫn cá nhân với nhóm thanh thiếu niên ở huyện Lộc Hà, nhóm thanh thiếu niên khác gồm: N.P.H.D. (16 tuổi, ngụ TP Hà Tĩnh), H.L.A.T. (16 tuổi, ngụ Cẩm Xuyên) và M.V.G.H. (15 tuổi, ngụ Thạch Hà) đã rủ thêm 13 người khác mang theo hung khí như dao, kiếm, gậy sắt để giải quyết mâu thuẫn gây náo loạn nhiều tuyến phố.
Công an TP Hà Tĩnh đã điều tra và triệu tập 35 thanh thiếu niên liên quan đến hai vụ việc kể trên để xử lý các hành vi vi phạm.
Theo Công an tỉnh Hà Tĩnh, tình trạng vi phạm pháp luật ở thanh thiếu niên đang diễn biến phức tạp, đặc biệt ở nhóm dưới 18 tuổi. Nhiều trường hợp do hoàn cảnh gia đình, thiếu sự quản lý, ảnh hưởng tiêu cực từ mạng xã hội hoặc các nhóm xấu, dẫn đến hành vi vi phạm pháp luật như trộm cắp, gây rối trật tự công cộng, cố ý gây thương tích.
Thống kê từ năm 2022 đến nay, Hà Tĩnh xảy ra 663 vụ vi phạm pháp luật với 1.121 đối tượng dưới 18 tuổi. Ngoài ra, riêng năm 2024, lực lượng công đã kịp thời phát hiện, ngăn chặn 105 vụ việc liên quan đến thanh thiếu niên tàng trữ vũ khí, hung khí có ý định giải quyết mâu thuẫn, không để phát sinh các vụ việc, vụ án nghiêm trọng.
Cần sự vào cuộc quyết liệt của gia đình, nhà trường và xã hội
Liên quan đến việc này, ông Nguyễn Duy Ngọc – trưởng Phòng chính trị tư tưởng (Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Tĩnh) – thẳng thắn nhìn nhận rằng tình trạng thanh thiếu niên, trong đó chủ yếu là các học viên theo học các trường nghề trên địa bàn và số ít học sinh đang theo học các trường THPT thời gian qua vi phạm an toàn giao thông và trật tự công cộng có chiều hướng gia tăng.
Nguyên nhân dẫn đến thực trạng này chủ yếu xảy ra ở các trường hợp lêu lổng, ăn chơi, đua đòi, bị tiêm nhiễm bởi những thành phần hư hỏng. Các hình ảnh, clip bạo lực tràn lan trên mạng xã hội cũng là tác nhân xấu ảnh hưởng đến nhận thức đối với lứa tuổi thanh thiếu niên.
Theo ông Ngọc, để ngăn chặn tình trạng thanh thiếu niên vi phạm an toàn giao thông, gây rối trật tự công cộng cần sự vào cuộc của ngành giáo dục, các nhà trường, gia đình và các tổ chức xã hội.
Với ngành giáo dục, thời gian qua đã ban hành các văn bản yêu cầu các nhà trường tăng cường các giải pháp hiệu quả để ngăn chặn tệ nạn xã hội xâm nhập học đường, xây dựng các mô hình, cách làm hay để xây dựng trường học an toàn, thân thiện.
Tại các nhà trường, song song với việc đẩy mạnh tập trung phòng ngừa, ngăn chặn các loại tệ nạn như ma túy, sử dụng và buôn bán, lôi kéo sử dụng thuốc lá điện tử, bạo lực học đường, đánh bạc qua mạng thì hiện nay đang tăng cường kiểm soát học sinh mang điện thoại đến trường.
Từ đó, ngoài giờ học, học sinh có thời gian đọc sách, tham gia các trò chơi dân gian, góp phần xây dựng trường học hạnh phúc.
Ông T. (hiệu trưởng một trường THPT trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh) cho biết bước vào đầu năm học, nhà trường tổ chức cho học sinh viết bản cam kết không vi phạm an toàn giao thông, không lái xe lạng lách đánh võng, không tụ tập, gây rối trật tự công cộng, đồng thời phối hợp với lực lượng công an đến trường để tổ chức tuyên truyền luật an toàn giao thông cho học sinh.
“Tuy vậy, thời gian qua vẫn có một số thanh thiếu niên, trong đó có học sinh của nhà trường vi phạm giao thông vì các phụ huynh chưa quản lý chặt chẽ, giao xe cho con em mình tới trường.
Sau khi ghi nhận học sinh vi phạm, nhà trường đã siết chặt hơn trong công tác tuyên truyền tại các buổi chào cờ hằng tuần.
Đồng thời, Đoàn trường và lực lượng bảo vệ cũng vào cuộc quyết liệt để kiểm soát các em học sinh chưa đủ tuổi điều khiển xe máy đến trường, tránh tình trạng vi phạm giao thông và trật tự xã hội” – ông T. nói thêm.