Việt kiều mua nhà tại Việt Nam: Hào hứng, chưng hửng rồi… ngổn ngang

Nhiều tuyến đường ở quận 1, TP.HCM có giá điều chỉnh tăng cao so với giá trong bảng giá đất cũ – Ảnh: TỰ TRUNG

Mất vài tháng, với bao nhiêu thủ tục, có lúc nghĩ chắc bỏ cuộc, rồi anh Việt kiều ấy cũng có được căn cước. Thêm một tháng xem các trang rao bán nhà, đi xem nhà, cuối cùng cũng chọn được một căn nhà nhỏ ở trung tâm TP.

Khi mua, anh có đặt ra nguyên tắc ghi trên hợp đồng đúng giá mua bán. Rồi ngày ký công chứng cũng đến. Đó cũng là lúc xã hội ồn ào vụ bảng giá đất mới cao hơn nhiều lần bảng giá cũ.

Vì đã đọc, tìm hiểu rất nhiều thông tin về bảng giá đất, các vướng mắc, anh tự tin vướng mắc không rơi vào trường hợp của mình.

Anh có hai lập luận khá vững chắc. Thứ nhất nhà mua đã có sổ hồng, không phải chuyển mục đích sử dụng hay giao đất mới nên không vướng tiền sử dụng đất, bảng giá đất.

Thứ hai giá ghi trên hợp đồng công chứng là đúng giá mua bán, tức giá thị trường, nên không cần phải áp bảng giá đất để tính thuế thu nhập cá nhân. Chỉ cần áp 2% trên giá hợp đồng là xong, tính phí trước bạ cũng tương tự thế.

Nhưng đó là lập luận của anh. Cơ quan chức năng đâu làm thế. Nộp hồ sơ nơi văn phòng đăng ký đất đai, đúng ngày hẹn anh chạy lên hỏi, chỉ qua thuế, gặp thuế, nơi này nói dừng, chưa tiếp nhận giải quyết hồ sơ.

Anh kiên nhẫn chờ. Một, hai rồi ba tuần… trôi qua, anh hai lần đổi vé máy bay trở về nhà nơi xứ người, tốn kém quá, còn công việc. Ở lại chờ cũng chưa biết thế nào. Thế là đành ủy quyền lại cho người quen giúp làm giấy tờ.

Nhưng việc đâu chỉ có thế. Hàng loạt rắc rối khiến anh mệt mỏi. Thứ nhất là phiền toái với bên bán. Bên bán cứ hối anh Việt kiều thanh toán nốt tiền mua nhà. Nhưng hợp đồng ghi rõ chưa đăng bộ sao mà trả nốt, lỡ có phát sinh gì gọi bên bán cũng khó.

Anh Việt kiều ước gì cơ quan thuế nhận hồ sơ, tính thuế, rồi cho đăng bộ để anh trả dứt tiền mua nhà cho nhẹ đầu. Ước thế thôi, chứ giờ tắc hết.

Nhưng cũng khổ cho bên bán bỗng dưng phải nộp thuế oan. Theo quy định của Luật Thuế thu nhập cá nhân, người bán căn nhà duy nhất không phải nộp thuế.

Thế nhưng, do không thể hoàn tất thủ tục sang tên đăng bộ cho bên mua vì không tính được thuế, trong khi đặt cọc mua nhà khác thì bên bán căn nhà kia cũng hối phải ký công chứng và thanh toán. Thế là bên bán nhà cho anh Việt kiều rơi vào cảnh người có hai nhà bất đắc dĩ.

Đó là vừa trong vai người có nhà đã bán nhà nhưng chưa xong hồ sơ, vừa trong vai người mua nhà khác vì đã đặt cọc và thỏa thuận nay đi ký hợp đồng công chứng.

Bán nhà này, mua nhà kia nhỏ hơn để dư ra ít tiền, vậy mà bỗng dưng có… hai nhà, phải nộp thuế thu nhập cá nhân. Họ than “ăn mày đánh đổ cầu ao”. Khổ thế nhưng giờ có muốn nộp thuế cho xong thủ tục cũng không được.

Thứ hai là phiền toái với nhà thầu. Anh Việt kiều mua nhà có hợp đồng sửa nhà với bên thầu, ứng mớ tiền và chuẩn bị hết rồi, giờ chưa sang tên sao mà dám sơn phết, đập phá, sửa sang lại.

Ông nhà thầu trách, hối cho cố, tốn kém để thu xếp thợ thầy, giờ lại ngồi chờ, không bắt đền là may… Anh Việt kiều đi về mà lo ngay ngáy, sau này quay lại không biết ông thầu sẽ thế nào!

Cái sự ách tắc đã dẫn đến ông này giữ tiền của ông kia, ông kia nợ tiền của ông nọ, ông nào cũng vỡ tan mọi tính toán, lo sợ bên kia giữ tiền của mình, còn Nhà nước có thuế nhưng không thu được.

Anh Việt kiều từ hào hứng rồi chuyển sang chưng hửng nay chờ ngày lên máy bay trở lại nhà nơi xứ người mà lòng ngổn ngang vì sau nhiều ngày vất vả, anh vẫn chưa được sở hữu nhà như tinh thần của ba luật mới…!

Việt kiều mua nhà tại Việt Nam: Hào hứng, chưng hửng rồi... ngổn ngang - Ảnh 3.Tạo thuận lợi cho Việt kiều mua nhà, đất trong nước

Luật Đất đai (sửa đổi) mới được Quốc hội thông qua sẽ có hiệu lực từ 1-1-2025. Đáng chú ý, trong Luật Đất đai hiện hành có phân biệt quyền tiếp cận đất đai giữa ‘cá nhân trong nước’ với ‘người Việt Nam định cư ở nước ngoài’.

Source link

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *