Vòng xuyến đánh đố nhất thế giới: 6 bùng binh tại 1 điểm, người khen hết lời, kẻ chê hết mình

Hình ảnh vòng xuyến Magic Roundabout nhìn từ trên cao qua “lăng kính” Google Maps – Ảnh: Google Maps

Vòng xuyến phức tạp

Vòng xuyến là một nút giao thông quen thuộc và không quá khó để xử lý. Nhưng đó là với những giao lộ có vòng xuyến truyền thống.

Nếu phải đi qua thị trấn Swindon của Anh, nhiều tài xế sẽ cảm thấy “đau đầu” tại một nơi được gọi là Magic Roundabout (tạm dịch: Vòng xuyến ma thuật). Bởi tại đây có tới 6 bùng binh riêng lẻ, bao gồm 5 vòng xuyến nhỏ bao quanh một bùng binh lớn.

Được xây dựng vào năm 1972, Magic Roundabout nằm tại nơi giao nhau của County Road, Queen’s Drive, Fleming Way, Drove Road và Shrivenham Road. Có con đường khá rộng, chẳng hạn Queen’s Drive có 3 làn xe lưu thông theo cả hai hướng. Có con đường lại rất nhỏ, chẳng hạn Shrivenham Road.

Là nơi gặp nhau của nhiều con đường như vậy, không khó hiểu khi nơi đây cũng gần nhiều công trình trọng điểm. Có thể kể đến một trạm cứu hỏa, một sân vận động bóng đá, một trung tâm mua sắm, một trường học và một vài khu dân cư. Do đó, có thể hình dung rất nhiều người lái xe qua đây mỗi ngày.

Vòng xuyến đánh đố nhất thế giới: 6 bùng binh tại một điểm, người khen hết lời, kẻ chê hết mình - Ảnh 2.

Hình ảnh vòng xuyến được chụp năm 2021 – Ảnh: Getty

Trung tâm của giao lộ là một vòng xuyến bình thường như bao nơi khác, cộng thêm một cột đèn giao thông lớn cắm chính giữa. Nếu chỉ vậy, nơi đây đã không được mệnh danh là một trong những “vòng xuyến đánh đố tài xế nhất”.

Vòng xuyến trung tâm này còn được bao quanh bởi 5 bùng binh nhỏ. Mỗi bùng binh tương ứng với một con đường kể trên.

Lý do đằng sau kết cấu phức tạp của vòng xuyến “ma thuật”

Đến đây, nhiều người sẽ thắc mắc, một vòng xuyến là đủ giải quyết cho 5 con đường, tại sao phải phức tạp hóa bằng 5 bùng binh khác?

Chuyên gia Frank Blackmore của Phòng Nghiên cứu giao thông đường bộ Anh đã được giao trọng trách là làm sao để người dân đi qua đây một cách thông thuận nhất có thể.

Các cuộc thử nghiệm từ những năm 1970 cho thấy các bùng binh nhỏ cải thiện lưu lượng giao thông tốt hơn 25-30% so với vòng xuyến lớn. Sau đó, Blackmore thử nghiệm bằng cách đặt dần từng bùng binh nhỏ cho đến khi có đủ 5 cái.

Vòng xuyến đánh đố nhất thế giới: 6 bùng binh tại một điểm, người khen hết lời, kẻ chê hết mình - Ảnh 3.

Minh họa hai cách để đi từ Fleming Way đến Queen’s Drive – Ảnh: Wikipedia

Về mặt lý thuyết, điều này được coi là hiệu quả. Chẳng hạn, những người từ Fleming Way đến Queen’s Drive sẽ mất ít thời gian hơn nhờ đi quanh bùng binh nhỏ thay vì qua vòng xuyến lớn.

Tranh cãi xung quanh vòng xuyến

Dường như thực tế cũng hiệu quả không kém lý thuyết. Bởi vì người ta đã giữ Magic Roundabout suốt 50 năm đến tận ngày nay, thay vì phá bỏ các bùng binh nhỏ. Một số tài xế còn ca ngợi Magic Roundabout tốt hơn vòng xuyến thông thường khi cho phép nhiều xe đi qua giao lộ hơn.

Tuy nhiên, không phải ai cũng đồng tình. Tạp chí ô tô Anh Auto Express đã gọi Magic Roundabout là một trong những giao lộ tồi tệ nhất thế giới. Độc giả truyền hình Anh cũng từng bình chọn đây là nút giao thông đáng sợ thứ 7 của nước Anh.

Còn The Drive, một trang tin tức về xe và các phương tiện di chuyển của Mỹ, thì đánh giá rằng nếu một vòng xuyến tương tự tồn tại ở nước Mỹ, đó sẽ là cơn ác mộng khi hàng loạt vụ tai nạn sẽ xảy ra.

Video cho thấy các phương tiện giao thông sẽ đi qua Magic Roundabout như thế nào – Video: Left Turn Adventures (Peter Billingham)

Nhiều cư dân mạng đồng tình với đánh giá này.

– Chỉ xem video người ta đi thôi cũng thấy “say xe” rồi.

– Trông không tệ nếu coi mỗi bùng binh nhỏ như điểm quay đầu của những ai lỡ quá trớn. Nhưng người Mỹ không được đào tạo để đi qua vòng xuyến kiểu này mỗi ngày. Tôi đoán thiết kế này tốt cho lưu lượng giao thông, nhưng sẽ là nỗi đau đầu của những tài mới.

– Khu phố tôi có 2 vòng xuyến. Một số người coi chúng như một điểm dừng bốn chiều. Những người khác không nhường đường chút nào. Khá nhiều lần tôi chứng kiến các tài xế đi vòng quanh rồi dừng lại vì không biết đi tiếp như thế nào cho đúng luật.

– Là người Anh, vòng xuyến này hoàn toàn bình thường với tôi. Gravelly Hill mới thực sự là ác mộng. Không phải ngẫu nhiên mà nơi đây được gọi là “giao lộ mì Ý” với những con đường “xoắn quẩy” kinh hoàng.

Source link

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *