Chiều 11-8, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến trả lời báo chí liên quan đến việc bò sữa ở Lâm Đông bị dịch bệnh tiêu chảy, chết bất thường và các giải pháp khống chế dịch bệnh.
* Người dân và ngành chức năng quan tâm xác định đúng nguyên nhân để có những giải pháp hiệu quả. Hiện nay, Bộ đã xác định được nguyên nhân, liệu có phải do tiêm vắc xin?
– Như chúng ta đã biết, số lượng bò tiêm là gần 9.000 con thì số bò bị bệnh sau tiêm là 4.900 con. Hôm qua thay mặt Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tôi khẳng định tiêm vắc xin có sự ảnh hưởng.
Sau khi xảy ra sự việc, Bộ đã điều động Cục Thú y và các đơn vị vào tập trung lấy mẫu xét nghiệm, giải trình tự gene với độ chính xác cao để tìm nguyên nhân.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chỉ đạo Cục Thú y có giải pháp cơ bản và đến hôm qua, sau khi rà soát, chuẩn bị xong, nghe các bên báo cáo đã chốt lại được phác đồ điều trị sát với từng bò bệnh và trong ngày hôm nay sẽ có kết quả xét nghiệm giải trình tự gene để kết luận nguyên nhân.
Như vậy, một mặt chúng ta có những giải pháp mang tính chung nhất, sát nhất, một mặt là xác định nguyên nhân và khi nguyên nhân đã rõ, nếu như phác đồ điều trị chưa sát, chưa chặt chẽ thì tiếp tục điều chỉnh, để có kết quả tích cực hơn.
* Ông có thể cho biết phác đồ điều trị cụ thể hiện nay cho bò bệnh?
– Giải pháp đầu tiên là vấn đề an toàn sinh học là việc đầu tiên phải làm trong phòng, chống dịch bệnh, vì độc lực của vi rút, đường lây truyền của bệnh dịch rất phức tạp.
Thứ hai, cho phân loại các đàn bò, con nào còn ở dạng nhẹ, con nào đã nhiễm bệnh, con nào ở mức nặng thì giải quyết phác đồ như xử lý truyền thế nào, giải quyết cho uống thế nào, giải quyết tiêm thế nào, kháng sinh thế nào, bổ trợ thế nào, nhiều lượng hướng dẫn thế nào và liệu trình như thế nào đều làm rất chặt chẽ.
Thứ nữa là về cái việc xử lý xác chết, nếu không đúng quy trình, không đúng địa điểm thì sẽ ảnh hưởng nguồn nước ngầm, ảnh hưởng đến lây truyền trong tự nhiên.
Do vậy là Bộ cũng đã phối hợp với các đơn vị chỉ đạo và thống nhất rất cao xử lý về việc tiêu hủy.
* Thưa Thứ trưởng, bò là một tài sản cũng khá lớn đối với mỗi nông hộ. Với thiệt hại như vừa qua thì ngành cũng như là địa phương hiện nay đã có những chính sách gì hỗ trợ cho như thế nào?
– Trước mắt phải tập trung toàn bộ lực lượng để chống dịch và tập trung toàn bộ vật tư, hóa chất, thuốc. Bộ đã đề nghị tỉnh Lâm Đồng thống kê về nhu cầu và kiểm tra xem tại các cơ sở có bao nhiêu, còn bao nhiêu Công ty Navetco phải chịu trách nhiệm để cung cấp.
Thứ hai khi phân tích nguyên nhân, đánh giá, tôi khẳng định là phải hết sức khách quan và phải rõ trách nhiệm của các bên để chúng ta xử lý làm sao cho bà con chăn nuôi yên tâm và cũng có sự chia sẻ nhất định.
Còn trường hợp nào phải đền bù, trường hợp nào phải hỗ trợ sẽ rất rõ và trách nhiệm các bên đều phải được thể hiện và phải khẳng định là Bộ sẽ chỉ đạo một cách triệt để việc này khi mà chúng ta xác định rõ.