Vụ thủ lĩnh Hamas bị ám sát sẽ giúp… giảm căng thẳng?

Biểu tình lên án vụ ám sát thủ lĩnh Hamas Ismail Haniyeh, tại Lebanon ngày 31-7 – Ảnh: REUTERS

Tính tới tối 31-7 theo giờ Việt Nam, vẫn chưa bên nào đứng ra nhận trách nhiệm vụ thủ lĩnh Hamas Ismail Haniyeh bị ám sát.

Xét tình hình căng thẳng ở Trung Đông, nổi bật là cuộc chiến Israel – Hamas ở Dải Gaza, nhiều thuyết âm mưu lẫn cáo buộc từ người Palestine và các nhóm Hồi giáo đều hướng về Israel.

Yếu nhân của Hamas, Hezbollah đều bị tập kích ngay các thủ đô

Thề “quét sạch” Hamas sau vụ 7-10-2023, Israel có lý do để tấn công một lãnh đạo nào đó của Hamas.

Iran, nơi ông Haniyeh ở trước lúc bị tấn công, cũng không phải địa điểm tấn công nằm ngoài sức tưởng tượng của nhiều người. Hồi tháng 4, hai nước đã tạo tiền lệ xấu với các màn ăn miếng trả miếng nhắm vào lãnh thổ đối phương.

Thêm vào đó, bản thân Israel vẫn im lặng về vụ thủ lĩnh Hamas. Kể cả khi nhận câu hỏi trực tiếp, phát ngôn viên Chính phủ Israel David Mencer cũng từ chối bình luận, mặc dù thừa nhận Israel đang cảnh giác cao độ trước khả năng Iran trả đũa.

“Người tạo ra nhân vật James Bond, Ian Fleming, từng viết câu nổi tiếng rằng một lần thì coi như ngẫu nhiên, hai lần là trùng hợp, còn ba lần chính là hành động của kẻ thù. Tôi cho trường hợp này hai lần là đủ để kết luận rằng Israel đã rất bận rộn trong ngày qua, và rằng thành quả của họ minh chứng cho một khả năng thâm nhập đáng gờm vào thành trì của địch thủ”, bài bình luận trên tờ Atlantic viết hôm 31-7, không ngần ngại đặt dấu hỏi về vai trò của Israel trong vụ ám sát thủ lĩnh Hamas vừa qua.

“Sự bận rộn” của Israel nhằm đề cập tới thông tin chỉ huy cấp cao Fuad Shukr của Hezbollah vừa bị tiêu diệt trước đó không lâu, cũng tại thủ đô (Beirut) của một nước (Lebanon).

Thông điệp vừa lo, vừa… mừng cho các nhóm thân Iran?

Cũng như Hamas, Hezbollah là một tổ chức quân sự – chính trị Hồi giáo có tầm ảnh hưởng lớn ở hai khu vực địa lý riêng, và đều chống Israel.

Sẽ không dễ đổ lỗi cho Israel nếu không có bằng chứng. Tuy nhiên, đối với những người tin rằng chính quyền Thủ tướng Benjamin Netanyahu thực sự đứng sau các cuộc tập kích này, đây vẫn là thông điệp đáng sợ.

Theo Atlantic, qua việc tấn công, tiêu diệt lãnh đạo và chỉ huy các tổ chức Hồi giáo trên ngay tại các thủ đô, bên tấn công muốn gửi một thông điệp rõ ràng và trước tiên: không nơi nào an toàn.

Sự căng thẳng giữa Israel và Iran khiến giới quan sát từng dự đoán các nhóm thân Iran sẽ tăng cường tấn công Israel. Hai sự kiện riêng biệt diễn ra với Haniyeh và Shukr có thể khiến Hamas và Hezbollah (cũng như các nhóm khác) hiểu rằng Iran không thể bảo vệ được họ. Hay nói như Atlantic, “họ vẫn còn sống chỉ vì Israel chưa quyết định giết họ”.

Vậy, nếu đúng “bên đứng sau” đã quyết định hành động, hai sự kiện này liệu có báo hiệu sự khởi đầu cho một cuộc trả đũa quy mô, nói thẳng ra sẽ có khả năng dẫn tới “Gaza 2.0” ở Lebanon?

Chi phí chiến tranh có vẻ không ủng hộ kịch bản này. Theo cách lập luận trên, việc khiến Iran mất mặt, gửi đi thông điệp cho các lãnh đạo Hamas và Hezbollah là đủ.

Đòn “nhử” này có thể làm chùn chân các phe do Iran bảo trợ, vì tạo cảm giác rằng Tehran không thể là chốn nương tựa. Xét khía cạnh nào đó, theo Atlantic, màn ám sát ông Haniyeh có thể là dấu hiệu đáng “thở phào” thay vì một cuộc chiến toàn diện…

Tuy nhiên, mọi kịch bản khác đều có thể xảy ra, tùy thuộc vào toan tính các bên.

Source link

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *