Tâm lý số đông những người mới có bằng lái là háo hức muốn mua xe. Xe mới tậu, bằng lái mới tinh lận lưng, có khi họ lên xe chạy phà phà mà không cần biết kỹ năng chạy xe của mình tới đâu.
Ai khuyên gì khuyên, phải mua xe mới tắp lự
Làm việc từ xa cho một công ty phần mềm trụ sở Hà Nội, anh Quốc Hùng (35 tuổi, ngụ quận Gò Vấp, TP.HCM) thi thoảng bay ra bay vào để họp hành. Thời gian còn lại anh làm việc ở nhà chừng 3 – 5 tiếng/ngày.
Đùng cái anh Hùng hứng lên đi học lái xe ô tô. Anh thi ba lần mới đậu phần thi thực hành.
Trong thời gian chờ lấy bằng, anh lướt các trang mạng tham khảo dòng xe nào “đẹp và sang” để mua xe ngay cho nóng.
Trước khi học lái, anh đã định mua xe luôn. “Vì trước sau gì cũng mua, không thể trì hoãn sự sung sướng”, anh nói.
Bạn bè khuyên anh nên mua xe cũ chạy thử. Anh nhờ bạn thân dẫn đi xem vài dòng xe cũ ở các cửa hàng. Giá của chúng khoảng 300 – 400 triệu đồng, nhưng rồi anh không ưng nên không chốt đơn.
“Tiêu chí của tôi là mua xe mới, rộng rãi để chở gia đình mỗi dịp về quê. Chiếc đầu tiên tôi nhắm tới là một dòng xe của hãng Toyota, gần 700 triệu đồng”, anh kể.
Sau này nghe nhiều người tư vấn, anh chuyển sang dòng khác giá tương đương. Rồi nghĩ tới nghĩ lui, cuối cùng anh chọn một dòng xe KIA xịn xò 7 chỗ. Xe có giá gần 1,2 tỉ, nhưng số lần chạy đến nay của anh đếm trên đầu ngón tay.
Mua xe cũ vừa tiết kiệm, vừa tập chạy
Tương tự, chị Thúy Tâm (29 tuổi, ngụ TP Thủ Đức, TP.HCM) sau khi lấy bằng lái đã đi mua ngay một chiếc ô tô mới cứng gần 900 triệu đồng. Chị mua xe để đi loanh quanh cà phê, mua sắm với bạn bè, đưa đón con đi học.
Chồng chị đã có một chiếc xe hơn 1 tỉ đồng. Anh khuyên vợ mua xe cũ nhưng chị không chịu. Mua xe mới xong, chị hào hứng lái tới lái lui. Thấy chị vui, cả nhà ai cũng vui theo.
Ai ngờ, mấy tháng liên tiếp, chồng chị Tâm phải đau đầu giải quyết hậu quả từ chiếc xe và “tay lái lụa dỏm” của vợ.
Có lần chị lùi xe ủi vô cổng nhà. Có lần xe chị quẹt vào tủ bán đồ ăn của người ta, phải đền tiền, chi phí thuốc men. Chưa kể những lần bể đèn, bể phần cản trước, trầy xe, chồng chị lại chạy xe đi sửa.
Cuối cùng, chị Tâm nhận ra lái xe nguy hiểm và không đơn giản xíu nào. Tiền đền bù thiệt hại gần bằng tiền mua xe. Chị đồng ý bán xe. Lúc mua 900 triệu đồng, giờ bán để… an ủi phần nào vì xe đã te tua.
Còn anh Chí Kiên (37 tuổi, ngụ quận Bình Thạnh) lại có kiểu khác người. Anh thi lấy bằng lái ô tô đạt điểm gần như tuyệt đối ngay từ lần thi đầu tiên. Cầm tấm bằng trong tay nhưng anh chưa tự tin mua xe ngay.
Vốn tính cẩn thận, anh thuê xe chạy trong các khu đô thị mới. Đường đẹp, xe cộ ít để lấy “cảm giác lái”. Sau đó anh mới dám lái ra đường vào những khung giờ vắng người, vắng xe cộ.
Và khi cảm thấy tay lái của mình đã cứng, biết xử lý các tình huống trên đường một cách mượt mà, anh mới tính chuyện mua xe.
“Nhiều người mới thi lấy bằng nên kỹ năng xử lý tình huống trong mọi trường hợp còn rất non. Theo tôi, sau khi lấy bằng cần tập lái thêm một thời gian cho cứng cáp rồi hẳn mua xe”, anh bày tỏ.
Mua xe cũ nhưng chất lượng đừng quá tệ
Mua xe cũ hay xe mới khi vừa lấy bằng lái ô tô là tùy sở thích, khả năng tài chính của mỗi người. Tuy nhiên, từ kinh nghiệm của mình, anh Chí Kiên cho rằng nên mua xe đã qua sử dụng.
Anh lưu ý dù mua xe cũ nhưng chất lượng xe đừng quá tệ. Xe phải chạy tốt, an toàn. Kiểu dáng và vẻ ngoài lẫn nội thất xe “coi được một chút”. Nếu không rành, có thể nhờ bạn bè đã từng mua bày cho kinh nghiệm, dẫn đi xem xe.
“Những bác tài mới ra đường không tránh khỏi chuyện va quẹt. Mua xe mới, xe sang, mỗi lần đưa vô gara sửa xót tiền lắm”, anh chia sẻ. Đồng thời, anh nhận định hiện nay nhiều nơi bán xe cũ, thậm chí xe mới sử dụng nhưng đã đem bán lại, nên nếu muốn chúng ta dễ dàng sắm được chiếc xe phù hợp nhu cầu.