Nếu điều này xảy ra, đây sẽ là lần đầu tiên trong 87 năm lịch sử của Volkswagen, một nhà máy tại Đức phải đóng cửa. Tuy nhiên, các công đoàn đang chiến đấu quyết liệt chống lại kế hoạch này.
Lãnh đạo Volkswagen: “Tình hình rất căng thẳng”
Cụ thể hơn, theo Automotive News, Volkswagen đang xem xét việc đóng cửa một nhà máy sản xuất ô tô và một nhà máy linh kiện ở Đức.
Trong tuyên bố phát hành vào ngày 2-9, ông Thomas Schaefer, CEO thương hiệu xe Volkswagen, đã nhấn mạnh rằng tình hình là “cực kỳ căng thẳng” và không thể giải quyết chỉ bằng các biện pháp cắt giảm chi phí đơn giản. Điều này có nghĩa là nhiều thương hiệu khác của công ty sẽ phải tái cấu trúc toàn diện, và việc đóng cửa nhà máy là điều có thể xảy ra.
Còn CEO Tập đoàn Volkswagen Oliver Blume cho biết: “Ngành công nghiệp ô tô châu Âu đang trong tình hình rất khó khăn và nghiêm trọng”.
Ông nói thêm rằng “các đối thủ cạnh tranh mới đang thâm nhập thị trường châu Âu” và tuyên bố “Đức là một địa điểm sản xuất đang ngày càng tụt hậu về sức cạnh tranh”.
Trước đó, hồi tháng 12-2023, Volkswagen đã công bố kế hoạch cắt giảm chi phí lên tới 10 tỉ euro (11,14 tỉ USD) với mục tiêu đạt được tỉ suất lợi nhuận 6,5% vào năm 2026, tăng từ mức 2,4% hiện tại. Tuy nhiên, nhà sản xuất ô tô này vẫn thiếu khoảng 3 tỉ euro (khoảng 82.000 tỉ đồng) để đạt được mục tiêu này.
Khoảng một tháng trước, Volkswagen công bố lợi nhuận hoạt động nửa đầu năm là 10,1 tỉ euro (11,1 tỉ USD), giảm 11% so với năm 2023 dù doanh thu tăng nhẹ.
Do đó, tập đoàn đang xem xét đưa ra nhiều biện pháp cắt giảm chi phí hơn nữa và không loại trừ khả năng đóng cửa nhà máy.
Công đoàn chỉ trích “vô trách nhiệm”
Thông tin này nay được công đoàn công ty xác nhận. Tổ chức này hứa sẽ “phản đối quyết liệt”. Thông điệp này cũng nhận được sự ủng hộ từ IG Metall – công đoàn lớn nhất nước Đức và là công đoàn lớn nhất trong lĩnh vực công nghiệp của châu Âu.
IG Metall gọi kế hoạch trên là vô trách nhiệm, vì sẽ “làm lung lay nền móng của Volkswagen, đặt ra mối đe dọa lớn đối với công ăn việc làm và ngành sản xuất”.
Nếu kế hoạch đóng cửa nhà máy được thông qua, sự kiện này sẽ đi vào lịch sử không chỉ của Volkswagen, mà cả thế giới.
Tuy nhiên, một số tờ báo cho rằng kế hoạch trên khó được thông qua. Bởi đại diện cho người lao động chiếm tới một nửa số ghế trong ban giám sát của công ty. Chính quyền bang Lower Saxony, đơn vị sở hữu 20% cổ phần của Volkswagen, cũng thường đứng về phía công đoàn.
Việc đối đầu với các công đoàn mạnh mẽ sẽ là một nhiệm vụ khó khăn và điều này đại diện cho thử thách quan trọng nhất trong sự nghiệp của Oliver Blume – CEO Porsche mới lên vị trí CEO Volkswagen Group.
Ông Blume được bổ nhiệm làm CEO của Volkswagen Group sau khi người tiền nhiệm của ông, Herbert Diess, đã bị cách chức dưới áp lực mạnh mẽ từ các công đoàn.
Cũng chính công đoàn đã góp phần kết thúc sự nghiệp của cựu CEO Bernd Pischetsrieder và cựu giám đốc thương hiệu VW Wolfgang Bernhard. Cả ba đều đề xuất các biện pháp không được lòng người để tăng hiệu quả các hoạt động của Volkswagen Đức. Không ai trong số họ ở lại đủ lâu để có thể hoàn tất kế hoạch của mình.