Ngày 7-10, Tòa án nhân dân cấp cao tại TP.HCM xét xử phúc thẩm đối với ông Nguyễn Minh Quân (cựu giám đốc Bệnh viện TP Thủ Đức) và 4 bị cáo khác trong vụ án vi phạm liên quan đến đấu thầu mua kit xét nghiệm Việt Á.
Vụ án được đưa ra xét xử phúc thẩm do có kháng cáo xin giảm nhẹ của 5 bị cáo trên.
Tại phần xét hỏi, hội đồng xét xử, luật sư Tô Bá Thanh và luật sư Đặng Phước Hoàng Mai (bào chữa cho ông Phạm Vũ Phong – cựu giám đốc Công ty TNHH thiết kế xây dựng TM & DV Nam Phong) giành nhiều thời gian hỏi đại diện bệnh viện và các bị cáo liên quan phần dân sự của vụ án.
Theo đó, phía bệnh viện cho biết sau khi mua kit test để xét nghiệm cho nhân viên bệnh viện hoặc phục vụ những chiến dịch xét nghiệm cộng đồng thì nhà nước sẽ chi trả chi phí.
Ngoài ra, bệnh viện còn xét nghiệm thu tiền đối với người dân có nhu cầu (xét nghiệm dịch vụ – PV).
Luật sư đặt vấn đề trong khoản thiệt hại từ việc mua kit test Việt Á thì có bao nhiêu bộ kit test là phục vụ cho bệnh viện xét nghiệm thu tiền, bởi theo luật sư, trong trường hợp này người thiệt hại là người dân chứ không phải là bệnh viện.
Hội đồng xét xử cũng đề nghị đại diện bệnh viện làm rõ trong khoản 14,5 tỉ đồng được xác định là thiệt hại vụ án có khoản nào là do nhà nước đã trả cho bệnh viện, tránh trường hợp “một kit test bị bồi thường nhiều lần, trong khi không đúng người bị thiệt hại”.
Bên cạnh đó, luật sư cho rằng tại phụ lục của bản kết luận điều tra vụ án xảy ra tại Công ty Việt Á, tại Bộ Y tế… nhìn nhận Công ty Nam Phong là một trong nhiều công ty bị Việt Á lợi dụng để hưởng lợi.
Hồ sơ vụ án trên ghi nhận số tiền Công ty Việt Á hưởng lợi từ Công ty Nam Phong khi Công ty Nam Phong bán và thu tiền của Bệnh viện TP Thủ Đức và Bệnh viện Dĩ An là 29,3 tỉ đồng.
Đồng thời, hai bản án của vụ án trên đã tuyên buộc bị cáo Phan Quốc Việt (tổng giám đốc Công ty Việt Á) phải nộp lại số tiền hưởng lợi bất chính sau khi đã đối trừ (số tiền đưa hối lộ, tiền chiết khấu, tiền cảm ơn…) là 634,7 tỉ đồng để sung công quỹ nhà nước.
Luật sư cho rằng việc bồi thường thiệt hại chỉ thực hiện một lần, không thể thực hiện chồng chéo hai lần.
Theo hội đồng xét xử, kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt của bị cáo Phong có liên quan đến việc khắc phục hậu quả, cũng như trách nhiệm bồi thường nên hội đồng xét xử đề nghị bệnh viện làm rõ những khoản nào là kinh phí nhà nước chi trả, những kit test nào đã sử dụng để xét nghiệm có thu tiền người dân.
Hội đồng xét xử cũng đề nghị bệnh viện hỏi Bộ Y tế và có ý kiến về bản án ở Hà Nội mà luật sư đề cập, để có căn cứ tuyên xử về phần dân sự, đảm bảo tính công bằng của pháp luật.
Để bệnh viện có thời gian chuẩn bị các tài liệu như trên, hội đồng xét xử quyết định tạm dừng phiên tòa. Dự kiến phiên tòa được tiếp tục vào ngày 9-10.
Trước đó, ngày 18-6, Tòa án nhân dân TP.HCM xử sơ thẩm vụ án đã tuyên phạt ông Nguyễn Minh Quân 11 năm tù, bà Nguyễn Lan Anh (40 tuổi, cựu phó giám đốc Bệnh viện TP Thủ Đức) 6 năm tù cùng về tội vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng;
Ông Phạm Vũ Phong lãnh 19 năm tù về tội vi phạm quy định về đấu thầu và tội đưa hối lộ; Bà Trương Thị Bảo Trân (cựu nhân viên vật tư trang thiết bị y tế – Bệnh viện TP Thủ Đức) lãnh 13 năm tù về tội vi phạm quy định về đấu thầu và nhận hối lộ; Bà Mai Lệ Quyên (cựu trưởng khoa vi sinh, Bệnh viện TP Thủ Đức) lãnh 5 năm tù về tội nhận hối lộ.
Về trách nhiệm dân sự, tòa án cấp sơ thẩm buộc ông Phong bồi thường cho Bệnh viện TP Thủ Đức số tiền 11,5 tỉ đồng.
Ngoài vụ án này, ngày 17-5 vừa qua, Tòa án nhân dân cấp cao tại TP.HCM cũng đã tuyên y án 21 năm tù đối với ông Nguyễn Minh Quân về tội tham ô tài sản và rửa tiền do chiếm đoạt 103 tỉ đồng của Bệnh viện TP Thủ Đức thông qua hành vi gian lận đấu thầu mua sắm trang thiết bị y tế.