Xay rác nhựa làm gạch lót nền, nhẹ mà lại bền

Plastic Brick là dự án vừa giành được giải nhất cuộc thi “Sinh viên Công Thương với ý tưởng khởi nghiệp” lần 5 năm 2024 – Ảnh: C.TRIỆU

Sản xuất gạch lót nền từ rác nhựa là ý tưởng của nhóm sinh viên Lê Trần Phú, Lê Nguyễn Minh Anh, Huỳnh Nguyễn Thúy Uyên và Nguyễn Thị Thu Thuận (Trường đại học Công Thương TP.HCM).

Đau đáu với rác nhựa

300 triệu tấn là con số đáng báo động về số lượng rác thải nhựa mà trái đất nhận lại từ con người mỗi năm. Tại Việt Nam, con số này là 1,8 triệu tấn/năm.

Đây là vấn đề nan giải mà nếu không kịp hành động, rác thải nhựa, túi ni lông sẽ phá hủy hoàn toàn trái đất và cuộc sống của chúng ta.

Bạn Lê Trần Phú mở đầu cho đoạn phim ngắn giới thiệu về dự án Plastic Brick của nhóm. Chính trăn trở về môi trường sống ngày càng ô nhiễm, nhất là tình trạng rác nhựa thải ra khắp nơi đã gắn kết bốn bạn thành nhóm cùng thực hiện ý tưởng nghiên cứu.

Nhóm vừa muốn đi tìm lời giải xử lý rác nhựa, vừa có thể tạo ra sản phẩm hữu ích và có thể đảm bảo hiệu quả kinh doanh. Các bạn không giấu khát khao khởi nghiệp.

Giải pháp gạch làm từ rác nhựa vốn không mới. Vấn đề còn lại là làm sao giải quyết được rác nhựa nhiều nhất có thể song phải bền, có tính ứng dụng cao là bài toán nhóm tự đặt ra cho mình.

6 tháng đi tìm lời giải, nhẩm tính chắc phải cỡ 200 mẫu thử, làm đi làm lại. Việc tìm ra công thức, tỉ lệ pha trộn phù hợp giữa rác nhựa, bê tông, chất kết dính… như cuộc săn tìm kho báu vậy!

Plastic Brick vừa giành được giải nhất cuộc thi “Sinh viên Công Thương với ý tưởng khởi nghiệp” lần 5 năm 2024 do Trường đại học Công Thương TP.HCM tổ chức hồi đầu tháng 10 này.

Toàn dân học kinh tế, chưa lần nào biết xúc cát trộn hồ là gì. Quá nhiều lần thử và sai, số tiền tiêu tốn cũng kha khá. Thậm chí đã có lúc cả nhóm hoài nghi về những gì đang làm, cả mục tiêu đề ra ban đầu.

“Đến cuối năm 2023, cứ loay hoay và bế tắc trong việc đi tìm tỉ lệ vàng phối trộn giữa các nguyên liệu khiến nhóm tưởng như tan rã”, Phú nói.

Xay rác nhựa làm gạch lót nền, nhẹ mà lại bền - Ảnh 2.

Dù được làm với 20% nguyên liệu là rác nhựa, gạch lót nền của dự án Plastic Brick do sinh viên thực hiện qua kiểm nghiệm cho thấy có nhiều tính năng vượt trội – Ảnh: C.TRIỆU

Nhiều tính năng vượt trội

Lê Trần Phú – trưởng nhóm – kể ngay thời điểm khó khăn tưởng chừng “ý tưởng phá sản”, nhóm được vực dậy với rất nhiều lời động viên, chia sẻ của các thầy cô.

“Sau lần tưởng sắp tan rã, cả nhóm đã quay lại với quyết tâm, tập trung cao nhất”, Phú cười. Nút thắt dần được mở khi các mẫu thử dần ra đời với các chỉ số tích cực sau cả năm mày mò nghiên cứu.

Ông Nguyễn Quang Thái – giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển thị trường Mekong, thành viên Hội đồng tư vấn hỗ trợ Khởi nghiệp phía Nam, đồng thời là cố vấn cho nhóm Plastic Brick – bày tỏ tự hào trước thành phẩm, kết quả bước đầu của các bạn tạo ra.

Ông nói mình ấn tượng với tinh thần, trách nhiệm của các bạn trẻ này trước vấn đề của xã hội mà ở đây là vấn nạn ô nhiễm môi trường, rác thải nhựa.

Gạch từ rác thải nhựa cũng đã nhiều đơn vị làm trước đó. Song cái khác chính là “tỉ lệ vàng” mà nhóm nghiên cứu tìm ra giữa các nguyên liệu pha trộn là giải pháp hữu ích, đáng hoan nghênh.

“Cần thêm thời gian, đầu tư nghiên cứu sâu chút nữa cũng như thử nghiệm thêm về các thông số kỹ thuật ngoài thực tế, tôi tin gạch từ rác thải nhựa của nhóm sẽ chứng minh được chất lượng”, ông Thái nói.

Quy trình làm gạch lót nền từ rác nhựa được thiết lập với bốn công đoạn chính. Đầu tiên là xử lý rác nhựa, túi ni lông thành hạt nhựa nhỏ. Tiếp đến là trộn với xi măng và cát tạo thành hỗn hợp cùng chất kết dính.

Toàn bộ được nguyên liệu này được cho vào khuôn nén theo hình dạng và nung qua lửa. Do chứa hạt nhựa sẽ dễ cháy nên để chống cháy, các bạn dùng một hợp chất chống cháy vô hại với môi trường trộn cùng hỗn hợp. Cuối cùng là sơn phủ bề ngoài viên gạch.

“Phải đúng tỉ lệ pha trộn, viên gạch mới bền, khả năng chịu lực, cân nặng và chống cháy cũng là một yêu cầu khó khi nhóm khi làm dự án này”, Phú tâm sự.

Mỗi viên gạch (30 x 30cm) của nhóm tạo ra hiện có trọng lượng 3,3kg, nhẹ hơn gạch lót nền truyền thống khoảng 6kg, tức là nhẹ hơn gần một nửa.

20% nguyên liệu hạt nhựa chính là từ rác nhựa, túi ni lông thải ra trong sinh hoạt hằng ngày. Qua kiểm nghiệm, gạch đang chịu được độ nén với một lực tương đương hơn 400kg.

Ngoài ra, độ bóng mịn, độ mài mòn, hút nước của viên gạch cũng được các bạn tính toán ngay trong tỉ lệ pha trộn nguyên liệu và thử nghiệm.

“Vì mới dừng lại ở giai đoạn nghiên cứu nên giá thành của một viên gạch đang còn cao hơn nếu so với giá bán gạch tương tự hiện có trên thị trường chừng 15%. Tuy nhiên nếu nghiên cứu sâu, được sản xuất dây chuyền, chắc chắn giá sẽ được cải thiện”, Phú nói.

Xay rác nhựa làm gạch lát nền, nhẹ mà lại bền - Ảnh 3.

Coffee Talk của Tuổi Trẻ Start-up Award 2024: Cách chấm giải đặc biệt

Tuổi Trẻ Start-up Award 2024 do báo Tuổi Trẻ và Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam TP.HCM tổ chức, phối hợp cùng Trung tâm Hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp (BSSC) và Liên minh Tái chế bao bì Việt Nam (PRO Vietnam).

Hội đồng thẩm định sẽ tiếp xúc và kết nối với start-up qua hình thức chấm giải đặc biệt Coffee Talk. Những start-up sáng giá sẽ được vinh danh trong gala dự kiến tổ chức vào tháng 11-2024.

Ngoài chia sẻ câu chuyện trên mặt báo, các dự án khởi nghiệp tham dự chương trình có cơ hội tiếp cận với nhiều quỹ đầu tư cũng như được truyền thông, quảng bá hình ảnh đến cộng đồng.

Top 20 start-up được chọn vào chung kết sẽ được hỗ trợ một khoản kinh phí với sự đồng hành của các đơn vị: VinaCapital, Ngân hàng ACB, Volvo, KN Group, Dai-ichi Life Việt Nam, An Hòa, Faslink, Ecco Golf Vietnam, Tín Nghĩa…

Trong đó giải đặc biệt (100 triệu đồng) từ ban cố vấn chương trình là ông Phạm Phú Ngọc Trai – chủ tịch PRO Vietnam.

Chương trình đang nhận hồ sơ tham gia của các dự án đến ngày 20-10 tại email: [email protected], hoặc truy cập chuyên trang Tuổi Trẻ Start-up Award 2024 để nhận form đăng ký và gửi bài tham dự.

Xay rác nhựa làm gạch lát nền, nhẹ mà lại bền - Ảnh 4.

Source link

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *