Xe mất phanh gây ra những tình huống thót tim và sự lựa chọn của tài xế

Tài xế, phụ lái đang kiểm tra, sửa hệ thống thắng của xe – Ảnh: T.N.V.

Như Tuổi Trẻ Online thông tin: Thời gian gần đây rất nhiều vụ tai nạn giao thông do xe mất phanh (thắng).

Mới đây nhất là vụ xe khách mất phanh xảy ra ở phường Lộc Ninh (TP Đồng Hới, Quảng Bình). Rất may là tài xế đã nhanh trí lao vào cổng nhà dân để tránh dòng xe chờ đèn đỏ mới không ảnh hưởng đến người đi đường.

Làm cách nào để phòng xe mất thắng cũng như tránh những trường hợp đáng tiếc như trên?

Tài xế Trương Nhất Vương chia sẻ một số kinh nghiệm sau nhiều năm lái xe và dạy lái xe của mình.

Phanh bất lực, tài xế cứng người, mặt khách không còn giọt máu…

Ông Nguyễn Văn Lai (nguyên giáo viên dạy lái xe hạng E, lái xe chuyên nghiệp ở Đắk Lắk) kể câu chuyện mất phanh khi còn là lái xe chuyên nghiệp.

Dốc Ja Me, huyện Ea H Leo, tỉnh Đắk Lắk quanh co, do chủ quan đường vắng, xe chở ít hàng nên đã lái xe chủ quan, không dồn (giảm) số trên đầu dốc. Khi xe có đà lao nhanh, đạp chân phanh chạm sàn mà xe vẫn lao như điên, động cơ xe gầm rú như muốn nổ tung.

Dồn số thì không thể vào được số nào vì tốc độ của máy đã quá chậm so với tốc độ vòng quay bánh xe. Chụp phanh tay kéo mạnh thì dây phanh tay đứt.

Ông Lai chỉ còn biết ôm chặt vô lăng và nhắm thằng vào cây me bên phải đường mà húc vào.

Ông Nguyễn Ngân, lái xe tải tuyến Bắc – Nam, cho biết: Tại dốc Ông Bồ (đoạn giữa tỉnh Đắk Nông và Bình Phước), đoạn cuối thắt nhỏ và cua tay áo. Đoạn đầu dốc lài lài, lái xe vẫn vô tư tăng số, tăng ga. Vào cua đầu tiên phanh vẫn còn hiệu lực, lái xe chỉ dồn về được số 4.

Rà phanh liên tục nhưng do xe chở hàng nặng, quán tính dồn đẩy lớn. Bất ngờ xe mất phanh hoàn toàn. Phía dốc bên kia xuất hiện đèn pha xe đi chiều ngược lại.

Ông Ngân cố nhồi và đứng cả người lên đạp phanh nhưng xe vẫn lao đi. Lái xe một mặt ghì chặt tay lái, bật công tắc đèn báo nguy hiểm, đảo đèn cos, pha chớp nháy liên tục, còi hơi gào thét xé toạc màn đêm, chỉ mong xe chiều ngược lại phát hiện và né giùm.

Tại điểm nút thắt cổ chai, một chiếc xe lai bầu đậu sát lề đường bên phải. Chiếc xe chiều ngược lại không biết có mất phanh không nhưng không có dấu hiệu nhường đường.

Lái xe buộc phải nhích tay lái lấn phần đường ngược chiều và lách vào khe hẹp giữa xe chiều ngược lại và chiếc xe đang đỗ. Thoát nạn! Chiếc xe lao lên gần nửa cái dốc tiếp theo, lái xe mới dồn số, kéo phanh tay và lấy đá chèn hai lốp lại để sửa chữa…

Câu chuyện thứ ba do chính người viết bài trải nghiệm: Trên đường mòn Hồ Chí Minh, đoạn thị trấn Đắk GLây (Kon Tum) đến Khâm Đức, huyện Phước Sơn, tỉnh Quảng Nam.

Từ lái xe tải chuyển sang chạy xe khách nhiều năm, và lúc này chạy chiếc xe ISUZU loại 7 chỗ ngồi mới toanh có giá trị gần một tỉ đồng, chở 3 người từ Buôn Ma Thuột đi Đà Nẵng. Chiếc xe cứ phăng phăng lên đèo đổ dốc.

Tuy vậy, do mới chạy lần đầu trên con đường này nên thật sự không hề hình dung nổi lại có lắm khúc cua cùi chỏ, cua chữ C, chữ U, chữ Z bất ngờ đến không tưởng.

Nhiều chỗ đã chủ động lấn trái đường để triệt tiêu lực ly tâm và lực quán tính, phanh đến cứng người, đánh hết lái mà xe vẫn văng ra ngoài mép vực.

Có những đoạn dốc dài và bất ngờ sâu hun hút dồn về số 4 mà đồng hồ xe vẫn bị kéo lên trên trăm km/h, phanh gần như bất lực. Mọi người trên xe lúc đầu còn nói chuyện, về sau im hẳn và ai cũng ôm cứng lấy ghế phía trước, mặt không còn giọt máu.

Tôi vừa phanh chân, vừa kéo nhẹ phanh tay và tính toán để thao tác dồn số.

May là xe hiện đại, hệ thống đồng tốc khá tốt và mọi quyết định giảm về từng số của tôi đều dứt khoát và chính xác.

Khi dừng được xe, mở cửa bước xuống, mọi người không tin nổi là ở 4 lốp xe khói bốc lên mù mịt, khét lẹt, bốn đĩa phanh như bị nung đỏ…

Quan sát vũng lầy, ta luy núi và các vật cản 

Các lái xe lâu năm đều chung nhận định: Mất phanh rất hiếm gặp, nhưng khi đã xảy ra thì cực kỳ nguy hiểm!

Lái xe phải bình tĩnh là yếu tố quyết định đầu tiên, càng hoảng loạn nguy cơ tai nạn càng cao.

Phải quan sát nhanh tình trạng mặt đường, mật độ người và xe cộ tham gia giao thông. Bật đèn báo nguy, bật và nháy đèn pha, cốt kể cả ban ngày lẫn ban đêm. Bóp còi liên tục để gây sự chú ý cũng là biện pháp nên làm.

Phải làm mọi cách để giảm số, thao tác dồn số về từng cấp ngay khi có thể, càng để xe lao càng nhanh thì cơ hội càng nhỏ.

Xe đang chạy số 5, hãy cắt côn ra số, sau đó nhả côn, vù ga thật lớn, cắt côn lại giảm về số 4 (giảm số 5 về số 4 là dễ nhất, bất cứ xe nào, tốc độ nào cũng giảm được). Nhả côn nhanh cho số ghì xe lại.

Tại thời điểm này lái xe kéo phanh tay từ từ, khi xe có dấu hiệu chậm hẳn thì mới được tính tới chuyện dồn số tiếp theo.

Lái xe phải tính toán thật kỹ, thật nhanh trước khi quyết định giảm 4 về số 3, nếu không chắc thì giữ nguyên số, còn hơn là dồn số không được, xe ở trạng thái số không (số mo) càng nguy hiểm.

Khi đã giảm được về số thấp thì cho xe tấp sát lề đường, kéo phanh tay từ từ đến lúc xe chậm hẳn thì tắt máy kết hợp kéo thay dứt khoát cho xe dừng hẳn.

Tuyệt đối không được ra số không khi xuống dốc để cho mát máy, để tiết kiệm nhiên liệu…

Về lý thuyết là như vậy, nhưng lái xe phải quan sát nhanh, nếu có vũng lầy, ta luy núi, các vật cản có thể giảm tốc độ, dừng được xe thì cần phải thực hiện ngay bằng cách kéo tay lái về nơi đó.

Ngoài ra, kết hợp tắt chìa khóa (tắt máy), tránh trường hợp sau khi lao vào vật cản, hay vách núi, xe văng ra do quán tính, xe sẽ tiếp tục chạy tiếp.

Phải làm ngay đừng để mất cơ hội.

Bài học căn bản nhất để hạn chế mất phanh đó là các lái xe luôn nhớ chạy đúng Luật Giao thông đường bộ, chạy đúng tốc độ cho phép, chở đúng tải trọng, đúng số người quy định, lên dốc số nào xuống số đó. Cẩn thận, dồn số thấp trước khi xuống đèo, xuống dốc.

Source link

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *