Ngày 19-7, phiên tòa đại án tiêu cực đăng kiểm diễn ra ngày xét xử thứ 2. Đến khoảng 9h30, hội đồng xét xử đã hoàn tất việc thẩm tra lý lịch của bị cáo, bị hại trong vụ án.
Theo hội đồng xét xử, vụ án có 254 bị cáo bị truy tố theo từng nhóm tội danh, hành vi.
Đối với các bị cáo đang bị tạm giam, mỗi ngày hội đồng xét xử sẽ thẩm vấn từ 15 – 30 bị cáo.
Hội đồng xét xử đã có kế hoạch và sẽ gửi danh sách bị cáo cụ thể sẽ được thẩm vấn cho Trại tạm giam Chí Hòa (T30) Công an TP.HCM để dẫn giải đến tòa.
Cũng theo hội đồng xét xử, đối với các bị cáo đang được tại ngoại và luật sư bào chữa cho các bị cáo này phải có mặt tại tòa.
Nếu bị cáo tại ngoại nào vắng mặt thì xem như vắng mặt không lý do và nếu luật sư không có mặt thì xem như không tham gia phần xét hỏi này.
“Các luật sư lưu ý phiên tòa sẽ tranh luận theo từng nhóm bị cáo. Nếu luật sư vắng mặt thì hội đồng xét xử sẽ không quay lại phần tranh luận”, hội đồng xét xử lưu ý.
Theo thông báo vào cuối ngày xét xử hôm qua, Tòa án nhân dân TP.HCM cho biết ngoại trừ bị cáo Đỗ Trung Học (cựu trưởng phòng tàu sông Cục Đăng kiểm Việt Nam) trốn truy nã, có 6 bị cáo có đơn xin xét xử vắng mặt gồm: ông Trần Văn Thương, ông Lê Bá Dũng, ông Nguyễn Phương Nam, ông Nguyễn Hoàng Vũ, ông Bùi Quang Minh và bà Nguyễn Thị Ngọc Bích.
Đại diện bị hại là Trung tâm đăng kiểm 73-01S (bị hại liên quan hành vi “tham ô tài sản” của bị cáo Trương Thị Anh Vân – kế toán Trung tâm 73-01S) có đơn xin xét xử vắng mặt.
Cũng theo thông báo, 63 người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan đến vụ án cũng vắng mặt.
Về phía người bào chữa có 200 luật sư tham gia phiên tòa, trong ngày hôm qua có 7 luật sư có đơn xin vắng mặt.
Đến khoảng 9h30, đại diện Viện kiểm sát nhân dân TP.HCM giữ quyền công tố tại tòa bắt đầu công bố bản cáo trạng dài 341 trang.
Theo cáo trạng, Phòng kiểm định xe cơ giới (VAR) trực thuộc Cục Đăng kiểm Việt Nam có chức năng tham mưu giúp cục trưởng quản lý công tác kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường các loại xe cơ giới, kiểm tra xe máy chuyên dùng đang lưu hành trong phạm vi cả nước.
Phòng VAR có nhiệm vụ, quyền hạn trong việc thực hiện thẩm định thiết kế, nghiệm thu cải tạo xe cơ giới và xe máy chuyên dùng đang lưu hành.
Trong quá trình thực hiện thẩm định hồ sơ thiết kế xe cơ giới cải tạo, các lãnh đạo, đăng kiểm viên phòng VAR đã lợi dụng vị trí công tác không thực hiện đúng quy trình thẩm định, bỏ qua lỗi trên hồ sơ thiết kế, cấp giấy chứng nhận thẩm định thiết kế trái quy định để nhận tiền hối lộ của các công ty từ 1,5 – 3 triệu đồng/hồ sơ.
Từ tháng 3-2019, ông Trần Anh Quân được bổ nhiệm quyền trưởng phòng VAR và thống nhất sẽ được chia tiền 700.000 đồng/hồ sơ.
Phần này ngoài việc hưởng cá nhân, Quân chi cho ngoại giao tiếp khách và chia cho ông Trần Kỳ Hình và ông Đặng Việt Hà (lúc này đang là phó cục trưởng).
Ông này còn chia cho các phó phòng VAR mỗi người 100.000 đồng/hồ sơ; cho nhân viên văn phòng mỗi người 50.000 đồng/hồ sơ.
Khi nhận được tiền từ các đăng kiểm viên, ông Quân tiếp tục chia cho ông Hình 60 triệu đồng/tháng và Đặng Việt Hà 20 triệu đồng/tháng.
Kể từ khi lên nắm vị trí cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam, ông Đặng Việt Hà đã có “điều chỉnh cuộc chơi” khi yêu cầu phòng VAR hằng tháng phải báo cáo chính xác số liệu hồ sơ đã thẩm định thiết kế, phải bảo đảm lợi ích của ông Hà là cao nhất.
Sau cuộc họp trên, cả nhóm đã thống nhất lại cách thức chia tiền theo tỉ lệ như sau: ông Hà 400.000 đồng/hồ sơ, ông Quân 300.000 đồng/hồ sơ, các phó phòng VAR mỗi người 100.000 đồng/hồ sơ…
Đến tháng 10-2022, do cơ quan công an phát hiện xử lý các sai phạm của các đơn vị đăng kiểm nên các đối tượng trên không nhận tiền hối lộ nữa.