Ý nghĩa của cổng chào, tượng đài đâu ở số tiền lớn hay quy mô hoành tráng

Sau 4 năm hoàn thành, cổng chào TP Long Xuyên tiếp tục được “sửa chữa” với kinh phí hơn 1,6 tỉ đồng – Ảnh: CHÍ HẠNH

UBND TP Long Xuyên (An Giang) vừa ban hành quyết định chi hơn 1,6 tỉ đồng duy tu, sửa chữa cổng chào thành phố trước Tết Dương lịch năm 2025.

Đây chính là cổng chào mà chỉ bốn năm trước đã được chính quyền thành phố này phê duyệt ngân sách hơn 6,8 tỉ đồng để xây dựng vào lúc cả nước đang “căng mình” chống đại dịch COVID-19. Việc đầu tư cổng chào thời điểm đó đã gặp không ít ý kiến góp ý.

Những cổng chào, tượng đài “yểu mệnh”

Không biết từ khi nào, phong trào xây dựng cổng chào bạc tỉ đã lan khắp nơi. Trong số này, không ít trường hợp nhận về “quả đắng” kém thẩm mỹ và chất lượng công trình thường “yểu mệnh” khi cứ ít lâu lại phải sửa chữa, gia cố.

Cổng chào cửa ngõ tại Bình Dương có mức đầu tư 40 tỉ đồng từ ngân sách, khánh thành năm 2010. Chỉ sau hơn một năm, một phần công trình đã xuống cấp.

Năm 2016, Hải Phòng phải tháo dỡ cổng chào nghệ thuật có kinh phí đầu tư 24 tỉ đồng sau hơn hai năm sử dụng với cùng lý do công trình xuống cấp.

Thậm chí có cả địa phương ở Tây Nguyên xây nhiều cổng chào… trái phép bị cơ quan chức năng Bộ Giao thông vận tải yêu cầu tháo dỡ.

Tương tự là phong trào chi nghìn tỉ xây tượng đài.

Nhiều người vẫn chưa quên công trình Đinh Tiên Hoàng ở Ninh Bình có kinh phí lên đến 1.500 tỉ đồng nhưng chậm tiến độ, phải rót thêm vốn và hoang phế hơn chục năm vào thời điểm năm 2015…

Ý nghĩa của cổng chào, tượng đài đâu ở quy mô hoành tráng  - Ảnh 3.

Một cổng chào từng bị yêu cầu tháo dỡ ở TP Kon Tum mà báo Tuổi Trẻ phản ánh năm 2022 – Ảnh: TRẦN VẤN

Ý nghĩa không nằm ở số tiền lớn, quy mô công trình

Việc xây dựng các công trình mỹ thuật tượng đài để ghi nhớ các sự kiện lịch sử, góp phần tích cực vào việc giáo dục văn hóa truyền thống và phục vụ đời sống tinh thần của nhân dân. Việc làm đẹp không gian, tạo dấu ấn kiến trúc trong quá trình đô thị hóa bằng các công trình cổng chào cũng là một nhu cầu của xã hội phát triển.

Thế nhưng, tư duy “to hơn, cao hơn, hoành tráng hơn” tại nhiều địa phương lại không tỉ lệ thuận với thẩm mỹ và chất lượng công trình đã khiến những cổng chào, tượng đài kia mất hết ý nghĩa đó.

Kỳ thực, có rất nhiều cách để tưởng niệm các nhân vật lịch sử, sự kiện văn hóa hay tạo dấu ấn cho đô thị mà không cần phải tốn kém quá nhiều tiền.

Nhiều nơi trên thế giới chỉ dùng có khi chỉ một bức tường, một mảnh phế tích, tác phẩm điêu khắc nhỏ đặt tại các công viên hoặc quảng trường để khắc ghi, nhắc nhở điều tốt đẹp nào đó cho hậu thế.

Họ hiểu rõ ý nghĩa và giá trị của việc tưởng niệm chứ không phải chỉ quan trọng chuyện quy mô, sự hoành tráng của công trình.

Những yếu tố rất dễ nhận thấy trong các công trình tưởng niệm này là mang ý nghĩa lịch sử sâu sắc, gợi nhớ về những sự kiện, nhân vật đã đóng góp vào sự phát triển của đất nước.

Công trình có tính thẩm mỹ cao, hài hòa với cảnh quan xung quanh, được xây dựng bằng vật liệu bền vững, tuổi thọ lâu dài và luôn cân nhắc chi phí bảo trì hằng năm để đảm bảo công trình trong tình trạng tốt nhất mà không hao tổn nhiều ngân sách.

Rất nhiều thành phố có cổng chào đa dạng nhưng luôn theo tiêu chí thiết kế thật đơn giản, có thể chỉ là một tấm biển “welcome sign” hoặc một biểu tượng đặc trưng.

Ở một số khu vực, người ta tận dụng địa hình để tạo ra những cổng chào độc đáo. Ví dụ, một hàng cây cổ thụ hoặc một vòm đá tự nhiên được xác định như một cổng chào “town entrance” vào thị trấn, thành phố.

Cổng chào đơn giản không chỉ mang tính thẩm mỹ cao mà còn thể hiện được giá trị lịch sử, văn hóa của một địa phương. Việc xây dựng các cổng chào đơn giản, tinh tế là một xu hướng được nhiều thành phố lớn trên thế giới áp dụng.

Còn rất nhiều công trình thiết yếu khác liên quan đến dân sinh cần phải ưu tiên đầu tư như trường học, bệnh viện…

Gần đây, UBND thị xã Điện Bàn đề xuất tỉnh Quảng Nam dự án nâng cấp tượng đài Dũng sĩ Điện Ngọc bằng vốn ngân sách 88 tỉ đồng, trong đó tháo dỡ tượng đài cũ và xây mới, và tỉnh yêu đã cầu giải trình, lấy ý kiến dân.

Sau khi thông tin trên Tuổi Trẻ Online, nhiều bạn đọc cho rằng tượng đài này là công trình văn hóa, có tính lịch sử (giống như một di tích), càng lâu dài càng có giá trị, không nên tháo dỡ xây mới. Số tiền dự kiến xây mới công trình nên dùng để xây trường học, bệnh viện.

Những ý kiến này hết sức xác đáng và cơ quan chức năng cần có sự “cân đong đo đếm” thời điểm xây dựng, quy mô tượng đài, cổng chào với những công trình thiết yếu, cấp bách cho cuộc sống hàng ngày.

Bởi cái cần thiết cho cuộc sống của người dân mới luôn là mong ước của những anh hùng hào kiệt mà các công trình tượng đài đang nhân danh.

Source link

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *