1 tỉ USD làm cao tốc nối TP.HCM và Bình Dương

Đường Mỹ Phước – Tân Vạn đoạn 15,3km trùng với vành đai 3 TP.HCM qua địa bàn tỉnh Bình Dương đang được đề xuất làm đường cao tốc để kết nối với TP.HCM – Ảnh: CHÂU TUẤN

Quy mô đầu tư cho dự án này ước tính 1 tỉ USD (tương đương 24.000 tỉ đồng) cho giai đoạn đầu với bốn làn xe, sau đó sẽ tiếp tục mở rộng lên tám làn xe trong giai đoạn tiếp theo.

Cứu dự án vành đai 3

Dự án đoạn cao tốc này đi trùng với hướng tuyến đường Mỹ Phước – Tân Vạn và dự án vành đai 3 TP.HCM. Dự án này có điểm đầu là nút giao Tân Vạn (giao giữa đường vành đai 3 TP.HCM và xa lộ Hà Nội), điểm cuối là nút giao Bình Chuẩn (giao giữa vành đai 3 TP.HCM và đường Mỹ Phước – Tân Vạn).

Vì sao đề xuất đoạn cao tốc 15,3km nối TP.HCM và Bình Dương, trong khi vành đai 3 TP.HCM nối TP.HCM và các tỉnh đang được triển khai? Theo Bộ GTVT, dự án vành đai 3 TP.HCM được Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư theo nghị quyết vào tháng 6-2022. Dự án qua địa bàn bốn địa phương TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương, Long An đang được xây dựng.

Vành đai 3 TP.HCM có 15,3km đi trùng với đường Mỹ Phước – Tân Vạn, nhưng theo chủ trương cũ thì chưa đầu tư đoạn này mà tận dụng đường Mỹ Phước – Tân Vạn (hiện đã lưu thông với sáu làn xe đô thị) để khép kín đường vành đai 3. Việc “tận dụng” làn xe nói trên không còn phù hợp.

Một lãnh đạo UBND tỉnh Bình Dương cho biết đoạn 15,3km hiện phải “gánh” quá nhiều dự án đi trùng. Ngoài đường Mỹ Phước – Tân Vạn, vành đai 3 TP.HCM thì sắp tới sẽ tiếp tục khởi công đường cao tốc TP.HCM – Thủ Dầu Một – Chơn Thành cũng có một đoạn đi trùng đoạn đường này nên áp lực dòng xe dồn về đây sẽ rất lớn.

Theo một cán bộ giao thông, vành đai 3 TP.HCM là đường cao tốc nhưng nếu không đầu tư đoạn 15,3km thì khi thông xe sẽ bị “thắt cổ chai” tại đoạn đường này, áp lực kẹt xe và tai nạn sẽ càng cao. Theo phương án đang được Sở GTVT tỉnh Bình Dương nghiên cứu thì 15,3km nói trên được đề xuất tách thành một dự án độc lập.

Trước mắt sẽ giải phóng mặt bằng bên trái tuyến Mỹ Phước – Tân Vạn (hướng từ Tân Vạn về Bình Chuẩn) để đầu tư bốn làn cao tốc trên cao, đồng thời phía dưới cầu cạn cao tốc sẽ đầu tư thêm làn xe cơ giới và vỉa hè. Việc đầu tư đoạn cao tốc này được đề xuất làm ngay để kịp đồng bộ với thời gian thông xe của toàn tuyến vành đai 3 TP.HCM vào năm 2026.

1 tỉ USD làm cao tốc nối TP.HCM và Bình Dương - Ảnh 2.

Đồ họa: TẤN ĐẠT

Cơ chế nào và tiền ở đâu?

Việc đầu tư 15,3km cao tốc nối TP.HCM và Bình Dương được không chỉ UBND tỉnh Bình Dương mà UBND TP.HCM và cả Bộ GTVT ủng hộ. “Để đảm bảo năng lực thông hành trên toàn tuyến đường vành đai 3 TP.HCM đạt vận tốc 80km/h cần khẩn trương nghiên cứu đầu tư nâng cấp đoạn tuyến này” – ông Bùi Xuân Cường, phó chủ tịch UBND TP.HCM, nêu ý kiến trong một văn bản mới đây gửi Bộ GTVT.

Văn phòng Chính phủ cũng đã có văn bản truyền đạt ý kiến của Phó thủ tướng Trần Hồng Hà chỉ đạo Bộ GTVT và UBND tỉnh Bình Dương, TP.HCM phối hợp các cơ quan liên quan làm rõ phương án đầu tư, bố trí vốn… để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Việc đầu tư 15,3km cao tốc nối TP.HCM và Bình Dương cần số vốn lớn, thời gian lại khá cấp bách thì phương án nào khả thi? Theo Sở GTVT tỉnh Bình Dương, nếu huy động vốn doanh nghiệp theo phương án đối tác công tư (PPP), thu phí BOT để hoàn vốn sẽ rất khó khăn. Vì vậy, sở đề nghị chọn phương án đầu tư công, hình thức là hình thành dự án riêng (thay vì điều chỉnh dự án vành đai 3 TP.HCM).

Nguồn vốn sử dụng vốn dư từ các dự án thành phần của vành đai 3 TP.HCM và bổ sung nguồn vốn trung ương để thực hiện. Nếu theo phương án trên, dự án 15,3km cao tốc phải được trình Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư và sẽ được hưởng những cơ chế đặc thù như dự án vành đai 3 TP.HCM để triển khai.

Nghiên cứu kéo dài metro từ TP.HCM về Bình Dương

Đường Mỹ Phước – Tân Vạn có bề rộng hiện hữu là 32m với sáu làn xe. Đường có quy hoạch lộ giới mỗi bên thêm 16m để hạn chế xây dựng, dành quỹ đất để mở rộng đường trong tương lai đạt bề rộng 64m.

Trước khi đề xuất 15,3km cao tốc nối TP.HCM và Bình Dương, đường Mỹ Phước – Tân Vạn có dự án cải tạo hạ tầng giao thông công cộng, dự kiến vay vốn ODA của Nhật Bản để làm nhiều cầu vượt và hầm chui nhằm tránh ùn tắc giao thông.

Với phương án làm đoạn cao tốc mới, đồng thời Bình Dương đang nghiên cứu làm tuyến đường sắt đô thị (metro) nối với TP.HCM nên Sở GTVT tỉnh Bình Dương kiến nghị theo hướng không vay ODA thực hiện dự án cải tạo hạ tầng giao thông công cộng, mà chuyển sang đầu tư tuyến đường sắt đô thị số 1 của Bình Dương kết nối với TP.HCM.

Source link

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *