7 công thức nấu cháo từ rau quả ngon bổ rẻ vừa phòng bệnh vừa thanh mát

Mướp đắng (khổ qua) là một trong số nguyên liệu nấu món cháo giải nhiệt, tăng cường sức khỏe – Ảnh minh họa

Theo ThS Hoàng Khánh Toàn – nguyên chủ nhiệm khoa y học cổ truyền, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, mùa hè nóng nực, dùng cháo hết sức hữu ích bởi món ăn này cung cấp một lượng nước khá lớn, làm giảm nhẹ gánh nặng cho đường tiêu hóa, lại có lợi cho việc hấp thu các chất dinh dưỡng từ gạo và các nguyên liệu kèm theo.

Nếu cháo chế biến có các thực – dược phẩm có tác dụng thanh nhiệt bổ dưỡng, giúp cho cơ thể nâng cao sức đề kháng, dự phòng và hỗ trợ trị liệu bệnh tật trong điều kiện thời tiết bất lợi.

ThS Hoàng Khánh Toàn gợi ý một số cách nấu cháo từ rau quả bổ dưỡng, phòng bệnh, nhất là trong những ngày thời tiết bất lợi:

– Cháo bí xanh thịt chân giò: Bí xanh 500g rửa sạch, cắt thành miếng nhỏ; thịt chân giò 50g làm sạch thái vụn; gạo tẻ 100g vo sạch. Tất cả cho vào nồi dùng lửa nhỏ nấu thành cháo, chế thêm gia vị, hành hoa, chia ăn vài lần trong ngày.

Công dụng: Thanh nhiệt giải độc, lợi tiểu tiêu phù, trừ đờm chữa ho. Dùng chữa các bệnh tiêu khát, cảm nắng, cảm nóng, sốt cao, phù nề, ho đờm, chảy máu cam… trong điều kiện thời tiết nóng bức.

– Cháo lê ý dĩ: Lê 500g, ý dĩ 100g, đường phèn 100g. Lê gọt vỏ bỏ hạt, cắt thành quân cờ; ý dĩ đãi sạch, ngâm nước trong 30 phút, vớt ra để ráo nước. Cho cả 3 thứ vào ninh với 1.000ml nước thành cháo, chia ăn vài lần trong ngày.

Công dụng: thanh nhiệt trừ phiền, thanh tâm nhuận phổi, giải khát trừ đàm, bồi bổ sức khỏe, dùng đặc biệt tốt cho những người mắc các chứng bệnh hô hấp mạn tính trong những ngày hè nóng bức.

– Cháo mướp đắng: Mướp đắng 100g, đường phèn 50g, gạo tẻ 100g, gia vị vừa đủ. Mướp đắng bỏ ruột, rửa sạch, thái thành miếng nhỏ rồi đem ninh với gạo tẻ thành cháo, khi được cho thêm đường phèn và chừng 3g muối tinh, chia ăn vài lần trong ngày.

Công dụng: Thanh nhiệt giải thử, tiêu độc và làm sáng mắt, dùng thích hợp cho chứng phiền khát, đái tháo đường, cảm nắng phát sốt, kiết lỵ, đau mắt đỏ, mụn nhọt, rôm sảy…

– Cháo lá sen: Lá sen tươi 1 tàu, gạo tẻ 100g, đường trắng vừa đủ, có thể thêm đậu xanh để tăng sức thanh nhiệt giải độc. Nếu không có lá sen tươi có thể dùng lá sen khô nhưng trước khi dùng phải ngâm nước cho mềm.

Lá sen rửa sạch, thái vụn, sắc kỹ lấy nước bỏ bã rồi cho gạo vào nấu nhừ thành cháo, chế thêm đường trắng, chia ăn vài lần trong ngày. 

Cũng có thể cho gạo vào nồi nấu thành cháo trước, sau đó dùng lá sen đã cắt bỏ cuống và viền quanh đậy lên trên mặt cháo, tiếp tục đun cho đến khi mùi thơm của lá sen thấm đượm vào cháo là được.

7 công thức món cháo từ rau quả ngon bổ rẻ, phòng bệnh ngày hè - Ảnh 2.

Cháo lá sen là món ăn mát bổ rất thích hợp trong điều kiện thời tiết nắng nóng – Ảnh minh họa

Hoặc đơn giản dùng lá sen rửa sạch chần qua nước sôi, lót dưới đáy nồi rồi đổ cháo đang sôi lên trên, đậy kín vung trong 5 phút, sau đó bỏ lá sen ra, chế thêm đường.

Công dụng: Thanh nhiệt giải thử, kiện não sinh tân dịch, hạ huyết áp và hạ mỡ máu. Là món ăn mát bổ rất thích hợp trong điều kiện thời tiết nắng nóng. Đặc biệt tốt với những người béo phì, cao huyết áp, rối loạn lipid máu, viêm đường tiết niệu…

– Cháo dưa hấu: Dưa hấu 1.000g, cát cánh 25g, đường phèn 100g, gạo tẻ 100g. Dưa hấu bỏ hạt, thái miếng nhỏ; cát cánh cắt thành miếng nhỏ như hạt gạo; gạo tẻ đãi sạch, ngâm nước cho trương lên. Tất cả cho vào nồi ninh nhừ thành cháo loãng, chia ăn vài lần trong ngày.

Công dụng: Thanh nhiệt giải độc, giải khát trừ phiền, lợi tiểu, dùng làm đồ giải khát, chữa chứng phát sốt, phiền muộn, bức bối, tiểu tiện vàng, rôm sảy… do thời tiết quá nóng bức.

– Cháo rau sam: Rau sam 60g (khô 30g) rửa sạch thái nhỏ, gạo tẻ 100g vo sạch. Hai thứ cho vào nồi cùng 1 lít nước, đun to lửa cho sôi rồi giảm nhỏ lửa, ninh kỹ thành cháo, chia ăn vài lần trong ngày.

Công dụng: Thanh nhiệt giải độc, dùng dự phòng và hỗ trợ trị liệu những trường hợp bị viêm ruột, kiết lỵ, cảm nắng say nóng, mụn nhọt, lở ngứa…

– Cháo cúc hoa: Cúc hoa 15g, gạo tẻ 100g. Cúc hoa thu hoạch vào mùa thu sương giáng, bỏ cuống, sấy hoặc phơi khô, tán thành bột; gạo tẻ đãi sạch, cho vào nồi nấu với 1.000ml nước thành cháo loãng, khi được cho bột cúc hoa vào đun sôi vài dạo là được, chia ăn vài lần trong ngày.

Công dụng: Tán phong thanh nhiệt, thanh can hỏa, giảm huyết áp, làm nhẹ đầu, sáng mắt, dùng đặc biệt tốt cho những người bị tăng huyết áp, rối loạn lipid máu, bị bệnh lý mạch vành, viêm gan, đau mắt đỏ, hay đau đầu chóng mặt, hoa mắt trong những ngày thời tiết nóng bức.

Source link

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *