Ngày 16-8, tại hội thảo về thị trường tín chỉ carbon do báo Nông nghiệp Việt Nam tổ chức, TS Nguyễn Minh Hải, trường Chính sách công và phát triển nông nghiệp, cho biết Đề án “Phát triển bền vững một triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030”, nhằm mục đích xây dựng một vùng chuyên canh lúa chất lượng cao, gắn với sản xuất theo chuỗi giá trị.
Từ đó áp dụng các quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt nhằm gia tăng giá trị sản phẩm lúa gạo và phát triển bền vững. Đặc biệt tăng thu nhập cho nguời trồng lúa.
Vì vậy sản xuất giảm phát thải tín chỉ carbon là một trong những yếu tố của đề án này và Việt Nam là quốc gia đầu tiên trên thế giới thực hiện một dự án về lúa gạo phát thải carbon thấp.
Trong đề án, ngoài vốn đối ứng thì phía Việt Nam được vay Ngân hàng Thế giới (WB) 40 triệu USD không hoàn lại. Ngoài ra, một cơ chế vay 360 triệu USD với thủ tục cấp quốc gia đang thực hiện cùng chuyên gia WB và thủ tục cấp tỉnh có 12 đang hoàn thiện dự án.
Cập nhật tiến độ tính đến tháng 7-2024, đã có 7 mô hình thí điểm được triển khai, mỗi mô hình có diện tích trung bình 50 ha tại các tỉnh Kiên Giang, Cần Thơ, Sóc Trăng, Trà Vinh và Đồng Tháp.
Hiện Cục Trồng trọt phối hợp với Viện Môi trường nông nghiệp đang xây dựng kế hoạch thiết lập và hoàn thiện hệ thống đo đạc, báo cáo và thẩm định (MRV). Đến ngày 4-7 vừa qua, Cục đã trình Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phê duyệt Kế hoạch thực hiện MRV trên các mô hình thí điểm thuộc Đề án.
“Chúng ta vay tiền để phát thải carbon thấp. Nếu không thu được tín chỉ giảm phát thải thì chúng ta ‘lỗ’ chứ không ‘lời’. Cần nhân lực có thể thực hiện và quản lý các quy trình sản xuất mới, hiểu rõ và ứng dụng hiệu quả các biện pháp kỹ thuật nhằm tối ưu hóa khả năng hấp thụ và giảm phát thải carbon trong nông nghiệp”, ông Hải khẳng định.
Theo tính toán, để sản xuất 8 tấn lúa sẽ phát thải tương ứng 8 tấn carbon. Hiện nay, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang hợp tác với Quỹ Tài chính carbon chuyển đổi (TCAF) để định giá tín chỉ carbon với mức giá 10 USD/tín chỉ. Nếu nông dân tuân thủ đầy đủ các quy trình, họ có thể giảm được 30% lượng phát thải, tương đương với việc giảm 2 tín chỉ carbon.
“Lợi ích kinh tế lớn nhất của đề án không chỉ nằm ở việc bán tín chỉ carbon mà còn ở việc giảm các chi phí đầu vào thông qua các quy trình sản xuất hiệu quả hơn. Ngoài ra, việc xây dựng thương hiệu lúa giảm phát thải và tổ chức lại sản xuất trên quy mô lớn cũng mang lại giá trị thặng dư đáng kể”, ông Hải nhấn mạnh.
Ông cũng lưu ý không nên tham gia vào thị trường carbon trong lĩnh vực lúa gạo bằng mọi giá. Thay vào đó, cần tập trung thực hiện đúng đắn và bền vững các quy trình sản xuất, đảm bảo lợi ích lâu dài cho cả người nông dân và nền kinh tế nông nghiệp.
Với các doanh nghiệp xuất khẩu, theo ông Đặng Thanh Long – trưởng phòng Đào tạo và Phát triển bền vững Intertek Việt Nam, nhìn chung nếu thị trường carbon vận hành muộn, các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam sẽ bị thiệt. Do đó, các nhà sản xuất ở nước thứ 3 cần tính toán lượng phát thải “nhúng” trong lượng hàng hóa xuất khẩu gồm phát thải trực tiếp và gián tiếp.
TP.HCM có 60 dự án liên quan tín chỉ carbon
Theo ông Cao Tung Sơn, giám đốc Trung tâm Quan trắc Tài nguyên và Môi trường (Sở TN-MT TP.HCM), TP.HCM đã ban hành Kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu (BĐKH) giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn đến 2050. Hiện TP.HCM có khoảng 60 dự án liên quan đến tín chỉ carbon, đây là số lượng lớn.
Còn theo quy định của chính phủ, sẽ có 2.400 doanh nghiệp của Việt Nam phải thực hiện việc kê khai và kiểm kê carbon. Trong số này, TP.HCM có 140 doanh nghiệp bị áp hạn ngạch, chiếm tỉ lệ tương đối cao so với mức bình quân.