Ngày 16-8, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quảng Ngãi đã có đề xuất cải tạo, nâng cấp hồ chưa nước trên miệng núi lửa Thới Lới và chỉ phục vụ cho người dân toàn đảo Lý Sơn sinh hoạt, còn nước sản xuất sẽ có hệ thống thu gom nước mưa.
Dùng miệng núi lửa trữ nước cho Lý Sơn
Theo đó, huyện đảo Lý Sơn có diện tích khoảng 10km2, dân số hơn 22.000 người, trên đảo có khoảng 300ha đất nông nghiệp. Lâu nay, tình trạng đảo khát được nhắc đến nhiều. Tốc độ nhiễm mặn tại đảo Lý Sơn ngày một trầm trọng thông qua các chỉ số đáng báo động thu về từ các trạm quan trắc.
Toàn đảo hiện có hơn 2.100 giếng nước, nhưng chỉ có duy nhất hồ chứa nước nằm trên miệng núi lửa Thới Lới với dung tích 270.000m3 được đầu tư từ năm 2012. Vì vậy gánh nặng nước tưới, sinh hoạt vẫn là khai thác nước ngầm.
Mới đây, huyện đảo Lý Sơn có đề xuất nâng cấp hồ chứa nước Thới Lới, tăng sức chứa, nhằm tìm kiếm thêm nguồn nước ngọt cho đảo.
Tuy nhiên, qua nghiên cứu, khảo sát Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng kiến nghị nâng cấp, mở rộng Hồ chứa nước Thới Lới theo đề xuất của huyện Lý Sơn là không khả thi, vì dung tích chứa của hồ sau nâng cấp không tăng lên đáng kể.
Chính vì thế, sở phân tách hai vấn đề và đề xuất phương án cải tạo Hồ chứa nước Thới Lới để trữ ngọt và chỉ phục vụ duy nhất vào mục đích cấp nước sinh hoạt cho 22.000 dân trên đảo Lý Sơn, không lấy nước ở hồ phục vụ sản xuất như lâu nay.
Đối với bài toán tìm nước phục sản xuất nông nghiệp, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ đầu tư hệ thống thu gom nước mưa và có bể chứa riêng.
Nếu hai phương án được thông qua, kế hoạch triển khai trong giai đoạn 2025-2030.
Bám sát quy hoạt tổng thể của Chính phủ
Trên cơ sở đề xuất, ông Trần Phước Hiền, phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi đã giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp huyện Lý Sơn và các cơ quan nghiên cứu, xây dựng phương án thu gom, cấp nước tổng thể, giải quyết bài toán thiếu nước sinh hoạt, sản xuất trên đảo.
Ông Hiền yêu cầu, phương án này phải bám sát vào điều chỉnh tổng thể quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Dung Quất, tỉnh Quảng Ngãi đến năm 2045 và Đồ án Quy hoạch phân khu xây dựng tỷ lệ 1/2000 đô thị Lý Sơn đã được Chính phủ phê duyệt.
Đồng thời, bài toán UBND tỉnh yêu cầu phải giải là các công trình này nếu được đầu tư phải đảm bảo khai thác, phát huy hiệu quả chứa nước và cấp nước. Tránh trường hợp, làm xong lại không phát huy hiệu quả bởi nhiều vấn đề phát sinh.
Nghị quyết 26-NQ/TW, ngày 3-11-2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế – xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 xác định phát triển huyện đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi trở thành trung tâm du lịch biển, đảo. Việc đảm bảo nguồn nước cho sinh hoạt, sản xuất và phát triển du lịch bền vững ở Lý Sơn là vấn đề cấp thiết, cần tính toán thực hiện căn cơ.