Sự xuất hiện của các thương hiệu xe điện Trung Quốc, đặc biệt là BYD, cùng với chiến lược mạnh mẽ của VinFast đang tạo nên một bức tranh sôi động cho thị trường xe hơi.
Cuộc đổ bộ của xe điện Trung Quốc
BYD, nhà sản xuất xe điện lớn nhất thế giới đến từ Trung Quốc, đã chính thức gia nhập thị trường Việt Nam với kế hoạch khai trương hàng loạt showroom tại nhiều tỉnh thành như Hà Nội, Đà Nẵng, TP.HCM, Cần Thơ.
Hãng này đã giới thiệu ba mẫu xe chủ lực là Atto 3, BYD Dolphin và BYD Seal, thu hút sự quan tâm của người tiêu dùng Việt với mức đặt cọc 10 triệu đồng/xe. BYD dự kiến sẽ có 15 đại lý trong năm nay và mở rộng lên 50 đại lý trên cả nước trong tương lai.
Mặc dù hạ tầng cho xe điện vẫn còn hạn chế, nhưng qua trao đổi với ông Võ Minh Lực – giám đốc điều hành BYD Việt Nam – cho rằng Việt Nam là thị trường quan trọng khi nhiều người dùng xe đón nhận công nghệ mới.
Không chỉ có BYD, nhiều thương hiệu xe Trung Quốc khác như MG, Chery, Wuling, Hongqi, Haima, Haval, GAC, Aion, Omoda, Jaecoo cũng đang tích cực mở rộng mạng lưới đại lý tại Việt Nam. Chery cũng lên kế hoạch mở 20 đại lý 3S trong năm nay, tăng lên 30 đại lý vào năm 2025 và 100 đại lý vào năm 2028.
Xe Trung Quốc đang thu hút sự chú ý của người tiêu dùng Việt Nam không chỉ bởi thiết kế mà còn bởi mức giá linh hoạt, với một số mẫu xe chỉ từ 500 triệu đồng.
Tuy nhiên, những xe này vẫn được trang bị nhiều tính năng cao cấp như nhận diện khuôn mặt, màn hình giải trí cỡ lớn, cửa sổ trời toàn cảnh cùng hàng loạt trang bị an toàn.
Nhiều thách thức với xe Trung Quốc
Mặc dù có nhiều ưu điểm, xe điện Trung Quốc vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức tại thị trường Việt Nam. Hạ tầng cho xe điện còn hạn chế là một trong những rào cản lớn.
BYD cho biết họ không đầu tư hệ thống trạm sạc riêng mà sẽ phối hợp với các đối tác thứ ba như Star Charge, Autel, Charge+… để cung cấp dịch vụ sạc điện cho khách hàng.
Ngoài ra, tâm lý e ngại của người tiêu dùng đối với xe Trung Quốc cũng là một thách thức không nhỏ. Nhiều người tiêu dùng vẫn ưu tiên sự tiện dụng và độ tin cậy của các thương hiệu đã có tiếng tăm trên thị trường.
Chị Thùy Dương (quận Bình Thạnh, TP.HCM) cùng chồng tham khảo nhiều thương hiệu xe điện nhưng vẫn khá e ngại xe Trung Quốc. “Tôi ở chung cư nhưng mua xe điện Trung Quốc ít có trạm sạc dùng chung, trong khi VinFast có hệ thống trạm sạc khắp cả nước.
Thích mẫu mã xe Trung Quốc nhưng tôi vẫn ưu tiên sự tiện dụng hơn” – chị Dương nói.
Thực tế các thương hiệu xe Trung Quốc vào Việt Nam được kỳ vọng nhiều nhưng doanh số bán hàng không cao. Chẳng hạn, mẫu Wuling Mini EV do TMT Motor lắp ráp, phân phối tại Việt Nam, được quảng bá giá rẻ từ 310 triệu/chiếc, sau đó giảm còn 271 – 300 triệu đồng/chiếc vẫn kén khách mua.
Tương tự, mẫu xe Haval H6 sử dụng động cơ hybrid với mức tiêu thụ nhiên liệu công bố là 5,5 lít/100km, có ngoại hình bắt mắt, nhiều công nghệ an toàn nhất phân khúc và định giá 1,1 tỉ đồng. Trong khi so với Mazda CX-5 (xe xăng), giá chỉ từ 750 triệu đồng, thì mức chênh lệch về giá này là rất lớn.
Khó bán hàng, Haval H6 đại hạ giá còn 886 triệu đồng, giảm hơn 200 triệu đồng/chiếc.
Tương tự khi MG Việt Nam công bố mức giá bán từ 739 – 829 triệu đồng với MG RX5 (xe xăng), mức giá này đã khiến nhiều người tỏ ra ngán ngẩm bởi định giá đang ở mức khá cao, thậm chí mức giá này cao hơn cả những dòng xe ở phân khúc trên như Mazda CX-5 hay Hyundai Tucson.
Chờ đợi cú bứt tốc xe lắp ráp nội địa
Trong khi cuộc đua xe điện đang diễn ra sôi nổi, thị trường xe lắp ráp nội địa cũng đang chờ đợi một cú hích từ chính sách giảm 50% lệ phí trước bạ. Chính sách này dự kiến sẽ có hiệu lực từ 1-8-2024 đến 31-2-2025, giúp người tiêu dùng tiết kiệm được một khoản đáng kể khi mua xe.
Anh Hoàng Thanh Tùng, tư vấn bán hàng của Toyota tại TP.HCM, cho biết nhiều khách hàng đã đến xem chốt mẫu xe, đặt cọc nhưng yêu cầu đại lý bàn giao xe sang tháng 8 tới để được hưởng lợi “kép” – tức là gồm cả khuyến mãi từ đại lý và hỗ trợ trước bạ.
Theo các doanh nghiệp kinh doanh ô tô, thời gian áp dụng giảm phí trước bạ trùng với dịp Tết âm lịch – mùa mua sắm cao điểm trong năm, hứa hẹn sẽ làm thị trường ô tô cuối năm thêm sôi động.
Ông Nguyễn Chỉ Sáng, chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp cơ khí Việt Nam (VAMI), cho biết hiện có những doanh nghiệp ô tô có cơ sở sản xuất tại Việt Nam đã mang các mẫu xe điện, xe hybrid thâm nhập thị trường và bắt đầu sản xuất, lắp ráp ngay tại Việt Nam như Công ty Hyundai Thành Công với các mẫu xe điện Ioniq5 hay xe Santa Fe Hybrid.
Theo chủ tịch VAMI, chỉ khi duy trì được sản xuất hiện tại, các doanh nghiệp sản xuất ô tô mới tiếp tục đầu tư mở rộng để sản xuất nhiều hơn, nhất là các mẫu xe xanh tại Việt Nam, để tạo sự đa dạng cho người tiêu dùng lựa chọn.
Ông Sáng cho rằng chính sách giảm lệ phí trước bạ là một trong những giải pháp quan trọng để hỗ trợ ngành sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước phục hồi và phát triển.
Phản ứng của VinFast
Đứng trước làn sóng xe điện Trung Quốc, VinFast đã tung ra nhiều chương trình ưu đãi hấp dẫn. Khách hàng mua ô tô VinFast từ tháng 7-2024 đến hết tháng 7-2026 sẽ được miễn phí gửi xe (dưới 5 tiếng), ưu tiên đỗ xe tại các địa điểm thuộc hệ sinh thái VinGroup và miễn phí sạc pin trong 1 năm.
Đặc biệt, cư dân Vinhomes sở hữu ô tô điện VinFast còn được gửi xe và sạc điện miễn phí trong vòng 2 năm tại các bãi đỗ của Vinhomes.
Ngoài ra, VinGroup còn thành lập Công ty FGF – Vì Tương lai Xanh để mua bán và cho thuê ô tô điện, góp phần bình ổn giá xe điện VinFast và giảm bớt nỗi lo về việc xe bị rớt giá cho khách hàng.
Nhiều mẫu xe rút khỏi thị trường
Đối với xe truyền thống, việc một số mẫu xe phải rút lui khỏi thị trường cho thấy sự cạnh tranh khốc liệt và sự thay đổi trong xu hướng tiêu dùng.
Mazda BT-50, Suzuki Ciaz và Toyota Yaris là những ví dụ điển hình cho xu hướng này. Suzuki Ciaz, với doanh số chỉ 8-10 xe mỗi tháng, đã dừng kinh doanh từ cuối tháng 6/2024. Toyota Yaris cũng phải rút lui khỏi thị trường Việt Nam từ tháng 7 do doanh số quá thấp, chỉ 1-3 xe/tháng.